Viện Hàn lâm Thụy Điển vẫn là một tổ chức mực thước nghiêm trang, gần như là cổ điển, giữa thời của Tiktok và YouTube - Ảnh: svenskaakademien.se
Giải Nobel Văn chương 2020 sẽ được trao vào thứ Năm tới, 8-10 (giờ địa phương), với những tên tuổi lớn được nhắc gồm:
- Maryse Condé - tiểu thuyết gia người Guadeloupe (lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp ở vùng Caribe)
- Tiểu thuyết gia người Nga Lyudmila Ulitskaya
- Tác giả bán sách rất chạy người Nhật Haruki Murakami
- Nữ tác giả người Canada Margaret Atwood
Và ứng viên năm nào cũng được nhắc tên nhưng chưa bao giờ được xướng tên: tiểu thuyết gia, nhà thơ và kịch tác gia người Kenya Ngũgĩ wa Thiong’o. Hai nhân vật được nhắc ở trên, thì Kincaid là người Antigua-Mỹ, còn Carson là nhà thơ người Canada.
Tiểu thuyết gia người Kenya Ngũgĩ wa Thiong’o năm nào cũng được nhắc tên nhưng chưa bao giờ được xướng tên - Ảnh: The Guardian
Giải thưởng văn chương được coi là danh giá nhất toàn cầu bị che phủ bởi scandal suốt từ tháng 11-2017, khi Viện Hàn lâm Thụy Điển, nơi chọn người thắng giải, dính đủ điều tiếng xâm hại tình dục và khuất tất trong quản lý tài chính.
Việc này đã dẫn tới chuyện Jean-Claude Arnault - chồng của viện sĩ Katarina Frostenson - bị truy tố với tội danh hiếp dâm năm 2018. Tháng 1-2019, Frostenson rời Viện Hàn lâm sau khi bị phát hiện đã tiết lộ tên những người thắng giải trước khi có kết quả chính thức.
Vì những lẽ đó, giải Nobel Văn chương bị hoãn vào năm 2018, nhưng sóng gió vẫn không yên vào năm 2019, khi Viện Hàn lâm bị chỉ trích dữ dội vì lựa chọn trao giải cho tiểu thuyết gia người Áo Peter Handke, người phủ nhận các vụ diệt chủng ở Nam Tư cũ và từng tới dự đám tang của ông Slobodan Milošević, cựu tổng thống Serbia bị kết tội là tội phạm chiến tranh.
Thật ra, những chỉ trích với giải Nobel Văn chương không chỉ dừng lại ở các sự vụ cụ thể.
"Thật khó hiểu nổi Viện [Hàn lâm] còn vai trò gì trong nước Thụy Điển hiện đại", báo Anh The Guardian viết trong một bài chỉ trích gay gắt giải Nobel Văn chương và những bê bối của nó năm 2018.
"Kiểu văn chương mà nó tồn tại để dung dưỡng còn sống sót chủ yếu là nhờ tài trợ nhà nước. Trừ vài ngoại lệ, các thành viên Viện Hàn lâm không kiếm sống nổi bằng nghề viết lách.
Điều này tất nhiên cũng đúng với nhà văn khắp mọi nơi vào thời buổi này, nhưng trong một thế giới chỉ có vài ngôn ngữ toàn cầu thống trị, áp đảo nhất là tiếng Anh, một ngôn ngữ như tiếng Thụy Điển - với chỉ 9 triệu người là bản ngữ - chẳng nuôi sống được mấy nhà văn.
Sách bán chạy ở Thụy Điển gần như luôn phải là những cuốn có thể mang lại lợi nhuận khi dịch ra, tức chủ yếu là tiểu thuyết hình sự, hay thỉnh thoảng là những tác phẩm văn chương kỳ cục…"
Nhà thơ người Canada Anne Carson - Ảnh: NY Times
Tham vọng to tát của các giám khảo ở Viện không chỉ là đọc văn chương nước ngoài trong ngôn ngữ gốc mà còn hơn thế, phán xét tính nguyên bản và tầm quan trọng của những tác phẩm đó với chính những truyền thống đấy. Tuy nhiên, khi thế giới văn chương mở rộng ra để bao gồm Mỹ Latin, châu Phi, Ấn Độ, Nhật Bản, và Trung Quốc, khao khát này trở nên phi thực tế. The Guardian viết |
Bởi thời đại thay đổi, ngay từ những năm 1970, ý tưởng rằng Viện Hàn lâm là cốt lõi của nền văn hóa Thụy Điển đã hứng chịu nhiều chỉ trích. Tương tự, lòng tin cho rằng văn hóa châu Âu - cụ thể ở đây là Thụy Điển - có thể đại diện cho đỉnh cao thành tựu loài người trở nên ngày càng khó thuyết phục.
