Năm 2013, UNICEF công nhận trẻ em Hà Lan hạnh phúc nhất thế giới. Xin so sánh: Anh xếp vị trí 16, còn Mỹ - 26. Mức độ hạnh phúc được đánh giá theo 5 tiêu chí: sự phồn vinh, sức khỏe và an toàn, giáo dục, hành vi và sự mạo hiểm, nhà ở và môi trường. Một trong những tiêu chí là mong muốn của học sinh Hà Lan đến trường.

Tờ Daily Telegraph gọi hệ thống giáo dục Hà Lan là Stress-free schooling (nhà trường không căng thẳng). Còn người nước ngoài thường nói rằng nó đào tạo ra “những con người trung bình”. Sau đây là những đặc điểm của hệ thống giáo dục Hà Lan.


Lớp học cấp 1 ở Hà Lan.

1. Hầu hết các trường phổ thông là trường công và được nhà nước tài trợ.

Vẫn có một ít trường tư, nhưng chủ yếu là trường dòng. Nhưng ngay cả ở đấy trẻ em cũng có quyền lựa chọn. Hà Lan là nước tự do. Khi đứa trẻ hơn ba tuổi một chút, bố mẹ phải viết đơn gửi tới trường. Có thể gửi đơn tối đa tới 5 trường phổ thông trong quận của mình. Người Hà Lan có thể cho con vào học các trường ngoài quận, nhưng cơ hội rất ít.

2. Trẻ em đến trường từ năm 4 tuổi.

Không ai chờ đợi năm học sau. Nếu đứa trẻ đủ 4 tuổi vào ngày 25/3, thì ngày 26 nó được gọi đến trường. Trẻ em từ 4 - 6 tuổi học chung một lớp. Nhiệm vụ chính của nhà trường trong thời gian này là dạy học sinh tương tác với nhau, thỏa thuận, phát triển phương pháp, chuẩn bị học viết và đọc. Tất cả diễn ra dưới hình thức trò chơi.

Nếu như đứa trẻ muốn học sâu hơn những môn nào đó, nó được tạo điều kiện để tự phát triển. Nếu không viết hoặc đọc được, sẽ không ai bắt ép. Người ta cho rằng lên 7 tuổi, trình độ của học sinh sẽ đồng đều.

3.Trước 10 tuổi, không giao bài tập về nhà

Đối với người Hà Lan, điều quan trọng là trẻ em dành thời gian sau giờ học cho trò chơi, vì vậy trước 12 tuổi không có các kỳ thi và kiểm tra. Cũng vì thế mà trẻ em không sợ điểm xấu ở trường phổ thông. Quan điểm đó loại trừ sự thi đua với nhau.

Thực chất của hệ thống giáo dục Hà Lan là tạo điều kiện cho đứa trẻ hài lòng trong quá trình học tập và bộc lộ bản thân. Các bậc phụ huynh Hà Lan không mời thầy dạy thêm, nếu như đứa trẻ học kém.

Họ cho rằng thành công không phải bao giờ cũng mang lại hạnh phúc; rằng không nên làm hỏng con người và cá tính của anh ta vì bất cứ lý do gì, và để được hạnh phúc đứa trẻ cần có quyền lựa chọn.

4. Cuộc đời người lớn ở Hà Lan bắt đầu từ năm 12 tuổi

Vào năm cuối trung học, học sinh dự một kỳ thi để quyết định sự phát triển trong tương lai. Ở đây, học sinh được kiểm tra môn Toán, hiểu văn bản, đọc nhanh và viết chính tả. Thêm vào đó là ý kiến của các giáo viên, vì vậy sự đánh giá bao giờ cũng mang tính chủ quan.

Ví dụ, nếu học sinh đạt điểm kém, giáo viên có thể xem lại kết quả và giải thích rằng nguyên nhân là do học sinh mất bình tĩnh khi làm bài. Các bậc phụ huynh thường tin tưởng sự giám định này và lắng nghe những lời khuyên của nhà trường.

