Phạm Vũ Thu Nguyệt (2001, Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) là sinh viên năm thứ 3 khoa Khoa học máy tính, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng. Nữ sinh đã giành nhiều giải thưởng như giải Nhất và giải Nhì Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, quán quân cuộc thi lập trình “Best Website Design 2021”, giải Nhì cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp – GBA Business Challenge 2020” và là thành viên chính thức đội tuyển ACM/ICPC – Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam của trường.
Nguyệt chia sẻ, dự định ban đầu của em là lĩnh vực y tế. Nhưng theo đánh giá cá nhân, việc ứng dụng công nghệ vào trị bệnh sẽ là xu hướng tương lai nên Nguyệt quyết tâm chọn chuyên ngành Trí tuệ Nhân tạo, vốn được mặc định là “dành cho con trai”.
Ban đầu, bố mẹ đã định hướng Nguyệt vào các trường kinh tế, ngoại ngữ, sư phạm….vì có thế mạnh tiếng Anh. Tuy vậy, nữ sinh quyết tâm lựa chọn hướng đi của mình.
Tuy đã xác định tư tưởng nhưng Nguyệt vẫn bị “choáng” vì chương trình học. Ngay từ năm thứ nhất, theo Nguyệt, các sinh viên phải ‘oằn mình’ với khối lượng kiến thức và bài tập khổng lồ từ các môn chuyên ngành như Lập trình hướng đối tượng JAVA, Lập trình C++, Cơ sở dữ liệu và Tiếng Anh chuyên ngành. Điều đó khiến Nguyệt lừ đừ mệt mỏi suốt nhiều tháng trời và ốm sốt liên miên vì chưa thể thích ứng được với môi trường học tập cường độ cao.
Thêm vào đó, giai đoạn đầu quá căng thẳng khiến Nguyệt không thể bắt chuyện với ai và không tìm được nhóm làm chung.
“Thành tích học tập không như kỳ vọng khiến em thất vọng” - Nguyệt nói.
Dần dần, Nguyệt bắt đầu học cách thích nghi với cuộc sống đại học. Nữ sinh đã chủ động bắt chuyện, làm quen với các bạn trong lớp. Ngoài ra, cô gái cũng thay đổi cách học tập, cố gắng hoàn thành sớm các mục tiêu trong ngày, chủ động hỏi lại giảng viên và các bạn khi không hiểu, áp dụng các phương pháp ghi chép khác nhau và dành thời gian tập thể dục. Kết quả, Nguyệt đạt GPA 3.92/4.0.
Nguyệt nhớ lại: “Cũng nhờ chương trình học đặc biệt tại trường mà chúng em được đánh giá có kiến thức vững".
Trong quá trình học tập tại trường, em đã cùng đội nghiên cứu khoa học thực hiện dự án “Automatic Pineapple's Ripening Detection using Deep Learning” - nhận diện và theo dõi quá trình phát triển của dứa và vinh dự được đăng trong kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia CITA 2021.
Khi triển khai ý tưởng, Nguyệt cho biết đôi lúc em đã muốn dừng lại. Tại thời điểm đó, Nguyệt đang học năm thứ 2 và chưa được dạy về AI (Trí tuệ nhân tạo) và Deep Learning (Học sâu). Mọi tư liệu tham khảo em phải tự tìm tòi trên Internet, xem các video, khóa học và đọc nghiên cứu. Hơn nữa, một số bài báo phức tạp khiến Nguyệt không thể hiểu vì chưa có kiến thức chuyên ngành.
“Lúc đấy em rất bất lực vì các kiến thức quá mới và quá ngợp”. Thêm vào đó, nữ sinh cũng chật vật tìm đồng đội nghiên cứu vì theo đánh giá chủ quan, lĩnh vực AI còn khá mới trong trường. Nhưng sau quá trình miệt mài nghiên cứu, thành quả đã đến với em.
“Em dự định sẽ mở rộng khả năng của AI để nhận diện các loại nông sản, phục vụ cho việc chăm sóc, bón phân cây trồng đúng thời điểm” - Nguyệt chia sẻ.
Ngoài việc học tập và nghiên cứu, nữ sinh cũng tham gia công tác tình nguyện tại địa phương. Nguyệt tham gia trực chốt kiểm soát trong các chiến dịch phòng chống Covid – 19 tại Đà Nẵng, Đăk Lăk…
Theo đánh giá của Nguyệt, việc ứng dụng công nghệ sẽ mang lại giá trị lớn cho nền y học nước nhà. Trong tương lai, Nguyệt ấp ủ phát triển một hệ sinh thái y tế bao gồm các ứng dụng của AI trong việc phát hiện và phân loại các loại bệnh.
Hệ sinh thái gồm có công nghệ xử lý hình ảnh X-Quang và xét nghiệm máu, nước tiểu… và sau đó được tải lên cơ sở dữ liệu Blockchain (cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin được mã hóa) để mọi người đều có thể truy cập.
“Điều này xuất phát từ ước mơ làm bác sĩ của em và em sẽ sử dụng sức mạnh công nghệ để có thể cứu người”, Nguyệt khẳng định.
Theo vietnamnet