leftcenterrightdel
CĐV Thái Lan ví Bích Tuyền là “Manganang thứ 2” (người trong ảnh) chỉ vì “có ngoại hình không nữ tính”. Ảnh: Coconuts. 

“Trông không giống phụ nữ, VĐV bóng chuyền Việt Nam có ngoại hình như nam giới”.

“Dân mạng nhận xét số 10 của bóng chuyền nữ Việt Nam trông nam tính”.

Đó là tiêu đề một số bài báo Thái Lan đặt ra nghi vấn về giới tính của VĐV Nguyễn Thị Bích Tuyền (sinh năm 2000) - thành viên đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tại SEA Games 31.

Tất cả xuất phát từ mái tóc ngắn, chiều cao 1,88 m cùng những cú đập bóng đầy uy lực của cô gái 22 tuổi.

Ngày 18/5, Liên đoàn bóng chuyền châu Á (AVC) lên tiếng xin lỗi vì phóng viên của đơn vị này dùng từ “man like” (giống như đàn ông) để nói về Bích Tuyền. Liên đoàn bóng chuyền nữ Việt Nam cũng khẳng định đồng thời cung cấp giấy tờ chứng minh VĐV này mang giới tính nữ.

Tuy nhiên, sự hoài nghi từ CĐV Thái Lan vẫn chưa dịu bớt. Một số đòi kiểm tra giới tính, thậm chí so sánh Bích Tuyền với tay đập Aprilia Manganang - người được phát hiện là nam giới sau nhiều năm hoạt động tại đội tuyển bóng chuyền nữ Indonesia.

Trong thể thao, ngoài được kỳ vọng thi đấu tốt, phụ nữ còn phải đối mặt với thử thách để không phá vỡ các khuôn mẫu nữ tính truyền thống.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Nguyễn Thị Bích Tuyền, đối chuyền cao1,88 m, được coi là niềm hy vọng của bóng chuyền Việt Nam. Cô nhận nhiều kỳ vọng sau những màn thể hiện nổi bật trong màu áo đội tuyển quốc gia. 

Tiêu chuẩn kép

Trong 10 năm tập luyện để đạt được mục tiêu tham dự Olympic, Kate Shortman (19 tuổi) và Isabelle Thorpe (20 tuổi), VĐV bơi nghệ thuật đến từ Vương quốc Anh, là nạn nhân dai dẳng của miệt thị ngoại hình.

Hai cô gái phải che đậy cơ thể và liên tục đối diện với những bình luận như “vai to, ngực lép, mông nhỏ”. Đã có lúc, họ ám ảnh với suy nghĩ thân hình lực lưỡng là xấu xí.

Theo Yahoo!Life, khi tập luyện tại bể bơi công cộng, Shortman mặc đồ bơi một mảnh giống như nhiều người khác. Tuy nhiên, vì có dáng người vạm vỡ, trang phục của cô luôn cao trên hông.

“Tôi không cố tình khoe hông hay vòng 3. Thật nực cười khi đàn ông có thể mặc đồ lót đi dạo trong khi phụ nữ bị buộc tội phô bày cơ thể khi để lộ da thịt”, cô nói.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Để làm nổi bật câu chuyện xung quanh cơ thể phụ nữ trong thể thao, Shortman và Thorpe tham gia chiến dịch #BeStrongBeBeautiful để khuyến khích nhiều cô gái quay trở lại với thể thao. Ảnh: Bluebella.

Thorpe cũng có trải nghiệm tồi tệ tương tự. “Khi còn đi học, tôi hứng chịu rất nhiều bình luận tiêu cực về cơ thể như bị chê vai to, ngực lép, mập mạp. Từ đó, tôi không còn tự tin về vóc dáng của mình nữa”.

Điều này dẫn đến việc Thorpe cố gắng che đậy cơ bắp của mình khi còn là thiếu nữ.

“Những người bơi lội nhiều thường có bờ vai khá to. Tôi khi đó thường mặc đồ che vai hoặc quần áo rộng thùng thình để tránh bị soi mói. Nếu đăng ảnh lên mạng xã hội, tôi sẽ cố gắng cắt phần vai đi hoặc làm cho nó kém nổi bật để không phải nhận những lời chế nhạo”, cô nói.

Trong những năm qua, cả Shortman và Thorpe đều cảm thấy tự tin hơn về ngoại hình. Giờ đây, họ đều tự hào về thân hình vạm vỡ.

“Ai quy định rằng đàn ông cơ bắp là đẹp còn phụ nữ thì xấu? Thật không công bằng khi xã hội kỳ vọng nam giới có thân hình cường tráng bằng cách tập luyện thể thao, nâng tạ nhưng phụ nữ thì ngược lại: họ phải mảnh mai và nữ tính”, Shortman nói thêm.

leftcenterrightdel
Đối diện với chỉ trích về ngoại hình cơ bắp, vạm vỡ chưa bao giờ là điều dễ dàng với các VĐV nữ. Ảnh: Repeller. 

Tuy nhiên, nhiều người khác lại không may mắn như vậy.

