Để cải thiện tình trạng “con có thể nói chuyện với cả thế giới, trừ… cha mẹ”, cần sự nỗ lực từ các thành viên trong gia đình, không phải chỉ riêng con; nhất là đừng đổ hết lỗi cho thời đại 4.0 dù rõ ràng đây là nguyên nhân chủ yếu. 

Con có quyền chốt cửa 

Trong mùa hè từ lớp Năm lên lớp Sáu, các bé gái có thể cao vọt lên 4 - 5cm. Các bé trai chậm hơn, nhổ giò vào giai đoạn cuối lớp Tám - Chín nhưng tất cả có chung đặc điểm dễ nhận thấy: đều muốn khẳng định mình đã trưởng thành, không còn là trẻ con.

Những sự thay đổi mạnh mẽ về thể chất khiến tâm lý các con thay đổi. Không muốn đi chung với cha mẹ, không muốn cho cha mẹ chụp hình, đi học về là vào phòng riêng… - những ứng xử kiểu này khiến phụ huynh dù có chuẩn bị tâm lý đến mấy vẫn cảm thấy lo lắng, tổn thương. “Tôi từng rất hoang mang, stress vì cảm thấy các con như đang tự cô lập, muốn tách rời gia đình. Nghịch lý ở chỗ chúng rất hạn chế/ngại trò chuyện với cha mẹ nhưng lại có nhu cầu giao tiếp với nhiều đối tượng, nhiều nhóm người khác nhau, thậm chí với nhiều ngôn ngữ khác nhau trên không gian mạng.

Dường như chỉ cần cái máy tính hoặc điện thoại thông minh là chúng có cả thế giới” - chị Ngọc Khanh - một giáo viên có 2 con gái vừa tốt nghiệp THPT - chia sẻ. Dành khá nhiều thời gian theo sát quá trình dậy thì của 2 con, tự hào có thể làm bạn cùng các con từ nhỏ đến lớn, chị nhận ra cách ứng xử của con như vậy là vì ở tuổi này, các con luôn bối rối, chưa nhận thức rõ ràng các khái niệm độc lập - trưởng thành - gần gũi - gắn bó - yêu thương - tách biệt: “Các con có thể giao tiếp thoải mái với người lạ, trong không gian ảo vì không bị soi xét, uốn nắn, chỉ trích - nói tóm lại là không bị “phủ định”.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Còn với mọi người trong thế giới thật (cha mẹ, anh chị em, thậm chí là hàng xóm…), chúng sẽ trở nên nhạy cảm và phòng thủ trong giao tiếp. Mà đã muốn phòng thủ thì sẽ như con ốc chui vào vỏ và căn phòng riêng được chốt cửa trở thành thế giới khiến chúng cảm thấy bình yên và an tâm. Nếu hiểu được điều này, thông cảm với con, chúng ta có thể dành cho con một không gian độc lập nhưng không “bất khả xâm phạm”. Con có quyền chốt cửa, cha mẹ không tự tiện vào phòng khi không có con nhưng con cần mở ngay bất kỳ khi nào cha mẹ gõ.

Nếu đạt được thỏa thuận này, cha mẹ và các con có thể giao tiếp được cùng nhau và dần dần tăng thời gian tương tác. Giờ thì chúng tôi đã cùng nhau đi qua được thời kỳ tưởng chừng rất khó khăn ấy rồi”. Thực tế “tôn trọng không gian riêng của các con, có kiểm soát chừng mực nhưng không thô bạo” của chị Khanh đã được nhiều phụ huynh áp dụng hiệu quả. 

Còn nếu không dành phòng riêng cho con hoặc có phòng riêng lắp tường kính trong suốt để kiểm soát được 24/7 thì con sẽ rời nhà sớm nhất có thể và không hứa hẹn quay về.

“Con không có nhu cầu noi gương ai cả" 

Cùng tiếng Việt nhưng vẫn cần có ngôn ngữ chung với các con. Nói vui là để tránh tình trạng “bất đồng ngôn ngữ”, có những câu cửa miệng, cha mẹ đừng nên dùng. “Con nhà người ta…” là một trong những nguyên nhân chính gây bất mãn và “cắt đứt” việc giao tiếp với cha mẹ.

Đa phần người lớn không thích bị so sánh, buộc soi vào tấm gương người khác. Với trẻ đang ở tuổi dậy thì, điều này càng dễ gây bất mãn và tổn thương. “Con không có nhu cầu noi gương ai cả” là điều rất nhiều cô cậu teen muốn nói trước khi sập cửa phòng riêng để chấm dứt cuộc đối thoại vốn đã hiếm hoi với cha mẹ, rúc sâu vào vỏ ốc.

Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com
Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com

Chỉ cần vài lần “sập cửa”, những cuộc trò chuyện vốn đã thưa thớt sẽ hoàn toàn biến mất. Trong cái vỏ ốc - phòng riêng, một môi trường ảo mở ra, không có chỉ trích; không ai tra hỏi dồn dập, nài ép, so sánh và quan trọng nhất, khi muốn chấm dứt đối thoại, chỉ cần vào đó là xong. Điểm này khá dễ nhận thấy ở gen Z: không cần phải theo nguyên mẫu nào cả, mình cứ là mình, mình chỉ làm khi mình muốn: “Thần tượng của con là ai, tự con biết”.

