Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà tặng bức tranh Hai Bà Trưng
cho Trường ĐH KHTN
Những tín hiệu đáng mừng
GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, tại trường ông, nhiều chỉ số cho thấy đóng góp của nữ giới trong học tập, nghiên cứu khoa học không hề thua kém, thậm chí một số lĩnh vực còn vượt lên trên nam giới. Cụ thể, trường hiện có 324 nữ cán bộ trong tổng số 738 cán bộ. Trong số cán bộ nữ có 1 giáo sư, 31 Phó giáo sư, 105 tiến sĩ, 76 thạc sĩ và 27 cán bộ có trình độ đại học và tương đương. 54 cán bộ nữ làm quản lý từ cấp Chủ nhiệm bộ môn trở lên.
Trong khối sinh viên hiện có 3316 là nữ chiếm 56,2% tổng số sinh viên toàn trường. Trong những năm qua, số sinh viên nữ đạt thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học vẫn luôn chiếm 60% tổng số sinh viên của trường.
Số sinh viên nữ tốt nghiệp xuất sắc năm 2016 là 18 em chiếm 64% tổng số sinh viên xuất sắc của trường, năm 2017 là 30/44 (chiếm 68%) và 2018 là 26/39 (chiếm 67%). Trong nghiên cứu khoa học năm 2018 cả trường có 297 công trình tham gia hội nghị khoa học sinh viên thì có tới 187 công trình là của sinh viên nữ và tập thể nữ sinh viên tương đương 63%. Trong số 10 giải nhất cấp trường Đại học KHTN có 5 giải của tập thể, cá nhân nữ. Đặc biệt hơn giải nhất về nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thuộc về tập thể nữ sinh viên.
GS.TS. Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN tặng hoa cho Chủ tịch Hội LHPN VN Nguyễn Thị Thu Hà và Chủ tịch Hội nữ Trí thức VN Phạm Thị Trân Châu
Phát biểu tại buổi giao lưu, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN VN, ghi nhận những thành tựu của trường Đại học KHTN trong đó có phần đóng góp không nhỏ của nữ cán bộ, sinh viên. Tính đến thời điểm hiện tại, trường đã 2 lần được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng lao động và là cơ sở giáo dục đầu tiên trong khu vực được Hiệp hội mạng lưới các Trường Đại học Đông Nam Á công nhận đạt chuẩn chất lượng của khu vực.
Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà cũng nhắc nhở trong lịch sử của dân tộc đã có những phụ nữ vượt qua những rào cản của định kiến, khắc phục mọi trở ngại khó khăn để đến với tri thức. Đó là bà Nguyễn Thị Duệ, giả trai để được đi học, đi thi và đỗ đạt trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên. Tiếp nối truyền thống đó đến thế hệ ngày nay là những người như GS.TS Hoàng Xuân Sinh, GS.TS Phạm Thị Trân Châu và nhiều nhà nữ khoa học danh giá khác.
Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà cũng biểu dương khen ngợi thế hệ nữ sinh viên trẻ hôm nay đã tiếp nối truyền thống đạt được nhiều thành tích cao. Đó là Đinh Thị Hương Thảo đạt 2 huy chương vàng Olimpic Vật lý quốc tế các năm 2015, 2016; Nguyễn Phương Thảo đoạt huy chương vàng Olimpic sinh học quốc tế năm 2018; Đỗ Thị Bích Huệ đoạt huy chương vàng Vật lý quốc tế năm 2014 đồng thời là nữ sinh đạt thành tích cao nhất tại IPhO và nữ sinh đạt thành tích cao nhất châu Á do Hội Vật lý châu Á trao tặng...
Bên cạnh đó, phụ nữ Việt Nam cũng đang đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị..
Nỗ lực gấp đôi
GS.TS Phan Tuấn Nghĩa khẳng định nữ sinh viên, nữ giới làm khoa học luôn gặp những khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần so với nam giới, bởi họ còn phải đảm nhận thiên chức làm vợ, làm mẹ.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà nhìn nhận, vẫn còn nhiều khó khăn chông gai trên con đường trở thành người nghiên cứu khoa học đối với phụ nữ. Tại các trường đại học trên cả nước, tỷ lệ các thủ khoa thường cao hơn nam giới. Tuy nhiên, trong số các nhà nghiên cứu khoa học, tỷ lệ nữ lại trở thành thiểu số. Nguyên nhân thường gặp là sau khi phụ nữ lập gia đình, sinh con và phải gánh vác trọng trách gia đình đã sao nhãng rất nhiều trên con đường phát triển sự nghiệp, nghiên cứu khoa học.
