leftcenterrightdel

Mai Linh đang du học trao đổi tại Nhật Bản.

Du học là mơ ước của nhiều bạn trẻ nhưng do những hạn chế về kinh phí, nền tảng ngoại ngữ, giao tiếp xã hội… mà nhiều người không thể thực hiện được giấc mơ này.

Nắm bắt được nhu cầu của sinh viên, nhiều trường đại học đã xây dựng, đẩy mạnh chương trình liên kết đào tạo quốc tế, trao đổi sinh, tìm kiếm học bổng du học cho sinh viên.

Khoa Đông phương học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được mệnh danh là “bệ phóng du học” của sinh viên. Khoa đào tạo 4 ngành: Đông Nam Á học, Đông phương học, Hàn Quốc học và Nhật Bản học.

Nguyệt Hà (sinh viên năm 4 chuyên ngành Trung Quốc học) cho hay, học bổng du học là điểm hấp dẫn đặc biệt của khoa này. Sinh viên các ngành, chuyên ngành có cơ hội nhận được học bổng trợ cấp, học bổng du học và các đợt thực tập ở nước ngoài với mức hỗ trợ đáng kể.

Bùi Tuyền (cựu sinh viên ngành Nhật Bản học) chia sẻ: “Thầy cô của trường Nhân văn nói chung và khoa Đông phương học nói riêng rất tâm huyết. Thầy cô giúp chúng mình xin rất nhiều học bổng của các công ty Nhật, các quỹ học bổng như Shenshu, Showa…  Mỗi khóa học sẽ có 1 - 2 bạn nhận được học bổng 100%, 10 bạn được miễn phí học phí và tự túc phí sinh hoạt, 2 - 3 bạn miễn phí học phí và hỗ trợ chỗ ở ký túc xá".

Mai Linh (sinh viên năm 3 ngành Nhật Bản học) đang du học trao đổi tại Nhật Bản. Thời gian học trao đổi là 1 năm với mức hỗ trợ 100% và Linh là sinh viên duy nhất nhận được suất học bổng này dựa vào thành tích học tập GPA cao nhất ở bộ môn Nhật Bản học.

“Hiện lớp Nhật Bản học của mình đang có 10 người du học trao đổi ở các trường khác nhau tại Nhật Bản. Du học vốn là giấc mơ xa vời đối với mình nhưng nhờ sợ hỗ trợ của các thầy cô khoa Đông phương, mình đã thực hiện được”, Linh chia sẻ.

Bảo lưu việc học để sang Nhật Bản học trao đổi 1 năm, Mai Linh phải chấp nhận việc ra trường muộn hơn các bạn. Nhưng với cô, đây là sự đánh đổi xứng đáng.

“Mình được hỗ trợ mọi thứ trong cuộc sống, môi trường học tập tốt. Điều này có được nhờ vào việc khoa xây dựng mối quan hệ lâu dài và tốt đẹp với các trường bên này.

Ở đây, mình được tham gia các hoạt động mà ở Việt Nam ít có. Mình kết bạn với sinh viên quốc tế đến từ nhiều nước khác nhau như: Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Pháp… Trải nghiệm cuộc sống đại học ở một quốc gia khác giúp trình độ tiếng Nhật, kiến thức về đất nước Nhật Bản cũng như các môn chuyên ngành được nâng cao… Thêm vào đó, mình được đi thăm thú nhiều nơi, ngắm cảnh đẹp, thưởng thức món ăn ngon… Đó là những trải nghiệm quý giá vô cùng mà không phải ai cũng có được”, Mai Linh chia sẻ.

Cô Trần Thị Quỳnh Trang (Trợ lý truyền thông Khoa Đông phương học – ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) thông tin, khoa ĐPH có quan hệ hợp tác với hàng chục trường đại học cũng như tổ chức quốc tế uy tín trong khu vực như: Đại học Bắc Kinh - Trung Quốc, Đại học Tokyo, Đại học Osaka, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Chulalongkorn - Thái Lan, Đại học Calcutta - Ấn Độ... Sinh viên ưu tú sẽ nhận được nhiều suất học bổng trợ cấp của các trường đối tác, các Đại sứ quán hoặc doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, các suất học bổng du học với thời gian đa dạng (3+1; 2+2), với các cấp học từ trao đổi, học đại học, học thạc sĩ đến học tiến sĩ.