Trong nhiều năm, câu chuyện xoay quanh VĐV nữ là lựa chọn theo đuổi thể thao hay tuân theo các tiêu chuẩn vẻ đẹp hiện đại. Dù thi đấu tốt, nhiều người vẫn bị chỉ trích, chịu định kiến rằng “cơ bắp” và “sức mạnh” chỉ thuộc về nam giới.

Điều này không chỉ gây tổn hại về mặt tinh thần mà còn có thể khiến nữ giới quay lưng lại với thể thao.

Theo cuộc khảo sát của Women In Sport năm 2021, 64% trẻ em gái sẽ bỏ thể thao hoàn toàn vào năm 16 tuổi. Nhiều người cho rằng sự thiếu tự tin về cơ thể và ngoại hình là yếu tố chính.

Áp lực

Trong cuộc khảo sát về các VĐV nữ bậc đại học ở Mỹ, 68% nói rằng họ cảm thấy áp lực phải xinh đẹp và 30% sợ trở nên quá cơ bắp.

Không có gì ngạc nhiên khi các cô gái có thể trở nên quá chú trọng vào ngoại hình. Gần 80% VĐV nữ ưu tú cho biết họ có ý thức về hình ảnh cơ thể, theo Webmd.

She The People cho rằng đối với bất kỳ VĐV nào, sự chú ý nên được tập trung vào chuyên môn và khả năng thể thao. Tuy nhiên, khi phụ nữ tranh tài, họ lại bị bàn tán về đôi mắt đen hoặc xanh, làn da rám nắng hoặc thân hình thiếu nữ tính.

Đối với VĐV nữ, cơ bắp săn chắc không được nhìn nhận một cách tích cực. Truyền thông sẽ ưu ái các cô gái có ngoại hình đẹp trước ống kính.

Đó là lý do tay vợt người Nga Anna Kournikova (hiện đã giải nghệ) từng là con cưng của giới truyền thông. Cô thường xuyên xuất hiện trên bìa tạp chí, video ca nhạc dù thành tích thi đấu không nổi bật.

leftcenterrightdel
Khi giành HCV tại Olympic, kình ngư người Mỹ Katie Ledecky bị chê cơ thể vạm vỡ và gán cho biệt danh “Michael Phelps phiên bản nữ”. Ảnh: E! Online. 

Một nghiên cứu năm 2016 của Sport England cho thấy 75% phụ nữ được khảo sát muốn chơi thể thao nhưng sợ bị đánh giá về ngoại hình và khả năng của họ.

Khảo sát gần đây về các VĐV nữ ưu tú của Vương quốc Anh do BT Sport thực hiện cho biết: “67% sợ công chúng và giới truyền thông coi trọng ngoại hình hơn thành tích thể thao của mình. Họ cho rằng khán giả chú ý vẻ ngoài hơn là những tấm huy chương mà mình giành được. 76% cho biết những lo lắng tương tự đã ảnh hưởng đến chế độ ăn uống và luyện tập của họ”.

Tại Olympic Rio 2016, khi VĐV bơi lội người Hungary Katinka Hosszú giành HCV và phá kỷ lục thế giới ở nội dung 400 m cá nhân nữ, máy quay của đài NBC đã lia tới chồng cô trong khi bình luận viên nói: “Người đàn ông này phải chịu trách nhiệm”.

Cùng đêm đó, khi kình ngư người Mỹ Katie Ledecky phá kỷ lục thế giới của chính mình và giành HCV ở nội dung 400 m tự do nữ, tất cả điều báo chí có thể nói rằng cô là “Michael Phelps phiên bản nữ”.

Tương tự, ngôi sao thể dục dụng cụ Mỹ Simone Biles hay Sania Mirza, tay vợt nữ át chủ bài của Ấn Độ, cũng phải đối mặt với những bình luận về trang phục, hình thể nhiều hơn là tài năng.

leftcenterrightdel
Serena Williams là nạn nhân của miệt thị ngoại hình đối với VĐV nữ suốt nhiều năm. Ảnh: AP. 

Dù là một trong những VĐV vĩ đại nhất mọi thời đại, nhà vô địch Grand Slam Serena Williams cũng không thoát khỏi những lời chỉ trích về vóc dáng cơ bắp.

Mặc dù cố gắng bỏ ngoài tai tất cả trong suốt sự nghiệp của mình, tay vợt này từng trải lòng trên tạp chí Harper's Bazaar UK: “Thật khó khăn cho tôi. Mọi người thường nói tôi đàn ông chỉ vì bắp tay hoặc sức mạnh của tôi. Tôi khác với Venus: chị ấy gầy, cao và xinh đẹp, còn tôi thì mạnh mẽ và vạm vỡ. Nhưng tôi hạnh phúc với con người thật và ngoại hình của mình”.

Thể thao được cho là sẽ đóng vai trò cụ thể trong việc mang lại quyền bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái. Nhưng thay vào đó, nó lại có thể là “miếng mồi” cho những kẻ miệt thị ngoại hình trên mạng xã hội.

Những định kiến về hình ảnh cơ thể đối với VĐV nữ nên được loại bỏ, nếu không, bình đẳng giới thật sự vẫn còn là điều xa vời.

Theo zingnews