Nữ nhiếp ảnh gia Mỹ dùng bao cao su sáng tạo tác phẩm
Cập nhật lúc 16:01, Thứ sáu, 05/03/2021 (GMT+7)
Nữ nhiếp ảnh gia Mỹ Dani Lessnau đã sử dụng bao cao su để tạo hiệu ứng đặc biệt cho các bức ảnh được chụp một cách "không giống ai": sử dụng âm đạo làm màn trập và giới thiệu chúng trong cuốn sách A Woman’s Right To Pleasure.
Một bức ảnh của nữ nhiếp ảnh gia Mỹ Dani Lessnau (ảnh nhỏ) trong cuốn sách ‘A Woman’s Right To Pleasure’ - ẢNH: DAILY MAIL
Cuốn sách A Woman’s Right To Pleasure (tạm dịch: Quyền hoan lạc của phụ nữ) là đứa con tinh thần của nhiếp ảnh gia Dani Lessnau cùng các đồng nghiệp ở thành phố New York (Mỹ). Theo tờ Daily Mail, Dani Lessnau - nhiếp ảnh gia sống ở quận Brooklyn của New York, đã chụp một số bức chân dung người mẫu khỏa thân bằng cách sử dụng âm đạo chính mình làm màn trập.
Sau khi cảm thấy rằng nỗ lực chụp các đối tượng của mình theo cách bình thường tạo ra một hình ảnh khá “phẳng”, không phản ánh quan điểm nghệ thuật muốn hướng đến, Dani Lessnau loay hoay và tình cờ nhìn thấy tác phẩm của nghệ sĩ nghệ thuật sắp đặt Ann Hamilton, sống ở bang Ohio. Bà Ann Hamilton đã dùng máy ảnh lỗ kim (pinhole camera) chụp ảnh từ miệng.
Dani Lessnau nghĩ đến phương án tương tự, biến tấu để tạo sự mới lạ cho các tác phẩm. Nhiếp ảnh gia đã phủ máy ảnh bằng bao cao su để tạo ra hiệu ứng đặc biệt. Dani Lessnau tiết lộ cô nhờ bạn bè và người yêu cũ làm đối tượng chụp ảnh. Ban đầu họ không thoải mái khi phải nhìn chằm chằm vào khu vực nhạy cảm của nhiếp ảnh gia. Nhưng rồi đến lần chụp thứ 8 thì mọi việc suôn sẻ hơn.
Một nghệ sĩ nữa góp mặt trong cuốn sách là Marilyn Minter đến từ New York, từng xuất bản một cuốn sách có tựa đề Plush (tạm dịch: Vải lông) vào năm 2014 với nhiều ảnh chụp về lông mu phụ nữ. Ở A Woman’s Right To Pleasure, Marilyn Minter vẽ nhiều bức tranh về phụ nữ đủ màu da và chủng tộc, đề cập đến vấn đề phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính trong xã hội.
Báo The Guardian cho rằng trước nay việc khám phá tình dục từ quan điểm của một người phụ nữ đã và đang tiếp tục gây tranh cãi. A Woman’s Right To Pleasure được xem như một câu trả lời trong cuộc đối thoại về tình dục ở nữ giới. Nhiếp ảnh gia Mỹ Alexandra Weiss - đồng tác giả cuốn sách, nói rằng việc khám phá khoái cảm của phụ nữ bằng lời nói và hình ảnh giống như “một hành động phản kháng. Sao không phải bây giờ? Với phương tiện truyền thông xã hội, phụ nữ cảm thấy thoải mái hơn khi nói về cơ thể của họ, nhưng niềm vui thường bị loại khỏi cuộc trò chuyện”. Theo The Guardian, cuốn sách A Woman’s Right To Pleasure bán hết sạch trong vài tuần sau khi phát hành hồi cuối năm 2020. Một podcast đi kèm cũng vừa ra mắt hôm 3.3.
Theo thanhnien