Vốn là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em, hai người chị gái giỏi giang đều giành những suất học bổng danh giá thế giới (một chị từng tốt nghiệp Đại học Stanford), Ngọc được định hướng đi du học Mỹ từ sớm.

Ngọc tự tìm kiếm các cơ hội để tham gia hoạt động mùa hè do các anh chị của các trường đại học Mỹ tổ chức. Hè năm lớp 8. Trong vị trí phiên dịch viên, cô gái nhỏ đã theo chân đoàn bác sĩ và sinh viên y khoa của trường Stanford và Harvard về miền Trung để dựng trại khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo.

Những hoạt động như thế giúp Ngọc học hỏi được rất nhiều cách làm việc của sinh viên đại học Mỹ cũng như bồi đắp thêm động lực đặt chân đến nền giáo dục tiên tiến thế giới. Bắt đầu xin học bổng để đi du học từ năm lớp 9 và trượt một lần nhưng cô gái năng động không từ bỏ.

Ngọc Nguyễn du học Mỹ với suất học bổng 7 năm của Davis UWC.

Không chỉ cố gắng đạt thành tích học tập và điểm chuẩn hóa cao, Ngọc còn đoạt Cúp vô địch giải tennis toàn miền Bắc trong vòng 3 năm cấp 2. Bài luận của cô bạn cũng nói về đam mê Tennis này với tinh thần “khi mình theo đuổi đam mê thì sẽ rất vui dù cho kết quả có ra sao đi nữa”.

Ngọc Nguyễn cho rằng, bí quyết giúp cô chinh phục học bổng Davis UWC Scholarship 7 năm học là bản thân may mắn đi đến vòng phỏng vấn và có dịp “khoe” những kỹ năng mềm của mình.

“Mình nhớ sau buổi phóng vấn, mình có dẫn cô giáo phỏng vấn mình đi ra chợ Bến Thành chơi và giúp cô mua những thứ đồ lưu niệm. Cũng may mình có những kĩ năng như lựa đồ và giúp cô trả giá.

Mình cũng đã từng làm tourguide (hướng dẫn viên du lịch) những năm học lớp 2 để trau dồi tiếng Anh nên có kĩ năng giới thiệu đến khách du lịch những vẻ đẹp của Việt Nam”, Ngọc chia sẻ.

Những cú sốc văn hóa

Tốt nghiệp lớp chuyên Toán, THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Ngọc “xách vali” sang Mỹ du học. Điều khiến cô gái Hà thành thực sự sốc là ngôi trường tư thục cấp 3 Westminster School ở nơi khá hẻo lánh.

“Đến từ môt thành phố nhộn nhịp như Hà Nội, đó cũng là một sự sốc văn hoá lớn. Mất khoảng 3 tháng, khi mình tham gia các hoạt động thể thao, văn hoá của nhà trường, mình cũng đã quen và thích nghi với lối sống Mỹ”, 9X Việt nói.

Thời gian đầu, Ngọc cũng gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ và thích nghi với văn hóa như nhiều du học sinh khác.

Cô gái Việt được bạn bè nước ngoài gọi với “nickname” Cici. Ngọc cho biết, đó là tên cô tự đặt cho mình vì các bạn nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ khi đọc tên Ngọc nghe rất giống “Ngốc”. Cái tên Cici là để các bạn quốc tế của Ngọc dễ đọc, rút ngắn khoảng cách và thời gian kết bạn, hòa đồng với sinh viên nước ngoài hơn.

Sau khi tốt nghiệp trường cấp 3 Westminster School, cô gái tài năng tiếp tục xin thêm được học bổng President của trường Đại học Simmons College, mỗi năm 12.000 USD cho 4 năm học. Hiện tại, Ngọc theo đuổi ngành Quản trị Kinh doanh. Lịch học năm cuối khá vất vả và cô đang cố gắng hoàn thành nốt để về Việt Nam làm việc.

Trải nghiệm nền giáo dục Mỹ, Ngọc từng rất bất ngờ bởi mọi người ở đó không quan tâm điểm số và không đánh giá con người qua điểm số. Các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội mới là thứ giúp sinh viên Mỹ khẳng định mình.

“Giáo dục Mỹ cho học sinh thực hành, trải nghiệm rất nhiều trong khi học ở Việt Nam thường gói gọn trong sách giáo khoa”, Ngọc nhận định.

Ngọc hiện là Đại sứ quốc tế và Chủ tịch đương nhiệm Hội học sinh quốc tế và người Mỹ đa chủng tộc (MISO) tại trường đại học

Người kết nối sinh viên quốc tế đa chủng tộc

9X tâm sự bản thân rất đam mê lĩnh vực giáo dục quốc tế. Ngọc thích được tiếp xúc và học hỏi từ những người bạn quốc tế và hiện là Chủ tịch đương nhiệm Hội học sinh quốc tế và người Mỹ đa chủng tộc (MISO- Multicultural and International Student Organization) của trường đại học.

Cô gái Việt trực tiếp tổ chức các sự kiện cho các học sinh đa chủng tục và quốc tế ở trường. Tạo đầu mối nguồn thông tin và giúp đỡ các bạn khi các bạn có những khó khăn với việc thích nghi với lối sống Mỹ. Điều khiến nữ Chủ tịch sinh viên 9X vui nhất là vị trí này đã cho cô kết bạn với rất nhiều người bạn tốt ở các quốc gia khác nhau.

Ngọc mong muốn sử dụng những kỹ năng, kiến thức có được từ nền giáo dục quốc tế để mang lại sự thay đổi tích cực cho cộng đồng. “Mình hi vọng khi về Việt Nam sẽ giúp được thế hệ trẻ có được những kĩ năng mềm và khả năng giao tiếp Tiếng Anh tốt để có cơ hội được phát triển về giáo dục”, Ngọc chia sẻ.

Ngọc (trái) và các bạn học ở Mỹ. Cô gái Việt dự định trở về quê hương ngay sau khi hoàn thành năm cuối đại học.

Theo Dân trí