Bằng cách đó, nhà trường xác định kế hoạch học tập của một học sinh cụ thể trong năm tới, căn cứ vào tiềm năng nghề nghiệp của học sinh trong tương lai.

5. Lựa chọn các mô hình và hệ thống dạy học trong nhà trường.

Học sinh được định hướng vào một trong ba hệ thống dạy học sau: VMBO, HAVO hoặc VWO. Những từ viết tắt này xác định khối lượng và chiều sâu của kế hoạch dạy học. Nếu gia đình có nguyện vọng và học sinh có năng lực, có thể nâng cao trình độ. Đồng thời nhà trường có thể chuyển học sinh sang trình độ thấp hơn nếu thấy kết quả học tập kém. Có thể trình bày ngắn gọn như thế này: VMBO (kế hoạch đơn giản nhất) - bạn tốt nghiệp phổ thông và đại học năm 19 tuổi và sẽ trở thành công nhân,

HAVO – bạn tốt nghiệp vào năm 21 tuổi và sẽ trở thành giáo viên phổ thông, VWO- bạn tốt nghiệp năm 22 tuổi và tương lai sẽ trở thành giáo sư.

6. 60% học sinh sẽ rơi vào VMBO và học phổ thông đến năm 16 tuổi

Đây là điểm trung bình, vì vậy gia đình không chờ đợi những thành tích đặc biệt của con mình. Chính vì thế mà hệ thống của Hà Lan được coi là định hướng vào những kẻ trung bình.

Một giáo viên kể rằng ban giám hiệu nhà trường đề nghị ông ta xem lại những bài kiểm tra không đủ điểm với mục đích nâng điểm lên. Vì vậy, ngay cả những học sinh bị trượt cũng lọt vào danh sách “những kẻ trung bình”.

7. Ở trường phổ thông bắt buộc học đến năm 16 tuổi, sau đó có thể chỉ đến lớp mỗi tuần 2 lần

Năm 17 tuổi, có thể vào học trường trung gymnazium, nếu bạn muốn vào đại học. Còn nếu không thích học kinh tế, triết học hay sinh vật, bạn phải có nghề. Ví dụ, nếu bạn muốn hoạt động trong ngành công nghiệp làm đẹp thì phải vào học trường cao đẳng thuộc ngành này.

Thực tế cho thấy, những học sinh chọn học nghề ổn định cuộc sống nhanh hơn. Còn những học sinh tiếp tục vào học đại học và học 6 ngoại ngữ, về sau khó tìm việc làm, bởi vì Hà Lan cần những người làm công việc tay chân. Họ luôn luôn có việc làm: thợ nguội, thợ xây. Lương của họ thường cao hơn những giáo viên biết 6 ngoại ngữ.

Ngay cả khi chấp nhận giả thuyết “đất nước của những kẻ trung bình” thì trình độ kiến thức trung bình của người Hà Lan vẫn cao hơn trình độ kiến thức trung bình ở các nước khác. Trong bảng xếp hạng 200 trường đại học tốt nhất thế giới, Hà Lan chiếm vị trí thứ ba, sau Anh và Mỹ về số lượng trường đại học.

Hệ thống giáo dục Hà Lan đề ra nhiệm vụ đào tạo những con người có học vấn và nghề nghiệp trung bình, còn những học sinh có tham vọng hơn được quyền lựa chọn các trường đại học một cách thoải mái.

Người Hà Lan thừa nhận một điều hiển nhiên: quả thật đa số mọi người thích làm việc trong lĩnh vực ứng dụng. Và hoạt động của đất nước dựa vào họ. Trong khi đó khoa học là một tầng lớp rất hẹp.

Có ý kiến cho rằng hệ thống giáo dục Hà Lan không kích thích sự phát triển vì ngay từ đầu đã đưa ra kỳ vọng thấp. Tuy nhiên, cũng có thể cho rằng hệ thống đó giúp học sinh hiểu: càng học nhiều ở trường phổ thông bạn càng có nhiều cơ hội. Mà điều đó trước hết giáo dục ý thức trách trách nhiệm đối với tương lai của mình.

Theo Giáo dục & Thời đại