|
|
An Kỳ Nhi vừa tốt nghiệp tiến sĩ ngành Kỹ thuật Điện tử tại Đại học Thanh Hoa hồi tháng 6. Ảnh: Sohu |
An Kỳ Nhi (SN 1997) sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Con đường học tập của cô bắt nguồn từ những trải nghiệm thực tế tại Trường Trung học trực thuộc Đại học Bách khoa Tây Bắc. Đây là nơi có môi trường học thuật tốt, đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp nghiên cứu sau này của Kỳ Nhi.
Với thành tích học tập xuất sắc, 8 năm trước, Kỳ Nhi được tuyển thẳng vào Chương trình tài năng trẻ Vật lý của Đại học Thanh Hoa. Ở tuổi 16, cô bắt đầu hành trình mới với tư cách là tân sinh viên khoa Vật lý và Kỹ thuật Điện tử.
'Công thức thành công = Kỷ luật tự giác + xây dựng kế hoạch'
4 năm đại học, tài năng của Kỳ Nhi không thể hiện qua giải thưởng nghiên cứu khoa học hay các cuộc thi như sinh viên Đại học Thanh Hoa thường quan tâm. Nữ sinh chọn 'lặn' vào nhóm nghiên cứu và phòng thí nghiệm liên ngành của các giảng viên trong khoa.
"Khi còn là sinh viên, tôi xin vào nhóm nghiên cứu của thầy cô trong khoa đại diện cho các chuyên ngành như: Truyền thông, đồ họa, trí tuệ nhân tạo hay mạch điện", Kỳ Nhi chia sẻ.
Điều này, không chỉ nâng cao kiến thức và mở rộng tầm nhìn, còn giúp Kỳ Nhi tăng thêm vốn hiểu biết về quá trình nghiên cứu khoa học của người trước. "Sau đó, tôi tính toán đến việc bản thân có phù hợp để theo đuổi con đường nghiên cứu không, nếu có sẽ kiên trì được bao lâu", cô gái nhớ lại.
Nhờ có khả năng tư duy độc lập, trong 4 năm đại học Kỳ Nhi đảm nhận vị trí giám sát viên dự án nghiên cứu của các thầy cô trong khoa. Sau quá trình tư duy và nghiên cứu chuyên sâu, Kỳ Nhi phát hiện lĩnh vực 'nhận thức trực quan' chưa đạt được bước đột phá về công nghệ hoàn chỉnh.
Trong lĩnh vực nhận thức trực quan truyền thống, nó được thực hiện thông qua 1 máy độc lập. Nghĩa là 1 cảm biến thị giác chỉ dùng được trên 1 nền tảng di động. Để giải quyết vấn đề này, Kỳ Nhi và nhóm nghiên cứu hy vọng sự cộng tác giữa các máy thông qua nhiều robot, nền tảng di động, để nhận thức trực quan đạt hiệu quả "1+1>2".
Đây cũng là hướng nghiên cứu chính của Kỳ Nhi trong luận án tiến sĩ. Cô coi 5 năm học tiến sĩ như cuộc chạy marathon, với đích đến là "hiện thực hóa nhận thức trực quan hợp tác đa máy".
Phó giáo sư 24 tuổi chia cuộc đua đường dài thành 3 nhiệm vụ gồm nhận thức, kiểm soát và giao tiếp: "Nghiên cứu của tôi là một cấu trúc hình tam giác, dựa trên nhận thức và khám phá những lợi ích về hiệu suất của việc cộng tác nhiều máy từ góc độ kiểm soát, giao tiếp".
Với lĩnh vực nghiên cứu này, Kỳ Nhi đạt được thành tựu đáng kể. Nữ tiến sĩ xuất bản được 6 bài trên tạp chí SCI và 5 bài báo tại hội nghị EI. Thành tích này, tạo nền tảng vững chắc cho danh tiếng học thuật để Kỳ Nhi trở thành phó giáo sư ở tuổi 24.
|
|
Sau 8 năm được tuyển thẳng vào Đại học Thanh Hoa, An Kỳ Nhi trở thành phó giáo sư ở tuổi 24. Ảnh: Baidu |
Kỳ Nhi thừa nhận bản thân giỏi nhất trong việc lập kế hoạch dài hạn cho mục tiêu chính: "Tôi chỉ có 5 năm để lấy bằng tiến sĩ, nên phải xây dựng kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ vào từng thời điểm. Với mục tiêu nhỏ tôi đặt ra, không phải là số lượng bài báo xuất bản hay dữ liệu thực nghiệm hoàn hảo, mà để thỏa mãn đam mê khám phá khoa học và sự tò mò muốn vượt qua điều chưa biết".
