Ngó lơ, bỏ ngoài tai mọi sự góp ý
Người viết đã thực hiện một khảo sát nhỏ với một số người trẻ ở TP.HCM, có 10/20 người trẻ ngập ngừng khi được hỏi về điểm mạnh, yếu hay sở trường của bản thân. Có người lắc đầu không biết.
N.Q.H (23 tuổi, nhân viên tại một công ty trên đường Ung Văn Khiêm, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thừa nhận bản thân từng bị nhắc nhở, thậm chí là chỉ trích vì lặp đi lặp lại những lỗi sai. "Thật sự là lúc đó mình không biết bản thân sai ở đâu. Mình cứ nghĩ là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau khi bị nhắc nhở, chỉ ra cái sai nhưng vì lơ là, nói trước quên sau nên mình lại tiếp tục mắc lỗi. Hậu quả sau nhiều lần như vậy nên khi có một số dự án quan trọng thì mình không được tham gia nữa", H. chia sẻ.
Nhớ lại 4 năm ĐH của mình, P.T.T.N (22 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: "Lúc đó các môn học đa số đều phải làm việc theo nhóm. Sau kỳ học đầu tiên, không có nhóm nào muốn làm việc cùng mình nữa. Sau này mình mới nhận ra vì cái tôi quá lớn, cứ nghĩ bản thân giỏi nên bỏ ngoài tai mọi góp ý".
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn, Trường ĐH Văn Lang, sở dĩ một bộ phận người trẻ hiện nay khó nhận ra khuyết điểm của bản thân vì nhiều lý do. "Họ cảm thấy không có khuyết điểm hoặc thiếu sót, hoặc họ không nhận thấy những thiếu sót của mình là khuyết điểm và nghĩ điều ấy là bình thường. Cũng có thể là họ không có nhu cầu phải biết những khiếm khuyết của chính mình", bà Lưu phân tích.
Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Anh Khoa, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng và truyền thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng: "Có thể khi được người khác góp ý thì họ không tiếp thu, hoặc một số người trẻ tự cho rằng bản thân đã thành công, tài giỏi. Ngoài ra, ở độ tuổi dưới 25, thường khả năng kiểm soát hành vi, cảm xúc chưa tốt. Để rồi nhiều người trẻ không thể đón nhận những nhận định trái chiều về bản thân, thường có xu hướng mặc kệ, ngó lơ những góp ý của người khác".
Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Uy, Giám đốc Trung tâm tâm lý chuyên nghiệp WELink TP.HCM, nói: "Tôi cho rằng thực trạng này xuất phát từ chuyện không quen hoặc thiếu kỹ năng nhận thức bản thân".
Theo ông Uy, nếu một người không tự nhận thức được ưu, nhược điểm của bản thân sẽ không thể hoạch định được kế hoạch tập trung vào điểm mạnh, dễ "lao đầu" vào những nhược điểm, hạn chế, để rồi tự chuốc lấy thất bại. "Nghĩa là nếu không tự nhận ra khuyết điểm của bản thân thì dễ tiêu tốn năng lượng cho những việc có thể sai lầm", ông Uy nói.
Để tăng khả năng thành công
Lê Ngọc Hằng, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thú thật rằng bản thân từng không nhận thấy những khuyết điểm của mình, nhưng may mắn nhận được sự góp ý của mọi người nên đã thay đổi và hoàn thiện dần. "Bây giờ mình cẩn thận hơn trong công việc, nhờ vậy mà công việc đạt chất lượng, khiến sếp hài lòng hơn. Hơn nữa, sự cẩn thận ấy còn được mình áp dụng trong cả việc học", Hằng chia sẻ.
Theo bà Lưu, việc nhận diện rõ điểm mạnh, yếu của bản thân là vô cùng cần thiết với bất kỳ người trẻ nào, vì góp phần quyết định đến sự thành công trong cuộc đời. "Khi nhận ra được ưu, nhược điểm của bản thân sẽ tự biết cách nỗ lực, bồi đắp những điều còn thiếu, có giải pháp khắc phục các điểm yếu", bà Lưu cho hay và nhấn mạnh: "Nếu không nhận thấy khuyết điểm, người trẻ sẽ dễ phạm phải những sai lầm tương tự. Họ sẽ không có những giải pháp để phát huy tối đa năng lực của chính mình. Từ đó, sẽ rất khó để phát triển, hoàn thiện bản thân".
Theo ông Khoa, nếu người trẻ không thể nhận ra khuyết điểm của bản thân thì khi gặp thất bại sẽ không biết nguyên nhân tại sao. Lúc đó họ chẳng thể khắc phục mặt hạn chế, dẫn đến những sai lầm nối tiếp, không thể nâng cấp bản thân. Còn với trường hợp bỏ ngoài tai những sự góp ý sẽ dẫn đến việc không thể nào hạn chế được các rủi ro do khuyết điểm để lại.
Ông Khoa cũng nói rằng việc biết được bản thân yếu, mạnh như thế nào rất quan trọng vì sẽ giúp người trẻ trưởng thành hơn cả trong tư duy, suy nghĩ lẫn cuộc sống thực tế. Từ đó có thể phát huy tối đa tiềm lực bản thân, hạn chế nguy cơ hoặc giảm thiểu mức độ của thất bại.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng khi không nhận diện được cái sai của bản thân sẽ dễ bị hạn chế về mặt nhận thức, mất khả năng kết nối với chính mình.
"Đó là điều rất nguy hiểm, có thể dẫn đến những tư duy và quyết định sai lầm, cũng như ảnh hưởng đến các mối quan hệ. Đáng ngại hơn là vô tình tự vứt đi những cơ hội phát triển của bản thân trong sự nghiệp và cuộc sống", bà Vui nhìn nhận.
Để người trẻ có thể tự nhìn nhận được những điểm yếu của bản thân và tìm cách khắc phục, bà Vui khuyên: "Nên đặt mình vào vị trí của người khác và tự hỏi xem khi mình cư xử như vậy thì họ sẽ cảm thấy như thế nào. Trước khi đi ngủ nên tự hỏi hôm nay bản thân đã làm và chưa làm được gì, hiệu quả như thế nào, có chuyện gì làm chưa đúng... Việc tự đặt ra những câu hỏi như thế sẽ là cách tốt nhất giúp dễ dàng nhìn thấy những điểm yếu của bản thân".
Còn bà Lưu khuyên: "Người trẻ cũng cần hỏi ý kiến những người đáng tin tưởng, nhờ họ chỉ ra những khuyết điểm mà bản thân chưa nhận ra, chưa thấy. Quan trọng hơn cả là hãy lắng nghe và đánh giá bản thân thật chính xác. Có như vậy người trẻ mới dần hoàn thiện, trưởng thành".
Biết nhìn ra điểm yếu của bản thân sẽ tăng khả năng thành công
THẢO PHƯƠNG
Theo Thanh niên