"Chúng tôi, luôn hướng đến việc mở rộng hợp tác trong khu vực và quốc tế để các bạn sinh viên có nhiều cơ hội mở ra cánh cửa khám phá thế giới. Nhận được học bổng du học, sinh viên rất vui mừng, đó cũng là động lực để sinh viên quyết tâm, cố gắng và xác định rõ mục tiêu cũng như định hướng của mình trong tương lai hơn”, cô Trang cho hay.

Cơ hội du học của sinh viên trường Đại học Hà Nội cũng vô cùng rộng mở. Trường tích cực đưa sinh viên ra thế giới với chương trình liên kết đào tạo quốc tế, trao đổi sinh, cấp học bổng… trong đó, hoạt động trao đổi sinh viên theo cả 2 chiều là nổi bật hơn cả.

Mai Huệ (sinh viên khoa tiếng Trung, trường Đại học Hà Nội) cho hay, cơ hội du học của sinh viên rộng mở với tất cả các ngành ở các chương trình đào tạo hệ đại trà, hệ chất lượng cao, hệ liên kết. Tuy nhiên, trường có thế mạnh về đào tạo ngành ngôn ngữ nên nhu cầu du học hoặc trao đổi sinh viên ở ngành này cũng lớn hơn các khoa chuyên ngành Công nghệ thông tin, Tài chính ngân hàng…

“Có cầu thì ắt có cung, khi nhu cầu du học của các bạn “khoa tiếng” nhiều thì phía nhà trường cũng tạo nhiều điều kiện để giới thiệu trao đổi. Cơ hội du học của sinh viên các ngành tiếng Trung, Nhật, Ý, Đức, Áo… là như nhau, có chăng khác biệt thì là ở năng lực, trải nghiệm và định hướng, nhu cầu của các bạn sinh viên. Riêng phía nhà trường thì luôn tạo điều kiện”, Mai Huệ chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Hoài Phương hiện du học tại Ý.

 

Hoài Phương sau 1 năm học ngành Quốc tế học ở trường Đại học Hà Nội đã giành được suất học bổng du học tại trường Đại học tổng hợp Messina (Ý), ngành Khoa học chính trị và Quan hệ quốc tế. Học bổng trị giá 3600 EUR/3 năm.

“Mình học 1 năm rồi nộp hồ sơ học bổng trao đổi qua trung tâm Italia của trường rồi sang Ý du học. Trước khi đi, chúng mình phải học 1 khóa tiếng Ý để đạt ít nhất trình độ B1 (nếu học bằng tiếng Anh) và B2 (nếu học bằng tiếng Ý). Theo mình thấy, riêng du học Ý thì các ngành thuộc khoa FMT (Quản trị kinh doanh, Quản trị dịch vụ Du lịch và lữ hành, Tài chính) sinh viên dễ có học bổng du học hơn cả”, Hoài Phương chia sẻ.

leftcenterrightdel
Đình Hải giành được suất học bổng thạc sỹ giá trị. 

Đại học Ngoại thương cũng là ngôi trường nổi bật đem đến nhiều cơ hội du học cho sinh viên. Nguyễn Đình Hải (Cựu sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại chất lượng cao) cho hay, 100% các ngành của trường Đại học Ngoại thương đều có cơ hội đi du học với chương trình liên kết đào tạo quốc tế, trao đổi sinh, học bổng hợp tác…

Đình Hải đã giành được một suất học bổng thạc sỹ toàn phần tại trường Đại học Bedfordshire (Anh- suất học bổng du học giá trị mà anh phải đạt nhiều tiêu chí mới có được.

“Trường có các chương trình trao đổi sinh viên rất hay, bạn nào có thành tích suất sắc sẽ nhận được học bổng toàn phần. Các chương trình liên kết đào tạo cũng đem đến cơ hội ra nước ngoài du học. Các bạn sẽ học 2 năm tại Việt Nam và 2 năm tại nước ngoài hoặc 3 năm ở Việt Nam, 1 năm ở nước ngoài để lấy bằng cử nhân. Sau đó, có thể học thẳng lên thạc sĩ nếu thấy yêu thích ngành đó tại trường ở nước ngoài”, Đình Hải chia sẻ.

Bên cạnh những trải nghiệm quý giá trong 1 năm du học, cơ hội việc làm của Đình Hải cũng mở rộng hơn. “Đi du học về, mình xin việc ở đâu đậu ở đó. Sau 1 năm sống ở Anh, mình tự tin hơn về trình độ tiếng Anh, công việc cũng thuận lợi hơn nhiều”, Hải nói.

Theo nongthonviet