Chia sẻ kinh nghiệm của chính bản thân, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: "Thời điểm sinh con thứ hai cũng là lúc cao điểm phải làm công tác nghiên cứu khoa học. Nhiều lúc tôi phải dỗ con ngủ, rồi mới có thể làm việc. Không những thế, trẻ sơ sinh còn cần người mẹ ở bên cạnh trong suốt giấc ngủ của mình vì vậy tôi phải vừa ở bên con, vừa làm việc trên máy tính xách tay, trong điều kiện không thể bật đèn, để giữ cho con ngủ yên giấc".
TS. Nguyễn Thị Minh Thư - Trưởng Ban nữ công công đoàn trường Đại học KHTN - chia sẻ, không có cách nào khác, mỗi người để làm tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ đồng thời vẫn có thời gian cho đam mê cho công việc thì cần sắp xếp công việc thực sự khoa học và hợp lý. Ngoài ra, để vượt qua khó khăn, mỗi người cần biết nhìn nhận một cách tích cực để thấy mình không đơn độc và chủ động tìm đến những cái “phao”, đó là sự hỗ trợ của cơ quan nơi mình làm việc, sự hỗ trợ từ Hội LHPN, sự hỗ trợ từ Hội Nữ trí thức cũng như từ bạn bè đồng nghiệp người thân...
Em Phạm Thị Cường, sinh viên năm thứ 4 hệ cử nhân Tài năng Sinh học, chia sẻ những băn khoăn với các nhà nữ khoa học
Chung mối quan tâm về việc cân bằng giữa công việc và thiên chức phụ nữ, em Phạm Thị Cường, sinh viên năm thứ 4 heej cử nhân Tài năng Sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, băn khoăn và đặt câu hỏi cho những nhà nữ khoa học đi trước: “Phụ nữ nghiên cứu khoa học nên học cao lên ngay sau khi tốt nghiệp đại học hay “tạm dừng” lại để lập gia đình đi làm sau đó khi có cơ hội thuận tiện sẽ tiếp tục học?”
Trả lời câu hỏi này, TS. Mai Hồng Hạnh - Giảng viên khoa Vật lý - cho rằng, không có mẫu số chung cho tất cả mọi người. Nên tùy thuộc vào hoàn cảnh điều kiện cụ thể để có lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, TS Hạnh cho rằng nếu chuyên tâm vào việc học, một phụ nữ có thể hoàn thành chương trình tiến sĩ vào năm 27-28 tuổi. Đến tuổi đó cũng là đạt độ chín để lập gia đình. Nếu phụ nữ lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học lập gia đình sớm sẽ phải san sẻ thời gian, sức khỏe, trách nhiệm và khó toàn tâm toàn ý cho học tập.
Phó Chủ tịch Hội LHPN VN Đỗ Thị Thu Thảo và Chủ tịch Hội nữ trí thức VN Phạm Thị Trân Châu trao học bổng cho các nữ sinh viên xuất sắc
Cụ thể hơn, PGS. TS Nguyễn Thị Vân Anh - Giảng viên khoa Sinh học, cho rằng việc lựa chọn học lên cao hay không phụ thuộc vào ước vọng, đam mê của mỗi người. Nếu muốn trở thành nhà khoa học tham gia vào hoạt động nghiên cứu sâu thì việc học tập nên tiến hành càng sớm càng tốt. Khi còn trẻ sức hấp thu kiến thức sẽ tốt hơn. Tuy nhiên cần lưu ý việc học là vì kiến thức hoàn toàn không phải vì bằng cấp.
Trao đổi về vấn đề này GS. TS Phạm Thị Trân Châu lưu ý, không phải tất cả mọi người, tất cả mọi phụ nữ đều sinh ra để làm khoa học. Mọi thành công đều phải có đam mê, quyết tâm cao và quan trọng hơn nữa phải lựa chọn con đường phù hợp với sở trường của chính mình. Với phụ nữ, điều quan trọng nhất không phải là kết hôn khi nào mà là cần biết lựa chọn kết hôn với người biết chia sẻ và ủng hộ đam mê của mình.
Nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng ngày thành lập Hội LHPN VN và ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày 13/10/2018, Hội LHPN VN, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (KHTN) và Hội nữ Trí thức VN đã phối hợp tổ chức buổi giao lưu, gặp gỡ các nhà khoa học nữ với nữ sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại buổi giao lưu, TƯ Hội LHPN VN cũng trao tặng 50 suất học bổng cho 50 nữ sinh viên xuất sắc của trường. |