Nhiều trường đại học Hàn Quốc đóng cửa các khoa do khủng hoảng tuyển sinh
Cập nhật lúc 22:18, Thứ tư, 20/11/2024 (GMT+7)
Trong bối cảnh số lượng tuyển sinh giảm, một số trường đại học của Hàn Quốc đang phải tìm chiến lược để tồn tại, như mở thêm các khoa hoặc chuyên ngành mới phù hợp xu thế xã hội và thế giới.
|
|
Đại học Hàn Quốc ở Seoul. (Ảnh: Yonhap/TTXVN) |
Một số trường đại học và giới chuyên gia giáo dục của Hàn Quốc ngày 19/11 công bố báo cáo cho biết nhiều trường đại học ở nước này, đặc biệt là ở các tỉnh, đang phải đóng cửa các khoa và chuyên ngành ít hấp dẫn, vì khó khăn trong việc tuyển sinh do tình trạng dân số trong độ tuổi đi học giảm mạnh.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn báo cáo của Cục Thống kê Hàn Quốc cho biết, theo ước tính, dân số trong độ tuổi đi học (từ 6 - 21 tuổi) ở nước này đã giảm xuống còn 7,15 triệu người trong năm nay, chỉ chiếm 13,8% tổng dân số. Con số này giảm đều đặn từ năm 1984 khi nhóm dân số trong độ tuổi đi học đạt 13,84 triệu người, tương đương 34,3% tổng dân số. Theo dự tính, con số này sẽ giảm mạnh xuống còn 3,77 triệu người, hay 8,9% dân số, vào năm 2060.
Việc suy giảm nghiêm trọng dân số trong độ tuổi đi học đã tác động rõ ràng đến giáo dục đại học. Tính đến tháng 4 năm nay, số lượng sinh viên tại các trường đại học và sau đại học ở Hàn Quốc đã giảm xuống còn 3 triệu sinh viên, giảm tới 18% trong một thập kỷ qua.
Trong bối cảnh số lượng tuyển sinh giảm do dân số trong độ tuổi đi học thu hẹp, một số trường đại học đang phải nỗ lực tìm kiếm các chiến lược để tồn tại, chẳng hạn như mở thêm các khoa hoặc chuyên ngành mới phù hợp xu thế, có nhu cầu tuyển dụng lao động cao hoặc sáp nhập các chuyên ngành hiện có, thậm chí đóng cửa hoàn toàn nhiều khoa/chuyên ngành không còn hấp dẫn.
Đại học Daegu sẽ không còn tuyển sinh viên năm nhất vào khoa xã hội học kể từ năm 2025 theo chính sách sửa đổi của trường. Xã hội học là một trong 6 khoa tại Đại học Daegu sẽ ngừng tuyển sinh vào năm tới. Năm 2024, chỉ có 14 sinh viên đăng ký vào khoa xã hội học của Đại học Daegu, thấp hơn nhiều so với khả năng đào tạo 31 sinh viên của khoa, khiến khoa phải đóng cửa sau 45 năm kể từ khi thành lập trường vào năm 1979.
Đại học Quốc gia Busan đã công bố kế hoạch đóng cửa dần các khoa tiếng Pháp và tiếng Đức trực thuộc khoa giáo dục. Một lãnh đạo của Đại học Quốc gia Busan cho biết do dân số trong độ tuổi đi học ngày càng giảm và nhu cầu ngôn ngữ thay đổi trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), Đại học Busan đã quyết định loại bỏ các khoa này nhằm tái cấu trúc ngành đào tạo.
Không chỉ vì số lượng tuyển sinh giảm, một số cơ sở giáo dục phải đóng cửa hoàn toàn vì khó khăn về tài chính. Trường Cao đẳng Du lịch Kangwon đã tự nguyện đóng cửa vào tháng 2 năm nay, trở thành trường cao đẳng thứ 2 đóng cửa sau trường Cao đẳng Tương lai Daegu vào năm 2018.
Trong bối cảnh khủng hoảng tuyển sinh, các trường đại học cũng đang tìm kiếm giải pháp bằng cách tạo ra các chuyên ngành có nhu cầu cao hoặc sáp nhập các chuyên ngành hiện có.
Theo Giáo sư Park Joo Ho thuộc Khoa Giáo dục của Đại học Hanyang, việc tái cơ cấu này là một phần của chiến lược sinh tồn nhằm đảm bảo nguồn lực cho sinh viên của các trường đại học tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Giáo sư Park Joo Ho cho rằng vì mỗi chuyên ngành đều có giá trị giáo dục, nên chính phủ cần vào cuộc để hỗ trợ và duy trì các chuyên ngành này ở mức độ bền vững./.
Theo vietnamplus