NSND Bạch Tuyết mạnh dạn đứng lên bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trong dự án cá nhân của mình - ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Ngày 20.8, NSND Bạch Tuyết cho ra mắt chương trình phát thanh dưới dạng vlog dài tập phổ cập kiến thức và khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam mang tên Biển Đông - Chính nghĩa Việt Nam. Chương trình hiện được phát trên kênh YouTube của NSND Bạch Tuyết. Đây là lần đầu tiên có một nghệ sĩ đứng ra thực hiện chương trình chính luận nhằm tuyên bố chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Trong Biển Đông - Chính nghĩa Việt Nam, NSND Bạch Tuyết điểm lại những hành động ngang tàng của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam đi kèm các mốc thời gian, dẫn chứng cụ thể, từ việc tuyên bố lập cái gọi là “quận Tây Sa và Nam Sa" thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cho đến gần đây là lập các trạm nghiên cứu tại đá Chữ Thập..., dùng tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam... Sử dụng các lập luận sắc bén, NSND Bạch Tuyết kịch liệt lên án những hành động ngang ngược, cố tình đi ngược lại với luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Nữ nghệ sĩ còn dùng các dẫn chứng thuyết phục để lý giải những âm mưu mang tính “ngụy tạo lịch sử” của Trung Quốc nhằm giáo dục cho thế hệ sau của họ về một giấc mộng bành trướng phi lý trên Biển Đông.
Tấm lòng người nghệ sĩ ở tuổi xế chiều vẫn hướng về biển, đảo quê hương, đau đáu được mang đến giá trị tốt đẹp cho dân tộc - ẢNH: FBNV
“Những tuyên xưng ngược ngạo, hành vi cường quyền đều chỉ phơi bày thêm sự sai trái, phi pháp của một “phú quốc cường quân” che đậy cái tưởng là “ngoại ngạch” - mạnh bên ngoài nhưng kỳ thực là “nội nhuyễn” - yếu (và thiếu chính nghĩa) cả bên trong”, NSND Bạch Tuyết đanh thép. Bên cạnh đó, giám khảo Chuông vàng vọng cổ còn nghiên cứu rất kỹ các nguyên tắc, điều lệ phân định ranh giới biển theo luật pháp quốc tế. Bà đưa nhiều ví dụ, dẫn chứng từ các tài liệu chính thống nhằm khẳng định Việt Nam có đủ bằng chứng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán theo luật pháp quốc tế để chứng minh cho sự sai trái của Trung Quốc.
Với luận điểm “Công lý không thuộc về kẻ mạnh”, NSND Bạch Tuyết đã chứng minh Việt Nam có được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nữ nghệ sĩ gây xúc động mạnh khi tuyên bố: “Hành trình thực thi công lý ấy tuy không dễ dàng nhưng đã có những điểm son cắm mốc minh bạch, xác đáng, khách quan. Không gì cao cả hơn cuộc trường chinh bảo vệ độc lập của một dân tộc luôn yêu chuộng và đấu tranh vì độc lập tự do, vì chủ quyền thiêng liêng bất diệt của chính mình”.
Chương trình của NSND Bạch Tuyết nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ người hâm mộ khắp nơi. Hầu hết khán giả ai nấy cũng tán dương việc làm này của nữ nghệ sĩ được mệnh danh là “cải lương chi bảo” Việt Nam.
NSND Bạch Tuyết khắc cốt ghi tâm lời dạy "Con muốn hát cải lương hay thì trước tiên con phải biết yêu nước, thương dân" - ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH CLIP
Nhân dịp này, nữ nghệ sĩ dành cho Thanh Niên những chia sẻ ngắn:
* Gần đây NSND Bạch Tuyết thực hiện 2 tập Chính nghĩa Việt Nam với nội dung xoay quanh thông tin và bày tỏ quan điểm bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, không biết động cơ nào thúc đẩy bà thực hiện chương trình này trên kênh YouTube của mình?
