Bạo lực hay gây sự chú ý?
Bị đấm, đá, kéo tóc và xô ngã nhiều lần xuống sàn ở một bãi đậu xe tại Singapore, cô gái trẻ khóc trong đau đớn. Nhưng những kẻ hành hạ cô - ba cô gái 15 tuổi khác - đáp lại bằng những tiếng cười chế giễu và tiếp tục tấn công nạn nhân. Hình ảnh của vụ việc trong một đoạn clip đã lan truyền trên mạng xã hội vào tháng Tám. Không lâu sau, nhiều đoạn clip khác xuất hiện cho thấy một cậu bé xô xát với các học sinh cùng lứa tuổi trong nhà vệ sinh của trường và dọc theo hành lang. Tất cả những đoạn clip trên đã khuấy động một cuộc tranh luận ở đảo quốc sư tử về điều gì khiến giới trẻ ngày nay trở nên bạo lực như vậy?
Kênh CNA Singapore nhận định, các trường hợp bạo lực trong giới trẻ ngày càng trở nên rõ ràng hơn và một phần được thúc đẩy bởi việc theo đuổi những ảnh hưởng trực tuyến. Nhân viên xã hội Wong Ying Li - người đứng đầu Bộ phận chăm sóc sức khỏe tâm thần thanh niên và cộng đồng tại Cơ quan dịch vụ xã hội Fei Yue - giải thích: “Sự chú ý thông qua tai tiếng có thể là một yếu tố thúc đẩy bạo lực. Đối với những người tải video lên - ngay cả khi họ không tham gia trực tiếp vào hành vi bạo lực thể chất - mạng xã hội cung cấp sự hài lòng ngay lập tức và nó đáp ứng nhu cầu được công nhận của thanh thiếu niên”.
|
Những thanh thiếu niên liên quan đến tình trạng bạo lực, dù là kẻ tấn công hay nạn nhân đều cần sự hỗ trợ - ẢNH: GETTY IMAGES |
Theo Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, kể từ khi đại dịch bắt đầu, 80% thanh niên trên toàn cầu dễ rơi vào trầm cảm, lo lắng và dễ trở thành mục tiêu cho sự cực đoan hóa. Thế hệ Z (sinh từ năm 1997-2002) đã bị choáng ngợp bởi những cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn. Một số bị bỏ lại phía sau, những người khác đang trải qua mức độ bạo lực bất thường và sự gián đoạn xã hội. Chưa kể nhiều ảnh hưởng khác bởi tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Từ đó, một trong những hiện tượng lớn nhất được giới trẻ tạo ra trên mạng xã hội là các trào lưu thu hút sự chú ý, bao gồm cả các trào lưu tiêu cực.
Vào tháng Năm, một trào lưu TikTok đáng lo ngại đã lan truyền tại Úc, liên quan đến việc những người trẻ tuổi tự quay cảnh phạm tội và sau đó chia sẻ đoạn phim trên mạng xã hội để tìm kiếm “danh tiếng”. Tiến sĩ tâm lý học trẻ em Rose Cantali từ Hiệp hội Tâm lý học Úc cho biết, các băng nhóm dường như đang dùng mạng xã hội để kích động hành vi xấu đối với những đứa trẻ ít được quan tâm: “Rất nhiều đứa trẻ chưa bao giờ có cơ hội để cảm thấy bản thân quan trọng, vì vậy nếu đó là cách duy nhất giúp chúng gây sự chú ý, chúng sẽ tham gia”.
Cần trợ giúp
TP.Indianapolis, Indiana, Mỹ vào năm 2022 ghi nhận một loạt tội ác bạo lực đối với thanh thiếu niên. 12 trẻ vị thành niên mất mạng vì bạo lực súng đạn tính đến ngày 24/8, nhiều nhất trong 5 năm qua. Kia Wright - Giám đốc điều hành của VOICES, tổ chức hoạt động vì trẻ em da màu - cho biết, một vấn đề lâu nay vẫn còn nhức nhối đó là các cuộc chiến trên mạng xã hội kết thúc bằng bạo lực. Các cuộc chiến bắt đầu theo nhiều cách, từ các bài hát được đăng trực tuyến với lời bài hát chế nhạo nhau cho đến các tài khoản giả mạo nhằm công kích cá nhân.
Tiến sĩ Amy Klinger - Tổ chức mạng lưới an toàn trường học của nhà giáo dục Mỹ - nhận xét, giải pháp tốt nhất chống lại bạo lực ở thanh thiếu niên là thực hiện cách tiếp cận cộng đồng: “Cơ quan thực thi pháp luật, gia đình, trường học… và mọi người phải hợp tác để khắc phục điều này”. Ở Indianapolis, nhiều nhân viên tại sở cảnh sát chia sẻ nhiệm vụ giám sát phương tiện truyền thông xã hội. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bài đăng, cảnh sát có thể liên hệ với phụ huynh hoặc khi cần, cảnh sát trường học có thể can thiệp.
Nhân viên xã hội Wong Ying Li cho biết, tất cả các bên liên quan đến hành vi bạo lực hoặc bắt nạt - dù là kẻ tấn công hay nạn nhân - đều cần sự hỗ trợ và can thiệp. Cô Li giải thích: “Thanh niên cần biết rằng họ được hỗ trợ, có các nguồn lực và có thể trải nghiệm những điều tích cực khi lớn lên”. Peter - nhà giáo dục tại Singapore - nói với CNA: “Thế hệ trẻ muốn mọi người hiểu mình. Điều quan trọng là chúng ta phải thể hiện sự quan tâm và tình cảm con người đối với thanh thiếu niên để họ học được sự tôn trọng và cảm thông. Đây là những bài học chỉ có thể được dạy bằng sự tương tác, quan tâm và chăm sóc giữa con người với nhau, không thể được dạy thông qua công nghệ”.
Theo phụ nữ TPHCM