Các thành viên của Hội hữu nghị Việt Nam – Armenia
tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh Armenia 21/9/2017.
Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Armenia, giống như Việt Nam, trải qua những biến thiên của lịch sử, dân tộc Armenia đã luôn kiên cường chống lại những cuộc xâm lược từ bên ngoài, duy trì nền độc lập, tự chủ của đất nước. Đặc biệt, ngay khi còn là thành viên của Liên bang Xô Viết, Chính phủ và nhân dân Armenia đã dành cho Việt Nam những giúp đỡ quý báu và hiệu quả trong thời kỳ kháng chiến đấu tranh giành độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn cán bộ khoa học - kỹ thuật, đóng góp tích cực cho công cuộc kiến thiết đất nước. Theo ông, chính sự giúp đỡ này đã góp phần hình thành nền tảng cơ bản, quan trọng của tình hữu nghị giữa hai đất nước.
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Armenia cho biết, tuy mới thành lập từ năm 2014, nhưng với nòng cốt là những cựu lưu học sinh Việt Nam tại Armenia, Hội luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị nhằm duy trì và phát triển tình đoàn kết, hữu nghị, mở rộng quan hệ ngoại giao, hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Bên cạnh những hoạt động ý nghĩa được tổ chức thường xuyên vào các ngày lễ quan trọng của hai đất nước, Hội đã tổ chức nhiều đoàn đi Armenia thăm lại trường xưa cùng các thầy cô giáo cũ và làm việc với các cơ quan hữu quan của Armenia.
Coi trọng mối quan hệ thân thiết, gắn bó với Đại sứ quán Armenia tại Việt Nam, hàng năm những thành viên của Hội hữu nghị Việt Nam – Armenia luôn tham gia và phối hợp chặt chẽ với các hoạt động của Đại sứ quán. Họ cũng nhiệt tình tổ chức chương trình cho cán bộ Đại sứ quán đi tham quan các địa danh lịch sử, giao lưu, tìm hiểu văn hóa tại các địa phương trong nước như Hà Giang, Cát Bà…, làm cầu nối giúp Đại sứ Armenia tại Việt Nam làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố…
Ông Mai Quang Vinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt Nam - Armenia là một trong những lưu học sinh đầu tiên tại Armenia. Ông kể cách đây đúng 50 năm, vào tháng 9/1967 ông đã cùng nhóm lưu học sinh gồm bảy người đến học Khoa dự bị đại học tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Erevan (EGU) và vẫn nhớ cô giáo tiếng Nga đầu tiên tên là Aida Trilingaryan.
Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Armenia.
Thời gian sau đó có tới năm nhóm lưu học sinh khác với tổng số 50 sinh viên Việt Nam tiếp tục tới đây học khóa dự bị 1967 - 1968. Họ đến trong lúc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt tại hai miền Nam Bắc Việt Nam, hàng triệu thanh niên miền Bắc tình nguyện ra chiến trường. Ý thức được cơ hội đào tạo tại nước ngoài, tiếp thu tri thức để xây dựng lại Việt Nam sau ngày thắng lợi, những lưu học sinh như ông thường nhắc nhở nhau: ở nước bạn phải học thật giỏi để xứng đáng với những hy sinh của bạn bè đồng lứa ở quê nhà.
Và rồi trong những ngày Việt Nam chìm trong bom đạn, họ đã được những người thầy cô và đất nước Armenia nuôi dưỡng đùm bọc và đón nhận học tiếp lên đại học từ khóa 1968 - 1973. Cá nhân ông Vinh sau này còn được nhận trở lại trường làm nghiên cứu sinh, bảo vệ Luận án Phó Tiến sĩ khóa 1983 - 1986.
Giờ đây, ông Mai Quang Vinh là chuyên gia nông sinh học và nổi tiếng với nhiều công trình khoa học. Từ khi ra trường về nước, ông và các cựu lưu học sinh đều lưu lại trong ký ức của mình những tình cảm tốt đẹp, sâu nặng về đất nước và nhân dân Armenia. “Trường cũ, các thầy cô giáo, bạn bè ở Armenia đã gắn bó với chúng tôi cả thời tuổi trẻ. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc, hàng năm gặp gỡ một, hai lần để thăm hỏi, động viên và giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như sự nghiệp”, ông tâm sự.
PGS. TS. Mai Quang Vinh cũng cho biết, theo ước tính tại Armenia từ 1967-1990 đã có tới 23 khóa đào tạo tiếng Nga, đại học, nghiên cứu sinh, thực tập sinh với khoảng trên 1.000 người. Riêng tại EGU đã có trên 40 người tốt nghiệp đại học, tám nghiên cứu sinh, 400 công nhân kỹ thuật. Trong số những cựu lưu học sinh sau hơn 40 năm ra trường, qua phấn đấu, rèn luyện đã có 20 tiến sỹ, tiến sỹ khoa học, trên 15 giáo sư, phó giáo sư, khoảng 20 thứ trưởng, ủy viên TW Đảng, lãnh đạo Đảng, chính quyền, các Viện, trường Đại học, trung tâm nghiên cứu…; bảy sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân, các nhà báo nổi tiếng... Nhiều người đã cống hiến cho đất nước và được tôn vinh bằng những giải thưởng như Giải thưởng Kovalevskaia, các giải thưởng cấp Nhà nước và hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị.
Đặc biệt, những cựu lưu học sinh ấy tuy xuất phát từ các ngành nghề, vị trí công việc khác nhau nhưng giờ đây, họ đã cùng thực hiện một nhiệm vụ tâm huyết chung là ngoại giao nhân dân. Không chỉ là nhịp cầu hợp tác trong các lĩnh vực chuyên môn, tại những buổi giao lưu, họ cũng mang đến những lời ca tiếng hát, điệu múa ca ngợi tình hữu nghị hai nước và vẻ đẹp đất nước, con người Armenia làm nên nhịp cầu hữa nghị “cựu lưu học sinh”.
Theo Thế giới và Việt Nam