Ngọc Anh (ngoài cùng bên trái) cùng cô giáo hướng dẫn và bạn cùng nhóm mang thiết bị hỗ trợ định vị cho học sinh khiếm thị dự thi cuộc thi KHKT cấp tỉnh - Ảnh: B.C

Khi đó, cô học trò vừa nhận học bổng 100% của ngôi trường tinh hoa sẽ thực sự tìm được điều hạnh phúc của cuộc đời mình: có đủ khả năng hỗ trợ những dự án giúp người yếu thế trong xã hội.

Nước mắt từ những chiếc máy "biết nói"

Phạm Ngọc Anh, nữ sinh lớp 12 Toán 1 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Vũng Tàu) không bao giờ quên chuyến đi thực tế năm 2019 tới Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM). Trái tim của cô học trò run lên khi phát hiện ra, điều tưởng như bình thường nhất là tìm đúng chiếc balô đi học của mình, với những bạn học sinh khiếm thị khó khăn tới mức nào. Trong một không gian hẹp, dù cố nhớ vị trí nhưng rất nhiều bạn vẫn nhầm đồ đạc, vật dụng của nhau.

Quãng đường từ TP.HCM về Vũng Tàu, Ngọc Anh dành trọn thời gian tìm hiểu về thiết bị định vị cho người khiếm thị. Cô gái sinh năm 2003 nhận thấy, một số thiết bị chỉ đơn giản phát ra tiếng "bíp bíp". Nếu tất cả cùng sử dụng 1 thiết bị, đôi tai có thính tới mấy cũng sẽ bị "loạn".

Ngọc Anh cùng cậu bạn học chuyên Tin học cùng trường quyết định phải làm điều gì đó giúp những bạn học sinh hạn chế về thị giác. Cách làm của Ngọc Anh là cá nhân hóa thiết bị định vị, bằng cách thu âm giọng nói của chính chủ nhân thiết bị. Với một bộ điều khiển từ xa, chỉ cần ấn nút, chiếc máy ghi âm sẽ phát ra giọng nói của chính người dùng để định hướng.

Suốt 2-3 tháng sau đó, Ngọc Anh và bạn đi gom từng bộ vi mạch, loa, thẻ nhớ, hệ thống pin,.. để lắp ghép, lập trình thành một chiếc máy định vị. Dự định ban đầu là một chiếc hộp nhỏ bằng bao diêm, hóa ra... lớn bằng 3 bàn tay, phần vì chưa nhiều kinh nghiệm, phần khác vì khoản kinh phí "xin phụ huynh" chỉ chừng ấy. Để cẩn thận, với mỗi nút bấm trên thiết bị, hai bạn còn khắc những kí tự nổi theo đúng chuẩn chữ Braille giúp mọi người tự đọc.

Ngọc Anh vẫn nhớ ngày đầu tiên mang chiếc máy xuống trường Nguyễn Đình Chiểu. Kết quả khiến mọi người cùng vỡ òa khi Ngọc Anh thử "giấu" đi balô của các bạn kèm thiết bị định vị, chiếc balo bỗng dưng biết nói, để từng người tìm chính xác vị trí.

Giây phút hạnh phúc ấy tiếp thêm năng lượng cho hai bạn học sinh. Chiếc máy định vị thế hệ 2, 3, 4 liên tiếp ra đời sau đó với kích thước dần như mong muốn. Hiện tại, 5 chiếc máy "đời mới" đang được thử nghiệm tại ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị.

Sáng chế này sau đó chính thức lọp vào top 15 toàn quốc Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao thưởng năm 2020. Khoản tiền thưởng với Ngọc Anh là sự khích lệ để tiếp tục phát triển dự án nhưng đó không phải tất cả. "Lý do duy nhất em tham dự cuộc thi là lan tỏa sự tích cực", Ngọc Anh tiết lộ điều em muốn nói với mọi người.

Đến VinUni bằng trái tim nhiệt huyết và lòng dũng cảm

Cô gái 18 tuổi cũng nhận ra, ở cuộc sống ngoài kia, có rất nhiều người phải chấp nhận sự sắp đặt thiệt thòi của số phận, giống như các bạn trong ngôi trường đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Ngọc Anh tâm sự, chính từ việc chứng kiến những hoàn cảnh ấy, em đã thực sự tìm thấy niềm hạnh phúc và động lực cho cuộc đời mình: được hỗ trợ những con người yếu thế trong xã hội.

Ngọc Anh đăng kí vào Trường Đại học VinUni, theo ngành Quản trị Kinh doanh, với tất cả sự quyết tâm và mơ ước cháy bỏng ấy của mình. Hành trình từ một nhà "sáng chế" tới "kinh doanh" của Ngọc Anh khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, cô gái nhỏ chỉ cười rằng, để giúp đỡ những con người yếu thế trong xã hội, con đường em chọn là trở thành một doanh nhân thành đạt và dùng hết khả năng của mình hỗ trợ các dự án dành cho đối tượng đặc biệt này.

Tất cả những điều ấy, Ngọc Anh gửi gắm vào hành trình tại VinUni, nơi với em có thể mang ước mơ trở thành sự thực. Cô gái nhỏ từng nghĩ tới việc đi du học nhưng chương trình học theo chuẩn quốc tế tại VinUni với sự đồng hành của các trường thuộc nhóm Ivy League đã thuyết phục Ngọc Anh. 

Theo Ngọc Anh, cách học đặc biệt, kết hợp nghiên cứu, học thuật cùng những vị giáo sư nổi tiếng thế giới và trải nghiệm đi vào doanh nghiệp từ sớm, gặp gỡ những CEO hàng đầu sẽ giúp em tự tin bước ra cuộc sống với cái nhìn bao quát và khả năng giải quyết vấn đề.

Sinh viên thảo luận nhóm tìm giải pháp trong cuộc thi VinUni Hakathon 2021 - Ảnh: B.C

Năng lượng tích cực và suy nghĩ chín chắn, trưởng thành của Ngọc Anh đã gây ấn tượng mạnh với Hội đồng Phỏng vấn. Ở Ngọc Anh, điều khiến cô Amita Verma, Giám đốc Kiểm định và Quản lý nghiên cứu, Trường Đại học VinUni đánh giá cao là sự quyết tâm vượt qua trở ngại và cách cô nữ sinh Việt Nam tự vượt khỏi "vùng an toàn". 

Đó là thứ năng lượng theo cô Amita Verma, sẽ mang tới sự tích cực và "lòng dũng cảm" cho cộng đồng sinh viên tại VinUni. Hội đồng hoàn toàn thống nhất việc trao học bổng 100% cho cô học trò nhỏ.

Liên lạc với Ngọc Anh một ngày đầu tháng 7, Ngọc Anh bảo, em còn 2 tháng để chuẩn bị trước khi nhập học. Đó là quãng thời gian em muốn bắt tay vào nghiên cứu để thiết bị có thể định vị theo GPS cho các bạn khiếm thị. Ngoài ra, em cũng đang ấp ủ một giải pháp giúp kết nối những người, những nơi có thực phẩm tốt nhưng không có nhu cầu sử dụng với những người nghèo, đang ngày ngày phải gom từng miếng ăn thừa để mưu sinh. 

Đó có thể là hành trình dài, nhưng rất đáng chinh phục của cô sinh viên VinUni có trái tim đầy nhiệt huyết.

Theo tuoitre