Các nhà xuất bản phát hành khoảng 15.000 đầu sách về tự cải thiện bản thân ở Mỹ mỗi năm. Trong vài năm qua, nhu cầu thị trường về dòng sách tự chữa lành và phát triển cá nhân tăng mạnh, nhất là từ sau đại dịch COVID-19.

Một báo cáo của công ty Research and Markets (Ireland) dự đoán, quy mô thị trường toàn cầu của dòng sách này ước tính sẽ đạt 67,02 tỉ USD vào năm 2030. Sự bùng nổ này có thể do tính phổ biến ngày càng tăng của các nền tảng và ứng dụng tự phát triển cá nhân dựa trên công nghệ số. Mặt khác, người lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau cũng không ngừng tìm cách nâng cao trình độ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng.

leftcenterrightdel
 Dòng sách tự phát triển cá nhân đang thu hút độc giả nhờ nội dung phù hợp thị hiếu và mong muốn cải thiện bản thân của mọi người đang tăng lên - Nguồn ảnh minh họa: Shutterstock

Một số khu vực cụ thể đang chứng kiến sự tăng trưởng thị trường nhanh chóng về thể loại sách tự giúp bản thân chẳng hạn như các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhờ tốc độ phát triển kinh tế cao, những tiến bộ công nghệ đáng kể và sự cởi mở trong nhận thức của giới trẻ.

Tiến sĩ Paula Robinson - Giám đốc điều hành Viện Tâm lý tích cực (Úc) - cho biết, thể loại sách tự cải thiện bản thân rất phổ biến vì việc giúp chính mình tốt hơn luôn là chủ đề được mọi người quan tâm.

Ông giải thích: “Tự chấp nhận, lòng trắc ẩn và tin tưởng vào bản thân không phải là những kỹ năng mà con người thực hiện tốt. Thay vào đó, sự chán ghét bản thân, cảm giác tội lỗi, xấu hổ, sợ hãi phổ biến hơn nhiều trong các cuộc thảo luận của chúng ta với chính mình. Thành kiến tiêu cực và sự hoài nghi có thể phần nào giúp chúng ta tồn tại trước những nguy hiểm từ bên ngoài nhưng không phải lúc nào cũng góp phần giúp chúng ta khỏe mạnh về mặt tinh thần”.

Ở khía cạnh tích cực, sách tự giúp bản thân có thể giúp đỡ những người chưa bao giờ tiếp cận liệu pháp trị liệu chuyên môn và hỗ trợ họ có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Nhưng với hàng ngàn tựa sách thuộc thể loại này, của nhiều tác giả, về nhiều chủ đề khác nhau, việc lựa chọn một cuốn sách phù hợp cũng giống như “mò kim đáy bể”.

Những ý kiến chỉ trích nhắm vào dòng sách tự giúp bản thân thường tập trung vào 3 vấn đề. Đầu tiên là độc giả thường không biết rõ về tác giả của những quyển sách mà họ đang đọc.

Tiếp theo là một số lời khuyên trong các cuốn sách không hợp lý hoặc không thể tiếp cận được trong điều kiện thực tế, có thể khiến người đọc không chủ động tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia.

Cuối cùng là những cuốn sách này thường không có tác dụng cho đại đa số người đọc hoặc chỉ cung cấp kiến thức phổ thông hơn là chuyên môn.

Tiến sĩ Robinson khuyên việc kiểm tra kinh nghiệm và trình độ của tác giả là rất quan trọng khi chọn bất kỳ cuốn sách nào, thay vì dựa trên các bài đánh giá được hỗ trợ bởi bộ máy bán hàng, công cụ tiếp thị. Ngoài ra, nếu bạn không áp dụng những điều học được vào cuộc sống của mình thì việc đọc sách tự cải thiện bản thân chỉ như một cách giải trí, giết thời gian.

Theo phụ nữ TPHCM