Thủy Tiên trước khi phát hiện mắc bệnh - Ảnh: FBNV

“Trước đây tôi thức rất khuya, ngủ không đủ giấc, lười tập thể dục và ăn những món ăn không tốt cho sức khỏe thì bây giờ phải thay đổi hoàn toàn. Mọi người cũng thế nhé, đừng nên chủ quan với sức khỏe của mình, hãy cố gắng thay đổi những thói quen sinh hoạt không tốt cho sức khỏe, hãy ngủ sớm hơn và ăn uống lành mạnh...

Đặng Trần Thủy Tiên 


Hãy cùng nghe câu chuyện của Thủy Tiên, một câu chuyện lặng lẽ như chúng ta có thể gặp ở bất kỳ đâu, nhưng nó sáng lấp lánh vì nghị lực của cô gái trẻ.

Đấy là vào một ngày giữa mùa hè của tháng 6, trời hơi nóng, em đi tắm và tình cờ khi sờ ngực thì thấy có cục hạch cứng. Em lên mạng đọc thấy bảo em còn trẻ, ít khả năng K ngực mà chỉ là xơ thôi nên chủ quan quên bẵng đi.

"Một tuần sau em lên Bệnh viện Châm cứu Trung ương khám, bác sĩ siêu âm chỉ định tiểu phẫu cắt u và cắt ra được một u bằng đầu ngón tay cái. Bệnh viện nói cẩn thận hơn thì gửi hạch đi sinh thiết, gia đình em đồng ý, nhưng sau khi sinh thiết khối u thì đã phát hiện K vú giai đoạn 2a mất rồi" - Thủy Tiên, thí sinh đặc biệt ấy, kể câu chuyện của mình.

Bác sĩ bảo không tin được vì Tiên quá trẻ, mới 19 tuổi, làm sao ung thư được mà lại là thể dễ tái phát. Bệnh viện khuyên Tiên sang Bệnh viện K khám lại vì có thể "nhỡ đâu"... Lúc ấy Tiên vẫn còn hi vọng, tự tin với độ tuổi của mình.

Nhưng kết quả khám lại vẫn giống như lần đầu: Tiên bị K vú. "Lúc ấy là sợ chính thức, còn trước đó chỉ là sợ mơ hồ. Trời đất như sụp đổ, em như người bị phán án tử biết trước cái chết. Em phẫn uất và cảm thấy vô cùng bất công"- Tiên kể.

Nữ sinh viên trường Đại học Ngoại thương Đặng Trần Thủy Tiên trong vòng thi sơ khảo "Duyên dáng Ngoại thương" 2019 vào chiều 27-10 - Ảnh: N.T

Phải khá lâu sau Tiên mới bình tĩnh lại và tạm chấp nhận. Gia đình, thầy cô, bạn bè luôn đứng bên cạnh, ở thời điểm Tiên nhận là "ranh giới giữa sự sống và cái chết". Ai cũng mong Tiên khỏe lại và "cứng đầu" để đón nhận "thử thách cuộc đời".

Và quả thật Tiên đã đón nhận, đã cứng đầu đón nhận thử thách không dễ chấp nhận, nhất là khi cô mới 19 tuổi. Tiên đã chủ động cạo trọc đầu và bảo lưu kết quả học tập để tập trung chữa bệnh.

Giữa tháng 7 vừa qua, Tiên bắt đầu đợt điều trị hóa chất đầu tiên. Đợt đầu ấy là đợt thử thách: luôn thấy nôn nao, móng tay móng chân đen, da đen sạm, bạch cầu thấp, thiếu máu... Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng Tiên vẫn luôn thấy chênh vênh, khó diễn tả.

Và giờ mỗi tuần, Tiên từ Hải Phòng lên Hà Nội hai lần để truyền hóa chất trong hai ngày rồi lại về nhà bồi bổ tĩnh dưỡng.

Tiên cũng thay đổi thói quen sinh hoạt bằng cách dậy sớm từ 5h sáng hàng ngày để tập thể dục cùng bố, ăn uống theo chế độ nghiêm ngặt và đi học đàn, việc học đàn đã giúp Tiên không nghĩ đến căn bệnh của mình, bớt đi những u uất.

Nữ sinh 19 tuổi Đặng Trần Thủy Tiên - Ảnh: FB NV

Và đặc biệt hơn nữa, Tiên đã quyết định nộp đơn thi Duyên dáng ngoại thương, như Tiên nói là để thử khả năng, sự tự tin và thể hiện vẻ đẹp tinh thần của mình.

Kết quả vòng sơ khảo ngày 27-10 đã gọi Đặng Trần Thủy Tiên vào top 40 của cuộc thi, tối 28-10, Ban tổ chức công bố danh sách top 12 mà Đặng Trần Thủy Tiên là một cái tên "triển vọng" lọt top 12.

Bạn Doãn Trà My - Chủ tịch Hội Sinh viên Đai học Ngoại thương chia sẻ ngay từ những vòng đầu, Ban Tổ chức đã chú ý đến Tiên, không phải vì căn bệnh mà Tiên đang mang, mà bằng vẻ xinh xắn, nụ cười, sự khác biệt của Tiên qua từng vòng thi.

"Dù đang điều trị bệnh nhưng Tiên rất hay cười, nụ cười rất xinh, tự tin và sáng. Chủ đề cuộc thi năm nay là "Tôi khác biệt", đúng là Tiên khác biệt, một cách đáng trân trọng"- Trà My chia sẻ.

Nữ sinh viên trường ĐH Ngoại thương Đặng Trần Thủy Tiên trong vòng thi sơ khảo "Duyên dáng Ngoại thương" 2019 vào chiều 27-10 - Ảnh: N.T

Cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương còn sẽ kéo dài đến 15-12, còn qua nhiều vòng thi, và dù đây là cuộc thi cấp trường, phải nói là mức độ "gay cấn" cũng không kém bất kỳ cuộc thi nào do Ngoại thương là cái nôi của nhiều hoa hậu và á hậu, trong đó có đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019.

Nhưng Tiên đã rất vui vẻ và nỗ lực để tham gia cuộc thi, như một cuộc dạo chơi đầy sắc màu. "Đầu trọc đi thi thì có sao không? Cũng kute lắm chứ" như Tiên tự trào.

Theo các bác sĩ của Bệnh viện K, Tiên là bệnh nhân K vú trẻ nhất mà các bác sĩ gặp từ trước đến nay. Một chuyên gia điều trị K vú của Bệnh viện K cho hay: chị mới gặp một bạn nữ 20 và 1 bạn 21 tuổi mắc bệnh, nhưng 19 tuổi như Tiên thì đây là lần đầu tiên. Nhưng điều mà các bác sĩ thấy được ở Tiên là khát vọng sống, là nỗ lực từng ngày để sống một cách trọn vẹn ý nghĩa.

Đặng Trần Thuỷ Tiên trong vòng thi sơ khảo "Duyên dáng Ngoại thương" 2019 vào chiều 27-10 - Ảnh: N.T

"Em cũng mong những ai đang phải đương đầu với bệnh hiểm nghèo hãy lạc quan, dù chỉ một ngày được sống cũng sống thật trọn vẹn ý nghĩa". Tiên nói.

Theo tuoitre