trien-lam_temg.jpg

Tác phẩm Bé Uyên Minh (tác giả Cao Nam Tiến) bị cào xước mặt vẫn tiếp tục được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 - NSCC

Xước tranh “đã thành tiền lệ”

Cuộc họp báo về Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 chiều 1.12 mở đầu bằng rất nhiều câu hỏi về quy trình tổ chức. Quy trình do Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) dẫn dắt này, vốn bị cho là thiếu đội ngũ vận chuyển, trưng bày mỹ thuật chuyên nghiệp, đã dẫn đến việc rất nhiều tranh bị xước, vấy sơn tường, nhiều tác phẩm điêu khắc gãy vỡ. Ông Mã Thế Anh, Trưởng ban tổ chức triển lãm, Phó cục trưởng phụ trách, cho biết quá trình tổ chức có huy động hơn 100 người làm việc ngày đêm. Tuy nhiên, cách thức tổ chức từ trước tới nay đã khiến không thể tránh được sự cố. “Năm nay bị xước nhưng nếu sang năm vẫn duy trì cách tổ chức như thế này thì vẫn bị xước. Ai làm như chúng tôi cũng sẽ để xảy ra sự cố, không riêng gì chúng tôi”, ông Thế Anh khẳng định. Điều đáng ngạc nhiên là dù biết khúc mắc trong quy trình chắc chắn sẽ gây xước tranh, nhưng ban tổ chức vẫn để tác phẩm dự thi “bị thương” rất nhiều. Về điều này, ông giải thích: “Những quy trình trước, tôi không dám thay đổi gì”.

Về việc tranh xước và ảnh hưởng đến tác phẩm, ông nói: “Tác phẩm xước rất đau xót. Tác phẩm đắt tiền hay thế nào cũng trân trọng như nhau. Đây là sự việc đáng tiếc. Chúng tôi xin lỗi và chia sẻ với tác giả đã vì sự nghiệp mỹ thuật mà gửi con tinh thần của mình đến. Chúng tôi rất chia sẻ và cảm ơn anh em. Còn việc bị xước đã có tiền lệ. Tiền lệ các cuộc đều xảy ra”.

Ông Thế Anh cho biết đã rà soát lại khi một số tác phẩm gặp sự cố không mong muốn. “Có 5 tác giả bị xước tranh, chúng tôi đang thống kê. Có tác giả tôi đã gặp và làm việc. Sau triển lãm, chúng tôi sẽ ngồi với nhau. Anh Nguyễn Quốc Huy khi biết được việc này đã lấy tranh về sửa chữa. Chúng tôi sẽ thương thuyết có tình có lý để trách nhiệm với nhau về tác phẩm”, ông nói.

Tại cuộc họp báo, PV Thanh Niên đặt câu hỏi về vấn đề bồi thường, cụ thể như trong trường hợp tác giả đòi đền bù, ban tổ chức sẽ lấy nguồn tiền nào để đáp ứng? Liệu có phải từ ngân sách nhà nước không? Ông Thế Anh cho biết: “Sẽ trả lời dịp khác”.

Chất chưa song hành lượng

Triển lãm mỹ thuật Việt Nam năm nay không có giải nhất ở mọi loại hình, chất liệu. “Về chấm giải thì không có trao đổi (giữa các hội đồng - NV), nhưng chúng ta đều không có giải nhất. Chỉ có giải nhì ở cả điêu khắc và video art, hội họa (sơn dầu, lụa), đồ họa”, ông Vương Duy Biên, Chủ tịch Hội đồng Điêu khắc và sắp đặt, cho biết.

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Phó chủ tịch Hội đồng Hội họa, đánh giá triển lãm này quy tụ lượng tác phẩm khá nhiều, tác giả đông đủ, thể loại phong phú được thể hiện bằng nhiều chất liệu từ truyền thống đến hiện đại, một số lượng ít loại hình nghệ thuật mới như sắp đặt và video art. “Nhưng với tất cả như thế cũng không có nghĩa là chất lượng nghệ thuật đã thay đổi nhiều, vươn lên một tầm mới của thời đại để khẳng định vị trí của mỹ thuật Việt Nam trong đời sống hiện tại”, ông Hòa đánh giá.

PGS-TS Nguyễn Nghĩa Phương, Ủy viên Hội đồng Đồ họa, đánh giá không phải tất cả những gì đã diễn ra trong sáng tác mỹ thuật 5 năm gần đây đều thể hiện tại Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020. “Điều đó đặt ra những đòi hỏi và thách thức mới cho công tác tổ chức triển lãm lần sau”, ông Phương nêu quan điểm.

Một ủy viên khác, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, cho rằng những tác giả có tên tuổi cũng ít tham gia hơn các triển lãm chung như triển lãm này. Ông gợi ý cách thức tổ chức cần thay đổi. “Nên mời đích danh các tác giả có tên tuổi”, ông Thượng nói.

Trong khi chất lượng không được đánh giá là có tác phẩm nổi trội, xuất sắc, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm nay vẫn có tới 500 tác phẩm được mời tham dự trưng bày. Số lượng này lớn hơn dự kiến (300 tác phẩm) khi ban tổ chức đặt vấn đề với đơn vị thi công là Trung tâm triển lãm Vân Hồ. Trả lời câu hỏi của Thanh Niên tại họp báo về việc có phải cố chạy theo số lượng không, ông Thế Anh cho rằng: “Kế hoạch chúng tôi được duyệt là 500 tác phẩm. Hội đồng chỗ thầy Vân, anh Biên thấy tác phẩm tốt quá thì số lượng đúng theo kế hoạch. Chúng tôi theo góc độ của anh em hội đồng”.

Về điều này, họa sĩ Lê Anh Vân - Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành hội họa, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội họa, Đồ họa, Nghệ thuật trình diễn, Video Art và các hình thức Nghệ thuật đương đại khác, nói: “Anh Mã Thế Anh nói tác phẩm quá tốt thì không đúng. Trước hết là tác phẩm đồng đều. Cách làm việc có mang tính chuyên nghiệp hơn chứ không phải quá tốt. Không phải như vậy”.

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 không có giải nhất. Ban tổ chức trao 6 giải nhì (kèm 20 triệu đồng) cho các tác giả: Võ Việt Dũng, Hà Phước Duy, Nguyễn Khắc Hân, Lương Đức Hùng, Vũ Bạch Liên và Nguyễn Thị Hoàng Minh. Có 11 giải ba (kèm 15 triệu đồng) được trao cho các tác giả: Trần Văn Bình, Huỳnh Tuấn Đệ, Nguyễn Tuấn Dũng, Hồ Văn Hưng, Kù Kao Khải, Lê Văn Khuy, Vũ Thanh Nghị, Lê Trọng Nghĩa, Trần Hoàng Sơn, Nguyễn Thái Thăng và Phạm Thuấn. Ngoài ra còn có 12 giải khuyến khích.

Các tác phẩm được triển lãm từ 1 - 10.12 tại Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư) và trưng bày từ 22 - 29.12 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Ông Mã Thế Anh khẳng định việc vận chuyển tác phẩm vào TP.HCM sẽ được thực hiện cẩn trọng để tránh xây xước tác phẩm.

Theo thanhnien