Cuộc thi lăn vòng gỗ
Trường Wellesley College đến nay vẫn đang duy trì một trong những lễ tốt nghiệp truyền thống lạ lùng và thú vị nhất thế giới.
|
Cuộc thi lăn vòng gỗ có từ thời xa xưa và vẫn được duy trì cho đến ngày nay - Ảnh: The Wellesley News |
Mặc áo choàng tốt nghiệp và đội chiếc mũ lưỡi trai trên đầu, các tân khoa cùng nhau tham gia một cuộc đua vòng gỗ tập thể dọc theo con phố Tupela. Thoạt nghe thì có vẻ như đây là một điều đơn giản và không có gì đặc biệt.
Thế nhưng cuộc đua mỗi lúc sẽ càng trở nên vui vẻ và náo nhiệt hơn khi đám đông sinh viên phải nỗ lực hết sức để giữ cho chiếc vòng gỗ được tiếp tục di chuyển trong khi phải cố gắng để không bị vấp ngã với chiếc áo choàng dài lụng thụng mà họ đang mặc trên người.
Sự hứng khởi sẽ đạt đến mức cao nhất khi người thắng cuộc được các bạn tân khoa khác nhấc bổng lên và mang thả xuống hồ Waban cùng những tiếng hò reo đầy phấn khích của tất cả mọi người.
Tục chà ngón chân của bức tượng đồng
Bất cứ ai tham quan Đại học Yale đều có thể nhìn thấy một bức tượng của Theodore Dwight Woolsey được đặt trang trọng và nổi bật nổi bật trong khuôn viên của ngôi trường nổi tiếng này.
Woolsey tốt nghiệp Đại học Yale năm 1820 và sau đó trở thành hiệu trưởng của trường đại học này. Truyền thuyết kể lại rằng, Woolsey là một người có niềm đam mê đua thuyền mãnh liệt và là một trong những thành viên không thể thiếu cho đội đua của Đại học Yale trong các cuộc tranh tài. Và điều lạ kỳ là, mỗi khi ông khởi động một chiếc thuyền bằng ngón chân trái của mình để bắt đầu cuộc đua thì đội Yale luôn giành chiến thắng chung cuộc.
|
Tượng đồng Theodore Dwight Woolsey được dựng trong khuôn viên nhà trường - Ảnh: HUE |
Câu chuyện này được kể cho các tân sinh viên mới nhập học và bất cứ du khách nào tham quan ngôi trường này. Đây là lý do tại sao các thế hệ sinh viên đã không ngừng truyền tai từ khóa này sang khóa khác câu chuyện rằng, việc chà xát ngón chân trên bức tượng đồng của Woolsey sẽ mang lại may mắn cho các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đại học để bước ra đời.
Và cũng vì vậy mà phần mũi giày trên bức tượng của Woolsey luôn sáng bóng một màu đồng vàng rực vì được nhiều sinh viên chạm tay vào để mong được may mắn.
Tục ném đồng hồ từ tháp chuông
Một truyền thống kỳ lạ của trường Williams College bắt đầu vào năm 1916 khi một nhóm sinh viên muốn thử nghiệm xem điều gì sẽ xảy ra nếu một thứ gì đó bị ném rơi từ nóc tòa tháp chuông cao 25m của Nhà nguyện Thompson.
|
Tháp chuông của Thompson Memorial Chapel - Ảnh: Wikimedia Commons |
Các sinh viên đã mua một chiếc đồng hồ đeo tay và thả nó rơi tự do xuống đất. Kết quả cho thấy, chiếc đồng hồ bị hư hỏng nặng nhưng vẫn còn hoạt động. Không hiểu là ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt nào mà toàn bộ sinh viên tốt nghiệp năm 1916 phải đón nhận “điều rủi ro” khi chỉ một năm sau đó, nước Mỹ tham gia Thế chiến thứ nhất, và không ít người trong số họ đã tham gia cuộc chiến này..
Kể từ đó, vào mùa tốt nghiệp hàng năm, các thế hệ sinh viên trường Williams College đều thực hiện một nghi lễ truyền thống được cho là lạ lùng: đánh rơi một chiếc đồng hồ từ trên cao xuống đất, và nếu chiếc đồng hồ bị vỡ và hỏng hóc thì sẽ mang lại may mắn cho các tân khoa.
Trang trí mô hình kiến trúc trên mũ tốt nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp từ Trường Kiến trúc Notre Dame có truyền thống trang trí mũ tốt nghiệp bằng các mô hình kiến trúc ngay trên chiếc mũ tốt nghiệp của mình.
Họ thiết kế và làm các bản sao 3D của những tòa nhà, cây cầu, vòng quay bánh xe khổng lồ Ferris… và đính lên mũ để đội trong lễ tốt nghiệp.
|
Các tân khoa đội mô hình kiến trúc trên đầu trong lễ tốt nghiệp - Ảnh: Reuters |
Tục “hỏa táng” đồng phục
Các sinh viên điều dưỡng của Đại học Liberty ăn mừng cho sự kiện được “trả tự do” sau nhiều năm dùi mài kinh sử trong trường bằng cách đốt các bộ đồng phục màu trắng mà họ đã phải mang trong suốt những năm học đại học.
Hàng năm, cứ đến mùa tốt nghiệp thì các tân khoa lại tập trung tại khu nhà truyền thống của trường để đốt lửa trại. Đây cũng là lúc mà họ sẽ ném những bộ đồ đồng phục vào đống lửa để chính thức kết thúc đời sinh viên của mình.
“Sau khi tốt nghiệp ra trường, chúng tôi sẽ được mặc đồng phục của bệnh viện. Vì vậy, đốt bỏ những bộ áo quần đồng phục sinh viên đồng nghĩa với việc chúng tôi đã thật sự trưởng thành”, cô Sarah Hacking, cựu sinh viên trường Đại học Liberty nói.
|
Sinh viên trường y thuộc Đại học Liberty đốt đồng phục trong lễ tốt nghiệp - Ảnh: Liberty University |
Theo phunuonline.com.vn