Zozibini Tunzi được trao vương miện Hoa hậu Hoàn vũ 2019 hôm 8/12. Ảnh: Reuters.
Các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin về Zozibini Tunzi sau đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ hôm 8/12 trong khi cộng đồng mạng thi nhau gửi lời chúc mừng tới tân hoa hậu người da màu. Một số người cho rằng, cùng Cheslie Kryst (Hoa hậu Mỹ), Kaliegh Garris (Hoa hậu Tuổi Teen Mỹ) và Nia Franklin (Hoa hậu Mỹ), hoa hậu Tunzi đã mở ra một thời đại mới, đa chủng tộc và hòa nhập, của các cuộc thi sắc đẹp. Trong đó, Hoa hậu người Nam Phi đặc biệt gây ấn tượng với làn da đen và mái tóc ngắn.
Hoa hậu Mỹ 2016 Deshauna Barber không giấu nổi phấn khích và hét lên nhiều lần rằng "Tân Hoa hậu Hoàn vũ rất giống tôi" trong đoạn video đăng trên mạng xã hội Instagram. Barber cho biết thêm, phụ nữ da màu từng bị phân biệt đối xử trong các cuộc thi, và việc được vinh danh ở cuộc thi sắc đẹp là bước đầu tiên trên hành trình thay đổi nó.
"Nếu bạn đến từ một nhóm hiếm khi bị đánh giá bất công, thật khó để bạn có thể hiểu được ý nghĩa của việc được công nhận", Barber nói.
Gabriela Taveras, phụ nữ da màu đầu tiên đăng quang Hoa hậu Massachusetts, chỉ ra phụ nữ da màu thường được cho là không phù hợp với định nghĩa về cái đẹp. "Trong quá khứ, định nghĩa về cái đẹp phải là phụ nữ da trắng", Taveras nói.
Taveras giành vương miện Hoa hậu Massachusetts 2018, và lọt vào top 5 của cuộc thi sắc đẹp Hoa hậu Mỹ tổ chức sau đó. Một trong những thách thức lớn nhất đối với Taveras khi đó là mái tóc xoăn tự nhiên của cô. "Đó giống như một cuộc chiến lựa chọn giữa tóc thẳng và tóc xoăn. Chuyện đó thật tệ", Taveras nhớ lại. "Tôi sợ mái tóc xoăn của mình không phù hợp với tiêu chuẩn sắc đẹp của châu Âu".
Nhưng cuối cùng cô quyết định đi tranh tài với mái tóc xoăn. Khi nhiều cô gái nói với cô rằng họ vui vì "Hoa hậu Massachusetts trông giống họ", cô hiểu mình đã lựa chọn đúng. "Tôi cảm giác được là chính mình. Tôi không phải cố làm ra vẻ giống những người khác", Taveras chia sẻ.
Hoa hậu Barber từng không dám giữ mái tóc xoăn tự nhiên để đi thi vì sợ rằng nó khiến cô không thể tiến xa trong cuộc thi. Nhưng trong lần catwalk cuối cùng với tư cách hoa hậu Mỹ, cô đã để tóc xoăn như một cách để tưởng nhớ người mẹ quá cố.
"Mẹ tôi từng bảo tôi giữ mái tóc tự nhiên trong tất cả cuộc thi hoa hậu, nhưng tôi đã quá sợ hãi", Barber nói.
Barber cho biết từng bị phân biệt đối xử vì màu da khi tranh tài tại cuộc thi hoa hậu, bởi nhiều người cho rằng nó không đẹp.
"Cuộc thi Hoa hậu Mỹ năm đó có một nhóm phụ nữ da màu cùng tham gia tranh tài với tôi", Taveras kể. "Nếu bạn xem lại lịch sử cuộc thi này, bạn sẽ thấy đây là một điều rất bất ngờ".
Nhưng nó cũng đi kèm nhiều thách thức. Taveras cho biết mọi người thường bị lẫn lộn các người đẹp da màu. "Một lần, khi đang đứng sau cánh gà chờ tới lượt, một người chạy tới chỗ tôi và nói 'Louisiana, gọi tên bạn kìa'. Khi tôi nói mình không phải cô gái đó, họ thậm chí không tin", Taveras nhớ lại.
Mọi người vẫn nhầm lẫn các người đẹp da màu dù màu da của họ có sắc thái khác nhau. Nhưng Taveras cho biết điều này không xảy ra với các người đẹp tóc vàng.
Miss Massachusetts cũng chia sẻ về những áp lực mà thí sinh da màu phải trải qua, khi có cảm giác không chỉ đại diện cho chính mình mà còn đại diện cho cả một nhóm.
"Bạn gần như không được phép mắc sai lầm. Đó là cách để chúng tôi phủ nhận những thành kiến, dù vô tình hay cố ý, về chúng tôi", Taveras nói.
Thậm chí khi phụ nữ da đen chiến thắng trong các cuộc thi hoa hậu, họ vẫn không được đánh giá đúng năng lực. Taveras cho biết nhiều người từng nhận xét cô chiến thắng vì là người da màu.
"Họ coi chủng tộc như vũ khí chống lại tôi", Taveras chia sẻ.
Barber cũng từng đối mặt với những chỉ trích tương tự. Điều đó khiến cô thấy khó chịu bởi giống như ám chỉ "chúng tôi không thể thành công bằng năng lực hoặc vì chúng tôi là người giỏi nhất".
Khi Taveras tham gia tranh tài ở Hoa hậu Massachusetts với hi vọng trở thành hoa hậu da màu đầu tiên trong lịch sử, gia đình cô cũng hoài nghi về kết quả. "Gia đình tôi từng nói 'Khi nào con mới chịu từ bỏ? Họ sẽ không chọn một cô gái như con'", Taveras cho biết.
Thậm chí cộng động mạng còn có nhiều bình luận ác ý về chủng tộc. Nhiều phụ nữ dùng những từ như "con khỉ" khi nói về ngoại hình của các thí sinh da màu.
Nia Franklin đăng quang Hoa hậu Mỹ 2019 tại thành phố Atlanti, bang New Jersey, tháng 9/2018. Ảnh: Good Morning America.
Bất chấp những thách thức đó, phụ nữ da màu vẫn hào hứng với các danh hiệu mà họ đạt được và tiếp tục hy vọng vào tương lai. "Chúng ta đang sống trong thời đại mà những tiêu chuẩn về cái đẹp dần thay đổi. Điều đó có thể khiến nhiều người cảm thấy không vui, nhưng với chúng tôi thì nó đáng chúc mừng", Barber nói.
Thay đổi không chỉ dừng lại trong phạm vi cuộc thi sắc đẹp với những phụ nữ da màu mà ở nhiều cuộc thi khác. "Hãy nhìn vào cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ dành cho phụ nữ thừa cân, hay phụ nữ Hồi giáo đội khăn trùm đầu", theo Barber.
Taveras đồng tình và hy vọng sự thay đổi sẽ giúp tất cả phụ nữ tự tin hơn với ngoại hình của họ.
"Tôi thường nghe các cô gái hoặc những người phụ nữ phàn nàn về cân nặng, khuôn mặt hay mũi của họ. Nhưng tôi hy vọng những gì chúng tôi đang làm có thể truyền cảm hứng cho mọi người để họ thấy tự tin hơn về bản thân", Taveras nói.
Theo vnexpress