leftcenterrightdel
Số sinh viên bày tỏ ý định tự tử chiếm 7,4% số cuộc gọi của đường dây trợ giúp. Ảnh: Youngminds 

Nightline - đường dây trợ giúp hoạt động hơn 50 năm, được điều hành bởi các sinh viên tình nguyện ẩn danh - ghi nhận số cuộc gọi yêu cầu trợ giúp tăng 51,4% trong năm học 2020-2021. Năm học 2021-2022, con số này tăng thêm 30% và năm học 2022-2023, tiếp tục tăng lên 23% so với năm học trước.

Đường dây trợ giúp này cho biết số người gọi để bàn luận về căng thẳng và lo lắng tăng lên đáng kể, đạt 10,9%. Tuy nhiên, từ tháng 9, con số này tăng thêm 17%. Cùng với đó, số lượng cuộc gọi bày tỏ lo lắng về tài chính cùng tăng lên.

Ngoài ra, số cuộc gọi từ sinh viên chuẩn bị tự tử giảm nhưng số lượng sinh viên bày tỏ ý định tự tử thậm chí tăng cao hơn trong năm nay, chiếm 7,4% số cuộc gọi.

Bà Jennifer Smith, Giám đốc chính sách của tổ chức từ thiện Student Minds, nhận định đa số sinh viên phải trải qua sự gián đoạn đáng kể do đại dịch. Việc bỏ lỡ các mốc quan trọng trong cuộc đời, học tập và xã hội khiến họ cảm thấy đau buồn, mất mát, không chắc chắn và thiếu tự tin.

“Hiện tại, học sinh phổ thông trải qua quá trình chuyển đổi sang giáo dục đại học rất khác so với thế hệ trước. Họ có thể cảm thấy chưa được chuẩn bị đầy đủ cho cuộc sống đại học”, bà Smith nói, đồng thời cho biết thêm đại dịch vẫn là thách thức đối với sinh viên.

Tháng 5/2022, Matt Jones, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại ĐH Loughborough (Anh), đã gọi tới dịch vụ Nighline. Anh cho biết bản thân cảm thấy choáng ngợp trước hàng loạt các sự kiện căng thẳng trên thế giới và phải điều chỉnh lại cảm xúc để hòa nhập với xã hội sau 2 năm hạn chế tiếp xúc và cô lập.

“Tôi và bạn bè đều thấy rằng đại dịch làm chúng tôi khó chịu. Đột nhiên chúng tôi không biết phải làm thế nào để đối phó với cuộc sống bình thường. Việc ‘nhốt’ mọi người trong một năm có tác động mạnh đến khả năng kết nối giữa các cá nhân. Những người mới lớn, họ đánh mất những trải nghiệm năm 15-17 tuổi để trưởng thành”, Matt Jones nói.

Ông Jones, người điều hành dịch vụ Nightline, cho rằng chúng ta đang sống trong thời đại đặc biệt, gây lo lắng cho những người trẻ tuổi. Mạng xã hội khiến họ cảm thấy gắn kết hơn với các sự kiện thế giới, gặp áp lực về việc phải có đầy đủ thông tin về mọi thứ hoặc có nguy cơ bị làm nhục bởi truyền thông.

“Tôi có cảm giác giới trẻ đang chán khi sống trong những sự kiện lớn. Trong các cuộc trò chuyện, sinh viên thường mong muốn một năm bình yên và không có sự kiện gì xảy ra”, ông Jones nói.

Tuy nhiên, ông Jones đánh giá việc nhiều sinh viên gọi điện cho Nightline là một dấu hiệu tích cực.

“Thế hệ trước có thể bị coi là thiếu thốn hơn. Tuy nhiên, tôi không nghĩ điều đó đúng. Họ chỉ hiểu rõ hơn về những gì họ cần làm để giúp đỡ bản thân và truyền đạt nhu cầu của mình”, ông Jones nhận định.

Bác sĩ Dominique Thompson, tác giả một số cuốn sách về sức khỏe sinh viên, cho biết hầu hết nghiên cứu về tình trạng sức khỏe tinh thần của sinh viên sau đại dịch cho thấy mức độ lo lắng cao hơn và sự cô đơn gia tăng.

Sự lo lắng và ý nghĩ tự tử có xu hướng phản ánh cảm giác mất kiểm soát đối với cuộc sống và tương lai. Những điều này trầm trọng hơn do đại dịch, suy thoái kinh tế và khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Các trường đại học tại Anh đã nhận thức được tác động của đại dịch đối với sinh viên, đồng thời cải thiện hỗ trợ sức khỏe tinh thần, bao gồm đào tạo nhân viên trong việc phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo và hợp tác với dịch vụ y tế quốc gia để điều trị chuyên nghiệp.

Theo Zingnews