NSƯT Hữu Châu (vai Tô Định), nghệ sĩ Hồng Loan (vai Trưng Trắc) trong vở Tiếng trống Mê Linh do “ông bầu” Gia Bảo phục dựng - ẢNH: H.K
Gia tộc Thanh Minh - Thanh Nga bắt đầu từ ông Năm Nghĩa, một nghệ sĩ nổi danh với giọng ca ngọt lịm. Ông đã cộng tác với nhiều đại bang lúc bấy giờ, trong đó có đoàn Phước Cương (của cha NSND Kim Cương) và thu đĩa rất nhiều (khoảng 1938). Công lao lớn nhất của ông là từ bài Dạ cổ hoài lang nhịp 4 của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, ông đã phát triển lên thành nhịp 8 với tác phẩm do mình sáng tác là bài Văng vẳng tiếng chuông chùa lưu hành khắp Nam kỳ lục tỉnh. Từ đó, các nhạc sĩ phát triển lên thành nhịp 16, rồi 32, và 64 như hiện nay.
Năm 1948, ông cưới bà Nguyễn Thị Thơ và đến 1951 thì hai ông bà lập gánh Thanh Minh. Bà Thơ trở thành bà bầu lừng lẫy, vì vài năm sau khi chồng chết, một tay bà gánh vác, vừa nuôi dạy bầy con cháu, vừa có trách nhiệm với hàng trăm nghệ sĩ, vừa sản xuất những tác phẩm để đời. Nói đến bà bầu Thơ, trong giới đều nể phục. Bà vừa có ý chí, vừa có khả năng kinh doanh, vừa có thẩm định nghệ thuật sâu sắc. Bà nổi tiếng về tính kỷ luật, công tâm, đã giữ chân được nhiều “ngôi sao” như Út Trà Ôn, Thành Được, Việt Hùng, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu…
Bà bầu Thơ và NSƯT Thanh Nga - ẢNH: TƯ LIỆU
Thế hệ Thanh Nga rực rỡ
Chính trong giai đoạn gá nghĩa với bà Thơ, ông Năm Nghĩa ra sức rèn nghề cho cô bé Thanh Nga. Bà bầu Thơ có một đời chồng trước, sinh hai người con là Hữu Thình (cha của NSƯT Hữu Châu) và Thanh Nga. Ông Năm Nghĩa thương con của vợ như con ruột và dạy nghề tận tâm. Thanh Nga có tố chất rất cao, năm 16 tuổi đã đoạt giải Thanh Tâm tổ chức lần đầu tiên (1958) với vai Phà Ca trong vở Người vợ không bao giờ cưới. Vì vậy, ông bà bầu Thơ đổi tên gánh hát thành Thanh Minh - Thanh Nga. Từ đó, Thanh Nga nổi tiếng lẫy lừng, không chỉ trong cải lương mà còn bước sang điện ảnh, được báo chí và khán giả gọi là “nữ hoàng sân khấu”. Hiếm có nghệ sĩ nào tài sắc vẹn toàn như NSƯT Thanh Nga, cho đến sau 1975, bà lại làm khán giả rúng động với những kịch bản để đời như Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Dương Vân Nga. Tiếc thay, bà mất khi còn quá trẻ, mới 37 tuổi. Đám tang bà, khán giả đi đưa đông kín khắp nẻo đường Sài Gòn.
Thế hệ thứ hai của gia tộc này còn có NSƯT Bảo Quốc có thể nói là một trong những danh hài tiêu biểu. Ông Năm Nghĩa rèn cặp Bảo Quốc từ nhỏ nhưng Bảo Quốc rất ham chơi, chỉ thích đá banh. Đến khi cha mất, Bảo Quốc mới trưởng thành, làm nghề nghiêm túc. Và ông đoạt giải Thanh Tâm năm 1968. Nhưng sau đó, từ kép mùi ông lại chuyển sang hài một cách bất ngờ từ vai Chương Hầu trong vở Tiếng trống Mê Linh. Thế là con đường nghệ thuật mở ra thênh thang trong giai đoạn hài lên ngôi vào thập niên 1980, 1990 và 2000. Nét hài của NSƯT Bảo Quốc dễ thương, kết hợp với gương mặt bầu bĩnh, phúc hậu thì trở nên hồn nhiên, đáng yêu vô cùng. Không cần lạm dụng hình thể, NSƯT Bảo Quốc vẫn chinh phục khán giả một cách ngoạn mục.
Nỗ lực bám trụ của thế hệ sau
Nghệ sĩ Hữu Thình cùng vợ - nghệ sĩ Thanh Lệ, sinh ra người con là NSƯT Hữu Châu. Anh lớn lên trong giai đoạn gia tộc từ thời hoàng kim chuyển sang sa sút vì cô ba Thanh Nga mất, bà nội già yếu, bệnh hoạn, gánh hát tạm ngưng, cho nên tâm hồn anh thấu cảm rất nhiều điều. Dẫu vậy, anh vẫn được bà nội cưng nhất nhà và truyền cho nhiều kiến thức, tư tưởng, nền nếp. Sau này NSƯT Hữu Châu làm rạng danh cho gia tộc với nhiều vai diễn để đời ở lĩnh vực kịch nói. Hữu Lộc là em trai của Hữu Châu cũng từng là ông bầu của Sân khấu kịch Nụ Cười Mới nhưng không may mất sớm. Hà Linh là con trai duy nhất của Thanh Nga, nhưng cũng đi theo kịch nói và đóng phim.
Thế hệ thứ ba của gia tộc Thanh Minh - Thanh Nga vẫn còn một người bám trụ cải lương, chính là Hồng Loan (con gái của NSƯT Bảo Quốc). Hồi ở Việt Nam, Hồng Loan tham gia nhiều lĩnh vực như kịch, phim, nhưng khi định cư ở Mỹ từ 2007 thì cô quay trở lại với cải lương bằng cả niềm say mê. Hồng Loan đóng nhiều vở trên sân khấu lẫn truyền hình, video và phụ trách cả một kênh riêng chuyên nói về cải lương, được nhiều khán giả đón nhận. Nét diễn của Hồng Loan phảng phất nét của NSƯT Thanh Nga, dù lúc cô ba mất, Hồng Loan chỉ mới 5 tuổi. Có lẽ đó là “di sản” của gia tộc mà Hồng Loan thừa hưởng.
Gia Bảo - cháu nội của NSƯT Bảo Quốc, chuyên đóng kịch hài, là thế hệ thứ tư của dòng họ. Nhưng máu làm bầu của bà cố Thơ đã truyền lại cho đứa cháu này và anh say mê tổ chức các chương trình, từ các vở kinh điển như: Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Lan và Điệp, Nửa đời hương phấn… cho tới các liveshow cho nghệ sĩ. Anh từng tâm sự: “Tôi hối hả làm vì sợ thế hệ cô chú bác yếu dần đi, không còn đứng trên sân khấu được nữa”. Nhờ vậy, khán giả đã kịp gặp NSƯT Thanh Sang và NSƯT Phương Quang trước khi hai ông mất, cũng như tái ngộ các gương mặt gạo cội: Phượng Liên, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Chí Tâm, Thanh Kim Huệ…
Theo thanhnien