|
|
Bàn ghế phủ bụi trong một trường học ở Nigeria vì học sinh nghỉ học kéo dài. |
Không muốn gặp nguy hiểm, nhiều gia đình quyết định cho con cái nghỉ học.
Hausa’u Salisu, 14 tuổi, đã bỏ học nhưng không phải vì điểm kém hay gia đình không đủ khả năng tài chính. Giống như nhiều nữ sinh khác, em là đối tượng dễ bị bắt cóc bởi tại làng Bakon Zabo, phía Bắc Nigeria, nơi Salisu sinh sống, tình trạng bắt cóc học sinh chưa bao giờ hết “nóng”. Để con gái không gặp nguy hiểm, cha mẹ Salisu quyết định cho em nghỉ học.
Salisu kể: “Trước khi bọn cướp xuất hiện, cuộc sống của gia đình em vốn bình thường như bao người khác. Nhưng sau đó, họ tấn công các làng lân cận, buộc chúng em phải dời đi nơi khác. Kể từ đó, em cùng nhiều bạn bè không thể đến trường vì sợ bị bắt cóc”.
“Khát khao của em bây giờ là được quay lại trường học. Được học hành là điều rất quan trọng. Em mong muốn chính quyền có thể hỗ trợ chúng em trở lại trường”, nữ sinh Salisu bày tỏ. |
Sống trong bầu không khí căng thẳng này, không chỉ việc học bị cản trở mà Salisu đã phải từ bỏ ước mơ của mình. Nữ sinh bộc bạch: “Các cuộc tấn công của bọn cướp đã khiến em không thể học để trở thành bác sĩ y khoa. Bạn bè em đã di tản đến nhiều thành phố, thị trấn khác nhau. Một số thậm chí đã thiệt mạng trong khi những người khác bị bắt làm con tin”.
Ước tính, hơn 10 triệu trẻ em Nigeria không được đến trường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng ở phía Bắc Nigeria, bắt cóc là nguyên nhân chính khiến học sinh phải từ bỏ con đường học vấn.
Ít nhất, 1.400 học sinh đã bị bắt cóc ở miền Bắc Nigeria trong những năm gần đây. Sự kiện đầu tiên thu hút sự quan tâm của quốc tế là vụ bắt cóc 276 nữ sinh Chibok vào năm 2014. Kể từ đó, mối nguy hiểm không dừng lại.
Chỉ tính riêng tháng 2/2021, bọn cướp đã bắt cóc 200 nữ sinh Nigeria ở bang Zamfara trong một cuộc tấn công. Gần đây nhất, vào cuối tháng 3, 10 nữ sinh khác bị bắt cóc bởi những tay súng chưa rõ danh tính.
Dù nhiều học sinh mạo hiểm tính mạng tiếp tục đi học, các trường cũng không đáp ứng đủ về cơ sở vật chất. Hơn 11.000 trường học ở 7 bang phía Bắc Nigeria đã buộc phải đóng cửa khi các cuộc nổi dậy diễn ra. Khoảng 1.000 trường học bị hư hại hoặc phá hủy.
Nhà đàm phán tiền chuộc bắt cóc Yehusa Getso nhận định bắt cóc không chỉ là cách thức gieo rắc nỗi sợ hãi trong cộng đồng địa phương, mà còn là cách để bọn cướp kiếm tiền. Tại Nigeria, bắt cóc đã trở thành ngành kinh doanh béo bở, thu lại lợi nhuận cao hơn kinh doanh dầu mỏ.
Ông Kabiru Adamu, chuyên gia quản lý rủi ro và an ninh, cảnh báo, miễn là các băng cướp vẫn được trả số tiền như yêu cầu, chúng sẽ tiếp tục bắt cóc con tin.
Vì lẽ đó, ngày càng nhiều phụ huynh Nigeria không muốn con đến trường. Những gia đình quan tâm đầu tư cho giáo dục và muốn con cái tiếp tục học hành sẽ phải mạo hiểm mạng sống của lũ trẻ lẫn gia đình mỗi ngày.
Đối với Salisu, việc trở lại trường học trong giai đoạn này là chưa an toàn nhưng em vẫn hy vọng có thể sớm đi học lại.
Theo giaoducthoidai