Minh Anh sẽ có bốn năm học ở Đại học Pennsylvania, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Minh Anh nhận thư báo trúng tuyển của Đại học Pennsylvania ngày 17/11/2019. Là thành viên của khối Ivy League, Pennsylvania xếp thứ sáu trong danh sách đại học quốc gia tốt nhất nước Mỹ năm 2020, đồng hạng với Đại học Chicago, Đại học Stanford, theo US News & World Report.
"Trước ngày biết kết quả, em thức trắng đêm vì lo lắng, đọc đi đọc lại tin nhắn động viên của bạn bè, thầy cô. Lúc mở thư, thấy pháo hoa hiện lên màn hình em vẫn chưa dám tin", Minh Anh nói. Sau khi nhìn dòng chữ Congratulations (chúc mừng) và kiểm tra kỹ mức hỗ trợ tài chính của trường trong bốn năm, em sung sướng ôm chầm lấy bố mẹ.
Chia sẻ về lý do lựa chọn Pennsylvania, Minh Anh cho biết ấn tượng với cộng đồng sinh viên năng động, cá tính của nhà trường. Đại học Pennsylvania còn có thế mạnh ở ngành Quan hệ quốc tế, lĩnh vực em muốn đào sâu nghiên cứu trong tương lai.
Có ý định du học Mỹ từ lớp 10, Minh Anh nhận thấy các đại học đánh giá ứng viên rất toàn diện, cả học thuật và ngoại khóa. Em đặt mục tiêu giành thành tích học tập, tham gia hoạt động tại trường hoặc tổ chức phi chính phủ. Nữ sinh từng giành huy chương đồng Olympic Toán học châu Á - Thái Bình Dương, huy chương bạc nội dung quyền nữ giải Karatedo Việt - Nhật mở rộng 2017.
Em từng là Chủ tọa hội đồng UNESCO tại Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc quốc tế (International MUN), hiện là đại sứ học vấn trường Hà Nội - Amsterdam. Tham gia kỳ thi chuẩn hóa để nộp hồ sơ du học, em đạt 1560/1600 điểm SAT, 116/120 điểm TOEFL và 800/800 môn Toán và Hóa ở kỳ thi SAT II.
Để đạt những thành tích này, Minh Anh từng cảm thấy mệt mỏi, quá tải vì làm nhiều việc cùng lúc, chỉ dành 3 tiếng mỗi ngày để ngủ. Thời gian dành cho bản thân ít khiến mọi hoạt động em làm đều kém hiệu quả. Sau một thời gian, nữ sinh phải tự điều chỉnh, phân bổ thời gian hợp lý. Em xếp những hoạt động quan trọng vào khung thời gian cố định, loại bỏ việc không cần thiết.
Nhằm giải tỏa căng thẳng, Minh Anh thường vào bếp làm bánh. Là chủ tịch câu lạc bộ làm bánh trường Hà Nội - Amsterdam, em từng cùng bạn bè dạy làm bánh cho trẻ em mồ côi tại chùa Hương Lan (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), làm thêm ở Donkey Bakery, hiệu bánh của người khuyết tật. Thời gian làm việc tại đây giúp Minh Anh tích lũy kinh nghiệm dạy nghề cho những người yếu thế và nảy sinh ý tưởng mở lớp học nấu ăn cho trẻ em nghèo.
Địa điểm thực hiện ý tưởng là thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nơi nhiều gia đình dân tộc chỉ cho con học biết mặt chữ rồi nghỉ ở nhà mưu sinh. Hăm hở triển khai dự án, nhưng cô gái Hà Nội nhiều lần muốn khóc vì không huy động đủ kinh phí. "Em đã nghĩ đến việc từ bỏ vì so với quyên góp làm từ thiện thì xây dựng một dự án bền vững khó hơn rất nhiều", Minh Anh nói.
Tự nhủ "biết đâu trên Sa Pa còn có những em nhỏ yêu thích nấu ăn giống như mình", mùa hè 2019 Minh Anh tiếp tục kêu gọi tài trợ, xây dựng chiến dịch gây quỹ qua mạng xã hội, tổ chức hội chợ đồ cũ kết hợp hội chợ thực phẩm. Qua một tháng hè, em có được 70 triệu đồng.
