Một cuộc khảo sát gần đây tại Trung Quốc cho thấy, 50% các ông bố dành ít hơn 5 giờ cho con mỗi tuần. Cũng chỉ có 20% người được hỏi có thể dõi theo con cái họ mỗi ngày. Do đó khái niệm tàn nhẫn "giáo dục góa" gần đây ra đời tại Trung Quốc nhằm chỉ sự thờ ơ của người cha trong việc nuôi dạy con.
Ở Đức tình hình này ngược lại. Ngay khi đứa trẻ chào đời, bố được cho nghỉ việc dài ngày. Ngày càng có nhiều đàn ông ở quốc gia này trở thành ông bố toàn thời gian.
Có một bảng quảng cáo lớn trong một siêu thị của Đức ghi rằng: "Hãy chơi với con bạn 15 phút mỗi ngày, bởi đó không chỉ là niềm vui mà còn là trách nhiệm của những ông bố".
Mặc dù đàn ông Đức vẫn là trụ cột và nắm quyền lực ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên họ luôn coi trọng gia đình. Trên thực tế, chơi với trẻ em luôn là truyền thống của người dân nước này.
Nếu đến Đức, hình ảnh của những người cha đẩy xe nôi, đưa con đi dạo hay đào cát cùng con trong sân chơi, cùng con đọc sách trong thư viện... không phải chuyện hiếm. Sự đồng hành của người cha trong mọi hoạt động của con rất phổ biến và tự nhiên tại quốc gia này. Dành thời gian cho con cái trở thành một vai trò của đàn ông Đức trong thời đại mới.
Trong khi đó tại Trung Quốc, 80% số ông bố của những đứa trẻ từ 3-6 tuổi nói rằng họ luôn bận rộn với công việc và không có thời gian để quan tâm tới con cái. Trong số này nhiều người khẳng định, chăm sóc con là bổn phận của phụ nữ, đàn ông chỉ cần kiếm tiền nuôi gia đình.
Theo số liệu từ Cục thống kê Mỹ, với tỷ lệ gần 70%, phụ nữ Trung Quốc đã "đè bẹp" nhiều quốc gia tiên tiến khác về tiêu chí phụ nữ tham gia lực lượng lao động.
"Công việc mệt mỏi, về nhà phải đối mặt với người chồng chỉ biết chơi game và cắm mặt vào chiếc điện thoại, ai chịu đựng cho nổi", một nhà xã hội học Trung Quốc từng nói. Cũng theo người này, so với người cha, mẹ có hơn một ngàn lý do để từ chối chơi cùng con nhưng họ đã không làm như vậy.
Nhà giáo dục Tôn Vân Hiểu từng chia sẻ, đứa trẻ thiếu giáo dục từ cha là mối nguy hiểm tiềm ẩn với Trung Quốc.
Diễn viên Thành Long đã kể lại một kỷ niệm trong cuốn tự truyện của mình. Một lần do vợ có việc đột xuất không thể đón con, yêu cầu Thành Long đến đón. Nam diễn viên đã chạy đến trường tiểu học và đợi rất lâu nhưng không thấy ai. Sau này ông mới biết, con trai đã học trung học.
"Tôi bận làm phim, bỏ bê việc lớn lên cùng con và giáo dục nó". Kết quả Phùng Tổ Danh – con trai Thành Long - sau đó đã nghiện cần sa. "Tôi không phải người cha tốt", ông viết trong tự truyện.
Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy, 60% thủ phạm các vụ hiếp dâm và 72% vụ giết người vị thành niên đến từ những đứa trẻ không nhận được sự giáo dục từ bố. 90% trẻ em bỏ nhà đi và 75% nghiện ma túy cũng đến từ những gia đình không có cha.
Ngoài ra, trẻ em thiếu giáo dục từ cha lớn lên dễ bị rối loạn cảm xúc như khả năng tự kiểm soát bản thân yếu, hay tỏ ra hung hăng. Trầm trọng hơn sẽ hay trốn học, trộm cắp, nghiện ma túy, thậm chí đam mê bạo lực.
Một nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ ra, trẻ được cha đồng hành hai giờ mỗi ngày sẽ có chỉ số IQ và EQ cao hơn những đứa trẻ khác.
Đây là lý do Chính phủ Đức thiết lập chính sách nghỉ dài cho các ông bố khi vợ sinh con, đồng thời khuyến khích đàn ông chăm sóc đứa trẻ của mình.
Hiện nay, ở Đức có nhiều nền tảng như Väternetzwerk chuyên hướng dẫn các ông bố kiến thức nuôi dạy con và học cách cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Tại đây, họ có thể học cách đo nhiệt độ của con, tầm quan trọng của sữa mẹ ... và nhiều kiến thức có ích khác.
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Đức Erich Fromm từng nói. "Một người cha tốt hơn 100 giáo viên giỏi. Người cha đại diện cho sự cực đoan về luật lệ, tư tưởng, quy tắc. Cha chính là người hướng dẫn, giáo dục đứa trẻ đi đúng đường, không lạc lối".
Erich Fromm cũng kể câu chuyện về một người bạn. Người bạn này thầm yêu một cô gái. Khi biết chuyện, bố của người này nói với con trai: "Một cô gái không thể yêu con bởi sự si tình, họ chỉ yêu con vì con là một người tốt". Sau câu nói này, người bạn đã nói với Erich Fromm rằng: "Tôi thực sự tỉnh ngộ bởi câu nói đó của cha mình".
Thái Thiếu Vạn là một người cha nổi tiếng tại Trung Quốc khi có tới 6 người con đều lấy bằng tiến sĩ tại những đại học danh tiếng nhất nước Mỹ. Nhiều người đặt câu hỏi "Bí quyết dạy con của ông là gì?"
Người cha này chỉ cười đáp: " Đặt công việc làm cha lên trên sự nghiệp".
Theo ông Thái, những người cha chỉ biết hôn lên trán con vào những đêm muộn ngày cuối tuần đều là người thất bại. "Làm cha là sự nghiệp cả đời của tôi và nó luôn đứng đầu trong mọi công việc hàng ngày!".
Người đàn ông này cũng nhấn mạnh: "Cái gọi là thành công trong giáo dục của tôi là có thời gian chăm sóc con cái".
Theo vnexpress