- NSND Bạch Tuyết: Tôi nhớ là lúc mình đi hát, những người thầy của tôi là NSND Phùng Há, NSND Năm Châu luôn nói tôi rằng: "Con muốn hát cải lương hay thì trước tiên con phải biết yêu nước, thương dân. Vì 90% nội dung của cải lương là tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm và giữ gìn văn hóa dân tộc, những điều tốt đẹp nhất của dân mình. Nên nếu lòng con thật sự yêu thương dân tộc, biết kính trọng ông bà tổ tiên... thì con mới hát cải lương hay được. Con mới có hồn, mới gửi được cái hồn con vào trong lòng của dân tộc". Tôi còn nhớ hồi năm 1979, khi đất nước mình bị tấn công ở 7 tỉnh biên giới thì chúng tôi là những "Dương Vân Nga" ra trận, theo ý kiến của Sáu Thảo (tức đồng chí Dương Đình Thảo, Giám đốc Sở Văn hóa TP.HCM lúc bấy giờ) ngày đó là chúng tôi có được bao nhiêu "Dương Vân Nga" ra trận. Ngày đó khiến chúng tôi không thể quên vì khi chúng tôi tập tuồng và đi hát có xe của cảnh sát, xe công an đi cùng để bảo vệ. Trên đường đi làm thế nào mà cho chúng tôi được bình an, yên lành tới rạp hát cho đồng bào mình nghe. Những lời hát rất dân tộc với giai điệu yêu nước nồng nàn và làm thế nào để thương dân mến nước, bảo vệ dân tộc mình trước họa ngoại xâm. Qua những vở tuồng chúng tôi đã được diễn như thế. Cùng những năm tháng gần đây, tôi nghĩ không chỉ riêng một mình tôi mà bà con trong và ngoài nước cũng rất bức xúc khi nước mình bị một nước lớn hơn ăn hiếp. Tôi nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta có khả năng, biết được cái gì thì nên lên tiếng cái đó. Tôi không có khả năng viết những bài báo đó, tôi đọc được trên các trang báo chính thống, hầu như tất cả các tờ báo của chúng ta đều có lên tiếng về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tôi rất ngưỡng mộ nên một hôm tôi nói với cô Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM, cho phép tôi được đọc tổng hợp những bài báo này, bởi vì tôi muốn đọc, muốn bày tỏ chính kiến của tôi đối với đất nước mình, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay. Nhà nước mình đã lên tiếng thì mỗi người dân phải có ý thức, kiến thức để chứng tỏ lòng yêu nước của mình, thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên mình và đó là những nỗi niềm rất bình thường của mỗi người dân Việt Nam. Bây giờ tôi mới có cơ hội đóng góp chút sức mình.
* Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam là một đề tài khá nóng nhưng cũng không kém phần nhạy cảm. Bà có lo ngại và gặp khó khăn khi lên tiếng vấn đề này?
- Tôi là người Việt Nam. Đất nước Việt Nam bị đe dọa, trước nhất là tôi yêu Tổ quốc tôi, tôi không muốn điều đó. Thậm chí một người ăn hiếp một người mà việc đó không chính đáng, không hợp pháp nó cũng làm cho nhiều người bức xúc. Huống chi đây là đất nước Việt Nam thiêng liêng của chúng ta, mà sao tôi không bày tỏ? Tôi cũng rất cảm ơn những khán giả bình luận hoặc gọi điện thoại cho mình: "Cô ơi chuyện đó nhạy cảm lắm! Cô đừng, cô hãy giữ sức khỏe và hãy giữ mọi thứ". Và tôi có thưa với quý vị đó rằng: "Người ta không thể chọn chỗ sinh ra nhưng người ta được quyền chọn cách sống của riêng mình và người ta cũng được quyền chọn cách chết của mình". Tôi đã được khán giả thương, được hát cải lương, giá trị của dân tộc Việt Nam mình. Và tôi nghĩ tôi thích cách sống để từng ngày, kể từ bây giờ cho đến ngày tôi ra đi, mỗi ngày, mỗi giờ đều là giây phút tôi trả ơn cho cải lương, trả ơn cho dân tộc mình. Và tôi cảm thấy hạnh phúc khi làm điều đó, tôi không có nỗi lo gì hết. Tôi cũng rất cảm ơn những người bạn, những người khán giả đã coi chương trình của tôi, tôi biết các bạn yêu thương tôi nhiều lắm. Tôi hết sức biết ơn điều đó.
Bà cho biết đây là một dự án xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng yêu nước của mình nên là nếu có bạn đồng nghiệp nào cùng với mình làm, muốn cùng chung sức với mình thì nó càng quý hơn nữa - ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH CLIP
* Đã ngoài 70 tuổi, việc tự tổng hợp và làm chương trình có gây khó khăn cho NSND Bạch Tuyết?
- Với việc cập nhật thông tin thì tôi đã có thói quen từ hồi còn nhỏ xíu. Hồi 14 tuổi tôi đã biết đọc sách triết rồi. Mọi người nghĩ giải trí của tôi là gì? Ngay từ nhỏ giải trí của tôi là sau khi hát, sau khi tập tuồng là tôi học, tôi đọc sách, xem các phim hay của thế giới... Đặc biệt, tôi rất thích cập nhật tin tức từ xã hội, chính trị, văn hóa... Có lẽ sự mong muốn hiểu biết là từ khi cha mẹ sinh ra đã ở trong tôi rất nhiều rồi. Biết cũng là một cách giải trí nên việc cập nhật thông tin là cũng không có gì khó. Còn tôi làm những việc này thì không có một mình đâu. Vì bao lâu nay bên cạnh tôi luôn có một ê-kíp toàn những bạn trẻ, những thanh niên có thể nói là thông minh và có tấm lòng với dân tộc. Nhất là những bạn trẻ của thời đại mới, mình gọi là thời đại 4.0 ấy. Chúng tôi làm việc rất vui vẻ, nhân đây tôi cũng nói lời cảm ơn tới các bạn. Vì nhờ có các bạn mà đầu óc tôi cũng rất sinh động.
