Khi Covid-19 bùng phát, trường học trên khắp nước Mỹ đóng cửa, chuyển sang học trực tuyến, bố mẹ Salah-Deen lo lắng con trai sẽ không theo kịp chúng bạn. Trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ của bố mẹ, Salah-Deen học tốt hơn so với ngồi học trên trường. Với ít tác động từ bên ngoài, sự hướng dẫn tận tình của bố mẹ, thầy cô, điểm số của Salah-Deen được cải thiện.
"Cháu dễ dàng tập trung hơn khi học ở nhà. Cháu cảm giác như đang được học một mình với giáo viên", Salah-Deen nói.
Đối với đại đa số học sinh, học online là sự thay thế không thỏa đáng vì không phải ai cũng có thiết bị công nghệ, Internet để theo kịp các bài giảng trực tuyến. Nhiều người dự đoán những học sinh khác biệt trong lớp có thể bị tụt lại phía sau.
Tuy nhiên, lệnh phong tỏa đã chứng minh một bộ phận học sinh có thể cải thiện việc học, trong đó có những em kém tập trung, có tính hướng nội hoặc độc lập trong công việc. Nhiều chuyên gia giáo dục đặt ra câu hỏi, khi trường học mở cửa lại, liệu các em còn giữ vững phong độ này?
Đối với học sinh hay bị mất tập trung, việc thoát khỏi sự phiền nhiễu từ bạn bè hoặc đơn giản là không ở cùng với những đứa trẻ khác là trải nghiệm quý báu. Số khác học tập theo tốc độ riêng của mình, muốn được tiếp cận nhiều kiến thức hơn so với mặt bằng chung hoặc nghỉ ngơi khi hoàn thành nhiệm vụ sớm. Nhóm học sinh hướng nội thấy thoải mái khi không phải phát biểu hoặc làm việc với số đông.
Mike Drosos, giáo viên dạy Toán tại trường Mike Drosos, cho biết nhiều học sinh ngại giơ tay trong giờ học truyền thống thường gửi email trao đổi bài vở khi học trực tuyến. Các em cảm thấy tự tin khi đặt câu hỏi và nhận sự trợ giúp từ giáo viên mà không phải nhìn vào mắt hoặc tiếp xúc vật lý.
Miari Roberts, giáo viên giáo dục đặc biệt tại trường trung học Brooklyn, bang New York, kể trong lớp có một học sinh khuyết tật không đến trường nhưng rất tích cực tham gia lớp học online. "Nhiều giáo viên trên trường không biết em ấy, thường hỏi Ồ, em là ai? khi dạy trực tuyến. Em ấy giải thích sợ khi phải đi học nên học online là bước ngoặt lớn", cô Miari nói và cho biết nữ sinh này học tốt, theo kịp tốc độ của bạn bè.
Đối với những học sinh giỏi, ít cần sự hướng dẫn của giáo viên, học từ xa đồng nghĩa các em được tự quyết định kế hoạch học. Kaleb Stumpenhorst, học sinh lớp 6 một trường trung học tại bang Chicago, dậy từ 6h30 sáng và ngồi ngay vào bàn học. Nam sinh học Toán, sau đó là các môn khác trên lớp. Đến 9h30, Kaleb đã hoàn thành việc học trong ngày.
"Cháu thích học từ xa vì có thể học theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, nó cũng không phải là thiên đường, cháu vẫn muốn vui chơi với bạn bè", Kaleb nói. Một số bạn của Kaleb chia sẻ với cậu bé rằng cũng thích học ở nhà vì không phải đối mặt với áp lực ganh đua trong học tập.
Các chuyên gia giáo dục đánh giá học từ xa có thể hạn chế việc thể hiện và tác động của những hành vi tiêu cực trong lớp học. Với những trường không dạy online, chỉ giao bài tập và gửi tài liệu, việc học không bị gián đoạn. Trong khi những lớp học trực tuyến, ví dụ qua phần mềm Zoom, nếu một học sinh có hành vi bất thường, làm ảnh hưởng đến các bạn, giáo viên có thể tắt mic của em này. Từ đó, giáo viên không mất nhiều thời gian giải quyết vấn đề của một cá nhân, các bạn trong lớp không bị xao nhãng khỏi việc nghe giảng.
Cuộc khảo sát giáo viên làm việc tại các trường công lập trên địa bàn thành phố New York, do tổ chức giáo dục Teaching Matters thực hiện, cho thấy mỗi trường có ít nhất 1-2 học sinh tiến bộ nhờ học từ xa. Tuy nhiên, hơn 20 học sinh khác không thu được hiệu quả từ phương pháp giáo dục này.
Trong hơn hai thập kỷ qua tại Mỹ, nhiều chuyên gia giáo dục, tập đoàn công nghệ và nhà hảo tâm muốn trang bị nhiều máy tính và thiết bị công nghệ cho trường học. Ý tưởng này kết hợp học trực tuyến và học truyền thống, nhằm giúp học sinh học tập theo tốc độ riêng.
Tuy nhiên, với lo lắng về gánh nặng đặt lên vai phụ huynh khi con cái học tại nhà hoặc khả năng mất việc làm của giáo viên, ý tưởng này còn bị bỏ ngỏ. Covid-19 một lần nữa khơi dậy ý tưởng này và mở ra hướng tiếp cận giáo dục mới cho một bộ phận học sinh.
Đến ngày 24/5, Covid-19 đã lan ra 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 5,4 triệu người nhiễm, hơn 340.000 người tử vong. Mỹ ghi nhận hơn 1,6 triệu ca nhiễm nCoV, trong đó 98.683 người chết, là vùng dịch lớn nhất thế giới.
Theo vnexpress