"Ở Đại học Thanh Hoa có nhiều sinh viên xuất sắc. Xét từ khía cạnh nào, tôi cũng không phải là người giỏi nhất. Tôi chỉ là người bình thường", nữ tiến sĩ khiêm tốn khi nói về bản thân. Trong mắt thầy cô, thành tựu Kỳ Nhi đạt được không bình thường.
'Học tiến sĩ là quá trình giúp con người trưởng thành...'
Nói về lý do làm việc bàn giấy nhiều hơn đến phòng thí nghiệm, Kỳ Nhi cho biết: "Vấn đề nhận thức trực quan hợp tác đa máy là lĩnh vực liên ngành, nên lý thuyết cơ bản không nhiều. Do đó, tôi phải đọc từ tài liệu chuyên môn đến blog kỹ thuật thuộc của các ngành để xây dựng khung lý thuyết".
Đối mặt với vấn đề phát sinh từ nghiên cứu thực tế, Kỳ Nhi sẽ học các kiến thức mới hoặc hiểu một chủ đề trong thời gian ngắn. Phó giáo sư 24 tuổi nhớ lại, sau khi nghiên cứu xong bài toán bản địa hóa, chỉ mất 1 tuần để hệ thống lại toàn bộ lý thuyết về lĩnh vực SLAM trực quan.
Khi tiến hành áp dụng lý thuyết trong phòng thí nghiệm, Kỳ Nhi lưu lại các kết quả tính toán và phát hiện lượng kiến thức cần dùng chỉ chiếm 1/3. "Chúng ta thường háo hức tìm kiếm 1/3 thành công ban đầu, 2/3 còn lại không phải là vô nghĩa, nó giúp chúng ta tránh được một số lỗi".
Thời điểm khó khăn nhất đối với Kỳ Nhi là quá trình làm luận án năm 2020 vì nhận được kết quả 'cần nghiên cứu lại' từ giáo sư hướng dẫn. Đúc kết kinh nghiệm bản thân, Kỳ Nhi quan niệm, giai đoạn học tiến sĩ không chỉ là tích lũy kiến thức, còn là sự trưởng thành toàn diện về thể chất và tinh thần con người.
"Đây là thời điểm tôi bước đi một mình trong bóng tối và không rõ phương hướng. Dưới sự giúp đỡ của giáo sư hướng dẫn và mọi người, tôi học được cách đối phó với cảm xúc tiêu cực. Sau khi bình tĩnh tôi lại hoàn thành các lần sửa bài".
Vượt qua khó khăn, Kỳ Nhi bộc bạch: "Chắc chắn sẽ có lúc chúng ta muốn dừng lại, nhưng điều quan trọng nhất mỗi người phải tìm được cho bản thân chỗ dựa niềm tin thật vững chắc. Đừng để chỉ 1 cọng rơm có thể đánh gục được chúng ta".
Phó giáo sư 24 tuổi, trẻ nhất năm 2023
Tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử tại Đại học Thanh Hoa hồi tháng 6, Kỳ Nhi vừa nhận được lời mời bổ nhiệm làm Phó Giáo sư ngành Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ của Đại học Bách khoa Tây Bắc. Cô chia sẻ đang cố gắng thích nghi từng ngày trong hành trình từ tiến sĩ điện tử trở thành phó giáo sư hàng không vũ trụ.
Phó giáo sư trẻ nhất năm 2023, tự tin cho biết, đã sẵn sàng đối mặt với thách thức và khó khăn phía trước. Với khả năng nghiên cứu liên ngành tốt, phó giáo sư 24 tuổi hy vọng sẽ đóng góp được cho nền giáo dục đại học nói riêng và sự phát triển ngành khoa học công nghệ nói chung.
|
|
An Kỳ Nhi được Đại học Bách Khoa Tây Bắc (Thiểm Tây, Trung Quốc) bổ nhiệm làm phó giáo sư ngành Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ ở tuổi 24. Ảnh: Sohu |
"Ngành hàng không vũ trụ ở Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển sang công nghệ mô phỏng. Để bù đắp những thiếu sót và bắt kịp xu hướng công nghệ hiện đại, tôi đánh giá cao nhu cầu ứng dụng cảm biến thông minh vào ngành này. Trong tương lai, tôi sẽ cố gắng đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tế sớm nhất", phó giáo sư 24 tuổi cho hay.
Dũng cảm theo đuổi ước mơ và không ngừng phấn đấu để trưởng thành và hoàn thiện là câu chuyện của Kỳ Nhi. 8 năm trước, cô được tuyển thẳng vào 'Harvard châu Á', ở tuổi 24 trở thành phó giáo sư đại học top 1 Trung Quốc đã truyền cảm hứng và động lực cho thế hệ thanh niên ngày nay.
Theo vietnamnet