Nhật Bản cần tiến tới một nền giáo dục hòa nhập
Cập nhật lúc 23:49, Thứ sáu, 25/11/2022 (GMT+7)
Con trai của chị Tachibatake, Go, 8 tuổi, sống tại Nhật Bản, mắc hội chứng Down.
|
|
Giáo dục hòa nhập giúp trẻ khuyết tật gắn kết với xã hội và mọi người xung quanh. |
Giống như nhiều đứa trẻ khuyết tật khác, cơ quan giáo dục địa phương khuyến nghị gia đình nên cho Go đến trường dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt.
Tuy nhiên, chị Tachibatake muốn con theo học một trường phổ thông bình thường. Bà mẹ tin rằng, điều này giúp Go kết bạn và tăng khả năng giao tiếp với bạn bè đồng trang lứa. Đến khi trưởng thành, em có thể hòa nhập với xã hội.
Khi Go theo học trường bình thường, chị Tachibatake đã chuẩn bị tâm lý rằng con sẽ phải điều chỉnh một số hoạt động cho phù hợp với bạn bè. Nhưng cách tiếp cận của nhà trường với trẻ đặc biệt khiến bà mẹ không cảm thấy thoải mái.
Nhà trường yêu cầu Go phải được người hộ tống hoặc giám hộ đưa đi học, trái với mong muốn tự lập của em. Gia đình cũng phải tìm trợ giảng để ngồi kèm Go trong giờ học trên lớp.
Chị Tachibatake chia sẻ: “Nhà trường đối xử với Go như thể cháu được đặc cách vào đây và nên đến trường dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt”.
Câu chuyện của chị Tachibatake cũng là trải nghiệm của nhiều phụ huynh Nhật Bản có con khuyết tật theo học trong các trường phổ thông. Họ cùng chung nhận định rằng, nhà trường chưa có cách tiếp cận phù hợp để trẻ khuyết tật hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa.
Cũng vì thế, nhiều phụ huynh phải cho con học trường dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt mà không biết rằng các em có thể tham gia vào mô hình giáo dục hòa nhập.
Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, số lượng trẻ em theo học trường dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt đang tăng lên, đi ngược với xu hướng quốc tế là thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Đó là nơi trẻ em ở mọi hoàn cảnh, điều kiện, tình huống khác nhau được cùng học tập trong một môi trường giáo dục.
Trong năm 2021, số lượng học sinh theo học trường nhu cầu đặc biệt hoặc lớp nhu cầu đặc biệt trong trường phổ thông tại Nhật Bản đã tăng lần lượt là 1,2 và 2,1 lần so với 10 năm trước. Vào tháng 9, Ủy ban Liên Hợp Quốc về quyền của Người khuyết tật đã chỉ trích gay gắt vấn đề này.
Ủy ban thúc giục Chính phủ Nhật Bản chấm dứt chương trình giáo dục đặc biệt đang tách trẻ khuyết tật khỏi bạn bè đồng trang lứa. Ủy ban đồng thời khuyến nghị Nhật Bản thông qua “kế hoạch hành động quốc gia về giáo dục hòa nhập có chất lượng với các mục tiêu cụ thể, khung thời gian và ngân sách” nhằm đảm bảo tất cả học sinh khuyết tật đều được hỗ trợ ở tất cả các cấp.
Sau khuyến nghị từ Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Keiko Nagaoka cho biết, chính phủ sẽ thúc đẩy giáo dục hòa nhập nhưng “không có ý định chấm dứt giáo dục theo nhu cầu đặc biệt, diễn ra trong môi trường học tập đa dạng”.
Chuyên gia giáo dục Yoshihiro Kokuni, làm việc tại Trường Đại học Tokyo, đánh giá Nhật Bản đang “chậm trễ” trong việc công nhận giáo dục hòa nhập. Nhưng nếu được triển khai, mô hình giáo dục này cũng sẽ gặp nhiều thách thức do nền giáo dục còn chú trọng thành tích.
“Tôi tin rằng, cuộc sống học đường sẽ đảm bảo cho sự phát triển của trẻ em. Thay vì nghĩ về cách phân chia nơi học tập, chúng ta cần tạo ra một nơi mà trẻ em có thể chung sống cùng nhau”, ông Kokuni nhấn mạnh.
Bất chấp những tranh cãi gần đây, chị Tachibatake khẳng định việc Go theo học trường phổ thông là trải nghiệm đáng quý. Cậu bé biết cách thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ người khác. Bạn bè trên lớp cũng hiểu và chia sẻ với em.
Theo giaoducthoidai