Có vốn, Minh Anh liên hệ với anh Tạ Văn Thương, giáo viên dạy tiếng Anh miễn phí trên Sa Pa, nhà sáng lập trung tâm giáo dục Sapa Hope Center. Anh Thương đồng ý giúp em dựng lớp học trong Sapa Hope Center, mời đầu bếp nhà hàng ở Lào Cai làm giảng viên và vận động các em nhỏ đến lớp.
Xây xong lớp học, Minh Anh và anh Thương tiếp tục gặp khó khi kêu gọi trẻ đến lớp. Ở Sa Pa nhiều gia đình chỉ mong con lấy chồng rời bản để thoát khỏi nghèo đói, chưa ai suy nghĩ đến việc cho con học nấu ăn. Anh Thương và tình nguyện viên phải đến từng nhà vận động, giải thích chi tiết về dự án lớp học để cha mẹ cho phép con tham gia.
Hiện tại, lớp nấu ăn miễn phí đã hoạt động với 15-20 trẻ, nhận được sự tài trợ từ nhiều nhà hảo tâm. Các em sẽ học nấu ăn bằng bếp Âu (bếp nhà hàng) và bếp củi truyền thống để vừa rèn luyện kỹ năng, vừa lưu giữ bản sắc dân tộc.
Anh Thương đánh giá lớp nấu ăn của Minh Anh rất ý nghĩa đối với trẻ em Sa Pa, bước đầu giúp trẻ xây dựng kỹ năng sống, có thể phát triển nghề nấu ăn để tìm việc làm trong lĩnh vực du lịch nơi đây.
Minh Anh dạy trẻ làm bánh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hoàn thành dự án lớp học nấu ăn, Minh Anh bắt đầu viết bài luận, hoàn thành bài đầu tiên vào tháng 9. Do không thấy ưng ý, trước hạn nộp hồ sơ bốn tuần, em ngẫm lại những dấu ấn của bản thân, quyết định đổi sang đề tài đưa lớp học nấu ăn lên vùng cao Việt Nam và những thay đổi trong nhận thức của em cũng như mọi người xung quanh qua hành trình này.
Sau ba tuần xóa đi viết lại 12 bản nháp, Minh Anh mới hài lòng với những nét phác họa về con người em và dành bảy ngày viết bài luận hoàn chỉnh. "Dự án lớp nấu ăn là tâm huyết lớn nhất trong những năm THPT và cũng là câu chuyện thể hiện rõ nhất bản thân nên em muốn chia sẻ với hội đồng tuyển sinh. Vì là đề tài yêu thích nên em viết tự nhiên, ngôn từ dồi dào", Minh Anh nói.
Một tuần sau khi nộp hồ sơ, Minh Anh nhận được thư mời phỏng vấn trực tuyến với đại diện Đại học Pennsylvania. Nghĩ rằng điều quan trọng nhất khi phỏng vấn là thành thật, Minh Anh không phóng đại điều gì, cũng không cố gắng nghĩ xem nhà tuyển sinh sẽ muốn nghe câu trả lời như thế nào.
Khi được hỏi "Em sẽ làm thế nào để hòa nhập với văn hóa Mỹ ở trường đại học?", Minh Anh thoáng cân nhắc đến những đáp án gây ấn tượng nhưng rồi trả lời: "Em thấy rất tự hào về bản sắc của dân tộc Việt Nam". Nữ sinh tin rằng việc trả lời chân thật và tự tin là chìa khóa giúp em "ghi điểm" trong cuộc phỏng vấn.
Chỉ 8 tháng nữa, Minh Anh sẽ sang Mỹ du học ngành Quan hệ quốc tế. "Thời gian ba năm từ cô học trò lớp 10 bắt đầu tìm hiểu về du học đến khi trúng tuyển Đại học Pennsylvania không phải quá dài, nhưng mỗi khoảnh khắc tiến đến mục tiêu đặt ra đều là những kỷ niệm em không bao giờ quên", Minh Anh nói.
Theo vnexpress