Với Viện Hàn lâm, điều này trở thành mối đe dọa hiện sinh.
Sự phi thực tế đó dẫn tới rất nhiều tranh cãi. Ngay từ 1974, lòng tin với giải đã bị thử thách khi Viện Hàn lâm chọn hai viện sĩ của họ, các nhà thơ Harry Martinson và Eyvind Johnson, để trao giải.
Làn sóng chế giễu sau đó là dễ hiểu (4 năm sau, Martinson tự sát). Nhưng những chỉ trích đấy là quá khắc nghiệt: Martinson có lẽ vẫn là một nhà thơ tài năng và "chính tông" hơn so với, lấy ví dụ, Bob Dylan, một nhạc sĩ được trao giải năm 2016.
Bob Dylan - chủ nhân Nobel Văn chương 2016
Những tranh cãi phải có giới hạn của nó. Björn Wiman, biên tập viên văn hóa của báo Thụy Điển Dagens Nyheter, bình luận:
"Năm ngoái là ví dụ về việc không nên vấy bẩn thương hiệu của mình ra sao [ý nói quyết định trao giải cho Handke]. Tôi chắc chắn rằng họ ý thức rõ về những tranh cãi dữ dội kéo theo, điều quả là đã xảy ra và càng làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng với Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Điều đó quan trọng với việc trao giải năm nay, vì tôi nghĩ họ sẽ phải lựa chọn an toàn, cho một tác giả nữ, không phải người châu Âu, và xét phương diện chính trị, ý thức hệ, và ngoại hình, là sự đối lập với Handke". Tóm lại, một lựa chọn "phải đạo chính trị", còn văn chương tính sau.
Tiểu thuyết gia người Mỹ Antigua Jamaica Kincaid - Ảnh: NY Times
Trên cơ sở đó, Wiman đưa ra tiên đoán về Kincaid. "Đấy sẽ là một lựa chọn xuất sắc mọi nhẽ", Wiman bình luận. "Giải thưởng trao tính chính danh cho tác giả chiến thắng và những ý tưởng của tác giả đấy.
Đó là lý do tại sao rất nhiều người bực dọc với lựa chọn năm ngoái, một tác giả với những ý tưởng mờ ám như Handke về họa diệt chủng ở Bosnia, và là lý do tại sao giải thưởng cho Kincaid năm nay sẽ là đúng lúc… Đây sẽ là một chiến thắng cho Viện Hàn lâm".
Jamaica Kincaid, sinh năm 1949, là tiểu thuyết gia người Mỹ sinh ở St. John’s, Antigua và hiện là giáo sư về nghiên cứu văn hóa châu Phi và Mỹ-Phi ở Đại học Harvard.
Văn chương của Kincaid được cho là "chủ yếu chịu ảnh hưởng từ những cảnh huống đời sống thực của chính bà, dù bà không khuyến khích độc giả nghĩ rằng tiểu thuyết của mình là thật".
Bà có vẻ nhấn mạnh tính hiện thức trong văn chương của mình, với tuyên ngôn: "Tôi sẽ không bao giờ nói tôi không viết về một trải nghiệm mà tôi từng trải qua".
Giải Nobel Văn chương thường niên được trao cho "người sản sinh ra trong lĩnh vực văn chương tác phẩm xuất chúng nhất hướng về những lý tưởng cao đẹp", theo lời trong chúc thư của Alfred Nobel. Tính tới nay đã có 116 người được trao giải, chỉ 15 là phụ nữ, gần nhất là nữ tác gia người Ba Lan Olga Tokarczuk, được trao giải bị hoãn lại năm 2018 vào năm ngoái. Giải thưởng năm nay trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (1,12 triệu đôla). |
Theo tuoitre