Khi mang ai đó ra làm gương cho con, phụ huynh có thể nhận được câu chốt này: “Chắc con quan tâm?”. Nếu với cha, nhắc đến gương thành đạt của đồng môn hay với mẹ, nhắc rằng cô này trẻ đẹp, duyên dáng lắm, sao mẹ không giống họ đi, hẳn cha mẹ cũng sẽ trả lời cùng ý: “Chắc cha/mẹ quan tâm?”. Thần tượng của chúng ta là ai, nếu có chung tiếng nói thì mới có thể trò chuyện.

“Khi muốn con cởi mở và thân thiện hơn, chúng tôi tạo thêm nhiều cơ hội để cả nhà đi cùng nhau, trên xe, đến các quán ăn gia đình, tham gia các chuyến du lịch ngắn ngày… Tôi nhận thấy khoảng thời gian trên xe rất dễ dàng để mọi người chia sẻ” - chị Vân Quyên - mẹ của 2 cô cậu teen tính cách rất khác nhau nhưng cùng “kiệm lời” với cha mẹ - cho biết bí quyết nhỏ để tạo dựng tình bạn với con. “Chồng tôi làm việc xa nhà, khoảng thời gian ít ỏi cuối tuần còn phải chia nhỏ để chơi game, tập thể thao cùng lũ trẻ. Anh ấy còn tranh thủ những lần đưa đón con khi đi cắt tóc, làm răng là cơ hội để trò chuyện với chúng. Muốn con trò chuyện với mình thì mình phải siêng năng trò chuyện với cùng ngôn ngữ của chúng, trong đó có cả game. May mắn là đến giờ, chưa khi nào chúng tôi bị con từ chối khi muốn vào phòng trò chuyện. Mỗi lần có chuyện, bọn trẻ tự tìm đến, chủ động nhắn tin hoặc gửi email trước cả khi cha mẹ hỏi: “Con ổn không?” còn khi hỏi đến mà chúng nói: “Cảm ơn cha/mẹ, con ổn” thì có nghĩa là “Con không muốn làm phiền” - chị nói. 

Ảnh mang tính minh họa - FreePik
Ảnh mang tính minh họa - FreePik

 

Vì lo lắng và thiếu tin cậy

“Cha mẹ mà biết thì mình sẽ bị la” - chính sự lo lắng này khiến các con giấu nhẹm những chuyện lẽ ra cần chia sẻ với cha mẹ dù đang gặp các tình huống đáng sợ hoặc nguy hiểm. Muốn không bị rầy la thì không được để cha mẹ biết. Bớt nói chuyện bô lô ba la thì bớt lỡ lời.

Vậy nếu cha mẹ muốn biết, cần tạo dựng niềm tin cho con rằng trong mọi trường hợp, lo sợ cha mẹ rầy la (nhất là khi gặp nguy hiểm do sai lầm của bản thân) là điều con cần nghĩ đến sau cùng. Đây chính là điều các bà mẹ truyền thống thường thầm thì vào tai khiến con dễ dựa dẫm, sinh hư còn các bà mẹ hiện đại công khai tuyên bố trong gia đình, tạo sự tin cậy và cởi mở. Cha mẹ và con chia sẻ, giao tiếp thoải mái chỉ khi cha mẹ và con tin cậy, thân thiết nhau như bạn bè, cha mẹ luôn dành thời gian cho con. 

“Làm bạn cùng con” đã không còn là một cụm từ lý thuyết của các chuyên gia tâm lý, giáo dục học. Trong gia đình, được con cái coi là người bạn lớn thân thiết, đáng tin cậy… là mục tiêu và hạnh phúc của nhiều bậc cha mẹ. “Chỉ cần cha mẹ là người đầu tiên biết những chuyện quan trọng của con. Những chuyện còn lại, cả thế giới biết mà cha mẹ chưa biết cũng không sao.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Chỉ cần 1 trong 2 người, thỉnh thoảng có mặt lúc con cần, chứ không phải 24/7 bên con. Thêm nữa, nếu muốn được con chia sẻ những giấc mơ và dự định lớn lao; được con tâm sự, giãi bày khi lo lắng, bối rối, thất bại; muốn con khoe chuyện vui khi thành công thì cần chịu khó lắng nghe cả những chuyện vụn vặt của con từ khi con còn nhỏ.

Nếu cha mẹ không muốn lắng nghe những chuyện này thì đừng mong nghe chuyện khác” - Jess. T - một du học sinh đã xa nhà nhiều năm nhưng vẫn giữ thói quen trò chuyện thường xuyên với mẹ - nói vui.

Cha mẹ có sẵn lòng và sẵn thời gian không? 

Theo phụ nữ TPHCM