|
|
Reeva Khokhar là Giám đốc điều hành quốc gia của tổ chức phi lợi nhuận “Girl Genius” |
"Bằng cách lan tỏa "Girl Genius", tôi hy vọng sẽ tiếp cận được nhiều thanh niên và thành viên trong cộng đồng hơn, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đa dạng, trao quyền và đổi mới trong giáo dục STEM", Khokhar chia sẻ.
Khokhar lãnh đạo nhóm gồm hơn 100 nữ sinh. Cô mong muốn giải quyết vấn đề về khoảng cách giới trong lĩnh vực STEM bằng cách thúc đẩy môi trường hỗ trợ và hòa nhập thông qua "Girl Genius", giúp trẻ em gái khám phá tiềm năng và đam mê của mình trong các lĩnh vực này.
"Trọng tâm của chúng tôi tại "Girl Genius" là trao quyền, giáo dục và thúc đẩy trẻ em gái trong lĩnh vực STEM trên quy mô toàn cầu. Sứ mệnh của chúng tôi xoay quanh việc tạo ra một cộng đồng hòa nhập để nâng đỡ thế hệ lãnh đạo nữ tiếp theo trong lĩnh vực STEM và trang bị cho họ kỹ năng cần thiết để theo đuổi khát vọng", cô nói.
"Girl Genius" đã tiếp cận hơn 460.000 nữ sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại 35 quốc gia, thông qua các sáng kiến và truyền thông xã hội. Với 44 chi nhánh trên thế giới, "Girl Genius" xuất bản tạp chí, tổ chức hội thảo, hội nghị về lập trình, xuất bản tài liệu định hướng nghề nghiệp và đăng tải nội dung về STEM trên mạng xã hội.
Được truyền cảm hứng từ cha mẹ, Khokhar bắt đầu viết code từ năm lớp 9. Đam mê lập trình của cô đến từ việc quan sát công việc của cha mẹ và tiềm năng sáng tạo mà nó mang lại. Khi lớn lên, Khokhar nhận ra vai trò quan trọng của lập trình trong thế giới số và cảm thấy được trao quyền bởi khả năng vô tận của nó.
Tuy nhiên, cô gái trẻ cũng nhận thấy khoảng cách giới trong lớp học viết code của mình. Khokhar nói: "Rất nhiều bạn bè của tôi không muốn tham gia hackathon (một sự kiện về lập trình) bởi vì có khá nhiều nam giới ở đó và các bạn nữ không nhìn thấy người cùng giới với mình.
Khi tôi tham gia hackathon, tôi mắc "hội chứng kẻ mạo danh" (hiện tượng tâm lý trong đó người mắc phải cảm thấy mình không xứng đáng với thành tích bản thân đạt được - PV). Tôi cảm thấy mình cần phải làm điều gì đó để trao quyền và truyền cảm hứng cho những cô gái quan tâm đến viết code và để họ cũng có thể theo đuổi đam mê chứ không né tránh chúng".
Khokhar thích viết code vì nó hỗ trợ các trang web, cho phép kết nối và truy cập thông tin rộng rãi thông qua các thuật toán logic. Cô bắt đầu viết code để xây dựng trò chơi và trang web, sau đó mở rộng sang các dự án khác, bao gồm cả việc phát triển ứng dụng cho một công ty khởi nghiệp.
Thông thạo 8 ngôn ngữ lập trình, Khokhar xem viết code như một "siêu năng lực" với tiềm năng giải quyết các thách thức xã hội, thúc đẩy sự thay đổi tích cực và tạo ra tác động lâu dài.
Cô tham gia "Girl Genius" vào năm 2021. Khi người sáng lập Shivali Gulati vào đại học, cô đảm nhận nhiệm vụ lãnh đạo nhóm và đã nỗ lực phát triển tổ chức này trong 2 năm qua. Khokhar đặt mục tiêu mở rộng "Girl Genius" qua việc thành lập nhiều tổ chức cộng đồng trên thế giới.
Cô tin rằng, điều này sẽ thúc đẩy sự đa dạng, giáo dục và hòa nhập vào STEM, giúp đạt được cân bằng giới và chống lại "hội chứng kẻ mạo danh". Ban đầu là một sáng kiến trực tuyến, "Girl Genius" hiện bao gồm các sự kiện và hội thảo trực tiếp ở New Jersey, với các buổi gặp gỡ tại thư viện, cuộc thi hackathon và các chương trình trường học.
Khokhar có kế hoạch tăng cường các hoạt động trực tiếp này, đồng thời duy trì các sự kiện ảo để đảm bảo khả năng tiếp cận rộng rãi.
Năm tới khi vào học đại học, Khokhar sẽ mang "Girl Genius" theo cùng. Ngôi trường mơ ước của cô là Đại học Pennsylvania, với dự định theo học về khoa học máy tính và kinh doanh vì Khokhar đam mê sự giao thoa giữa khoa học máy tính và kinh doanh.
"Tôi muốn khởi nghiệp kết hợp giữa hai lĩnh vực này. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ tiếp tục làm điều này bởi vì tôi thực sự đã tìm thấy được lĩnh vực mà tôi yêu thích. Tôi cho rằng điều quan trọng là tạo ra một môi trường hòa nhập, nơi mọi người cảm thấy có giá trị và có cơ hội bình đẳng để phát triển", cô nói.
Kim Ngọc/Nguồn: My Central Jersey