Tiền Cảnh Thịnh thông bảo thời Tây Sơn trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (TP.HCM) - CHỤP MÀN HÌNH

Tiền xấu nhưng nhiều do chính sách

Theo các nhà nghiên cứu, về mỹ thuật, tiền thời Tây Sơn không đẹp bằng tiền các thời khác. Đồng tiền cũng mỏng. Mặc dù vậy, số lượng tiền lại rất lớn. Chẳng hạn, theo GS Đỗ Văn Ninh, Viện Khảo cổ học, một đồng tiền thời Tây Sơn là tiền Quang Trung được lưu hành rộng khắp nơi. Số lượng của tiền Quang Trung cũng áp đảo tất cả mọi loại tiền Việt Nam và cả Trung Quốc được lưu hành đồng thời.

GS Đỗ Văn Ninh cũng cho biết trong cuốn Tiền cổ Việt Nam: “Khai quật khảo cổ học cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, tiền Tây Sơn chiếm số lượng áp đảo so với tiền Càn Long và Gia Khánh của Trung Quốc. Ở những miền biên viễn như Móng Cái (Quảng Ninh) hoặc cả ở những hải đảo xa xôi giữa biển khơi như Vân Hải, tiền Quang Trung, Cảnh Thịnh cũng phân bố rất nhiều và là hiện vật khảo cổ học dễ thấy nhất, phong phú nhất”.

PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cũng cho rằng ở thương cảng Vân Đồn, tiền Tây Sơn còn nhiều hơn tiền Trung Quốc.

Theo GS Đỗ Văn Ninh, tiền nhiều, phân bổ rộng được coi là một bằng cứ rất đáng chú ý về chính sách kinh tế của nhà Tây Sơn. Ông cho biết, các vua Tây Sơn, đặc biệt là Quang Trung, đã ra sức xây dựng một nền kinh tế độc lập và giàu mạnh bằng những chính sách kinh tế mới. “Một trong những khâu quan trọng của chính sách kinh tế mới là việc đúc tiền và lưu hành tiền. Nhà Tây Sơn đã làm được việc lớn mà từ đầu thời độc lập tự chủ của lịch sử nước ta hồi thế kỷ X chưa làm được, đó là dùng tiền Việt Nam để thay thế tiền Trung Quốc trên thị trường khắp nước”, ông Ninh phân tích.

Cũng về chính sách kinh tế của nhà Tây Sơn, sử sách ghi lại năm 1788, ngay khi kết thúc chiến tranh đánh đuổi quân Thanh, Nguyễn Huệ đã ban Chiếu khuyến nông. Về công thương nghiệp, chính quyền mở rộng việc buôn bán trong nước. “Với nước ngoài, Quang Trung đề nghị nhà Thanh mở cửa ải, thông chợ búa, khiến cho hàng hóa không ngưng đọng để làm lợi cho sự tiêu dùng của dân”, nhà sử học Ngô Thì Nhậm ghi trong Bang giao lục.

GS Lương Ninh, Viện Đông Nam Á, trong cuốn Lịch sử Việt Nam giản yếu cho rằng: “Tư tưởng thông thương tiến bộ của Quang Trung đã thể hiện nhãn quan kinh tế rộng mở phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại: mở cửa ải, thông thương buôn bán, khiến cho các hàng hóa không ngừng đọng để làm lợi cho dân chúng”. Cụ thể, Quang Trung chủ trương mở rộng trao đổi buôn bán, đấu tranh buộc nhà Thanh phải mở các cửa ải để buôn bán với nước ta. Thuyền buôn từ phương Tây cũng được ưu ái nhằm tăng cường ngoại thương.

Tiền Thái Đức thông bảo thời Tây Sơn trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (TP.HCM)

Dù bị cấm vẫn tiêu

Trên nền chính sách kinh tế như vậy, nhà Tây Sơn cũng đem đến sự phục hưng và phát triển. Biểu hiện của sự phát triển được GS Lương Ninh dẫn chứng qua các mô tả Thăng Long của nhà nho Nguyễn Huy Lượng thời Tây Sơn trong Tụng Tây Hồ phú: “Lò Thạch khối khói tuôn nghi ngút, thoi oanh nọ ghẹo hai phường dệt gấm, lửa đom đóm nhen năm xã gây lò”, và “rập rình cuối bãi đuôi nheo, thuyền thương khách hãy nhen buồm bươm bướm”.

Tiền Tây Sơn có nhiều lần bị cấm. Ở ngoài nước, cuốn Lịch sử đồng tiền Việt Nam cho biết: “Tiền Tây Sơn không những được nhân dân trong nước tín nhiệm mà còn lưu hành ra cả nước ngoài. Sách Trung Quốc hóa tệ sử của Bành Tin có ghi cấm dùng tiền ngoại Quang Trung. Chắc rằng tiền Quang Trung đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc nên Càn Long mới ra lệnh cấm”.

Ở trong nước, GS Đỗ Văn Ninh cho biết: “Trong thời Minh Mệnh, nhà nước chỉ cấm tiêu tiền đúc trộm, đúc giả, tiền Đạo Quang nhà Thanh và các loại tiền thời Tây Sơn. Còn lại, tất cả các loại tiền cổ đều cho lưu hành. Những người chọn bỏ tiền hiệu cổ đều bị xử tội. Những tiền hỏng nhà nước tổ chức cho đổi tiền mới”.

Cuốn Lịch sử đồng tiền Việt Nam cho biết tiền Tây Sơn từng bị nhà Nguyễn cấm tiêu dùng, chuyên chở, mặc dù vậy tiền Tây Sơn vẫn được dân tiêu dùng bất chấp lệnh cấm này. Dựa trên tư liệu từ Đại Nam thực lục, nhóm tác giả cuốn Lịch sử đồng tiền Việt Nam cho rằng: “Trước sức sống mãnh liệt của tiền Tây Sơn, Gia Long cấm rồi lại tha. Gia Long chuẩn định những tiền Tây Sơn từ năm Đinh Sửu (1817) đến năm Tân Tỵ (1821) thì cho thông dụng”.

Theo thanhnien