* Là một nghệ sĩ cải lương nhưng lại làm chương trình về vấn đề chủ quyền biển đảo, NSND Bạch Tuyết có sợ bị ý kiến trái chiều là quá sức và không đủ chuyên môn không?
- Yêu nước mà sao cần phải chuyên môn (cười). Tự yêu nước thì biết phải làm gì tốt cho đất nước, cho dân tộc của mình thì tôi nghĩ việc ấy không có cái gì hết. Ý kiến trái chiều thì tôi nghĩ có ai làm gì mà không có ý kiến trái chiều đâu nhưng mà các bạn ơi những ý kiến trái chiều rất hữu dụng đối với chúng ta. Đối với những người ham làm việc, ham hiểu biết, ham bày tỏ cái mới giúp cho xung quanh mình mỗi ngày một tốt hơn. Chúng ta làm việc không phải lúc nào cũng đúng đâu nên phải nghe nhiều chiều thì dứt khoát là mình càng ít sai lầm. Điều này là rất tốt cho mình. Có nhiều người nghĩ rằng tôi đang đi trên con đường này thì có khi mình lại quen và nghĩ là cứ phải đi theo con đường quen đó thì mới có con đường để đi. Nhưng quý vị có hình dung đã nói là con đường thì phải có nhiều chiều, có chiều đi lên, có chiều đi xuống, có đường quẹo chỗ này chỗ kia. Trong lúc mọi người đang đi đường này thì tất nhiên cũng có người đi ngược lại, có người đi vòng, có người đang đi bỏ giữa chừng... Tất cả những điều đó đều là kinh nghiệm tốt nhất, quý giá nhất cho những ai muốn thực hiện điều gì đó tốt đẹp của mình và cùng đi với số đông.
* NSND Bạch Tuyết có theo dõi phản hồi của khán giả qua từng tập phát sóng của Chính nghĩa Việt Nam? Bà cảm thấy như thế nào?
- Cảm động, ấm lòng, theo dõi sát sao và tôi thấy suy nghĩ của mình giống với suy nghĩ của bà con, đồng bào mình. Và tôi cảm thấy sao trời đất cho mình cái công việc mà nó đẹp thế. Nghĩa là mình khởi nghĩ như thế, làm được một chút như thế. Mình được sự cảm thông, ủng hộ và cùng chung tay nhau như thế. Cũng như hôm nay các bạn phỏng vấn tôi, tôi biết ơn các bạn. Bởi vì nếu các bạn không muốn chung sức chung lòng thì các bạn không cần thiết gì phải nói chuyện với tôi. Vì thật ra tôi có là gì đâu, công việc này trước tôi, bao nhiêu ông bà, thế hệ đi trước đã làm. Bao nhiêu người yêu nước, bao nhiêu người bị giặt giết, không nhìn thấy được mặt con mình, không nhìn được mặt cha mẹ mình... So với bao nhiêu thảm trạng xảy ra cho đất nước mình thì mình không đáng gì hết. Và tôi cũng biết ơn các bạn đã cùng đồng lòng, năm tay nhau để chúng ta chung sức, chung lòng. Chúng ta khơi gợi, kêu gọi lòng yêu nước của tất cả mọi người cùng bảo vệ dân tộc mình.
* Ở tuổi thất thập cổ lai hy, bà có ý định nghỉ ngơi, an hưởng?
- Làm việc tức là đang nghỉ đó (cười). Bởi vì đời sống ngắn lắm, có khi mình nghe người bạn thân đang sống đã mà đã đi rồi. Mình cứ nghe đều đều những điều như vậy suốt cuộc đời từ người thân cho đến người xa lạ thì sao mình lại không nghĩ đến mình? Tôi có thể đang ngồi đây trả lời bài phỏng vấn này nhưng cũng không biết tôi ngày mai sẽ như thế nào. Cho nên tôi nghĩ sống tức là làm việc, làm việc nghĩa là giải trí. Nhất là việc làm được những việc khiến cho người ta thấy vui, có thể mỉm cười thì đó chính là sự giải trí của tôi, sự nghỉ ngơi của tôi
* Xin cảm ơn NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết, chúc bà nhiều sức khỏe và bình an trong cuộc sống!
Theo thanhnien