Hai nữ sinh Lý Phương Anh và Trần Lê Linh Chi (Trường THPT chuyên Chu Văn An, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đã thiết kế cuốn sổ tay nhỏ gọn, trang bị kiến thức về nạn buôn bán người, kỹ năng phòng tránh cho các bạn đồng trang lứa.
Sổ tay này vừa được chọn vào chung khảo cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017" do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Giật mình với những con số
Từ năm 2011-2015, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã điều tra, khám phá 54 vụ, bắt 107 đối tượng tội phạm mua bán người; tiếp nhận, hỗ trợ và giải cứu 134 nạn nhân bị bán sang Trung Quốc trở về.
"Các con số trên sẽ không dừng lại nếu chúng ta không có biện pháp thực sự hữu hiệu mà phòng ngừa là quan trọng nhất. Vậy sao không làm cuốn sổ tay nhỏ gọn, đi đến nhiều nơi và tạo hứng thú cho học sinh" - Lý Phương Anh nhớ lại khi hình thành ý tưởng.
Nói là làm. Không chỉ thu thập tư liệu từ sách báo, Phương Anh cùng cộng sự còn nhờ sự giúp đỡ của thầy cô giáo "xin tấm vé thông hành" đến gõ cửa các cơ quan chức năng: từ Sở LĐ-TB&XH, Hội Liên hiệp phụ nữ hay Công an tỉnh Lạng Sơn.
Phương Anh kể: "Ban đầu công an xác định đây là vấn đề nhạy cảm nên không cung cấp thông tin. Nhưng sau đó biết được việc làm của chúng tôi, các cơ quan đồng ý cung cấp số liệu, chiêu trò, mưu mô của tội phạm mua bán người qua biên giới".
Khó khăn và ám ảnh nhất với hai nữ sinh là khi tìm hiểu hoàn cảnh của nạn nhân từng bị lừa bán. Phương Anh nhớ nhất câu chuyện của một thiếu nữ tên J. bị một người chị rủ rê đi lễ hội Đồng Đăng (Lạng Sơn) rồi lừa bán sang biên giới làm gái mại dâm.
Một lần đi khách, J. lấy máy điện thoại của khách gọi điện và thoát ra ngoài. J. bị bắt lại và đánh đập nhiều lần. Rất may cuối cùng J. đã về được Việt Nam.
Trang bị kiến thức, kỹ năng
Cầm cuốn sổ tay nhỏ gọn, ngộ nghĩnh, thu hút học sinh là bạn Gấu - nhân vật trong cuốn sổ tay - do Phương Anh và Linh Chi tự mày mò thiết kế. Trong đó, bạn Gấu run sợ trước chiêu trò, mánh khóe của tội phạm và đưa ra những lời dặn dò, cảnh báo, nhận biết, phòng ngừa loại tội phạm buôn bán người.
Phương Anh cho hay: "Sổ tay gồm hai phần kiến thức và kỹ năng. Với phần kiến thức, chúng tôi đưa ra những số liệu về số lượng người bị bán qua biên giới, về các luật bảo vệ hay chiêu trò của tội phạm để lường trước được việc mình có nguy cơ bị bán.
Với phần kỹ năng, cần trang bị kỹ năng cơ bản khi ra khỏi nhà, kỹ năng chống việc mua bán người với trẻ vị thành niên (sắp bị lừa bán, đã bị lừa bán, tìm kiếm sự hỗ trợ, giải cứu nạn nhân)".
"Tôi nghĩ lứa tuổi học sinh phải tự trang bị kỹ năng cơ bản nhất, ít nhất sẽ phòng tránh được tệ nạn. Đi đâu, làm gì đều phải báo bố mẹ, có giấy tờ tùy thân bên người, điện thoại lúc nào cũng bật.
Đi đâu với người lạ các bạn nên để lại dấu tích cho công an tìm đến, có thể dừng lại ven đường nói chuyện với người bán hàng nếu thực sự có linh cảm mình bị bán" - Phương Anh chia sẻ.
Tất cả những hiểu biết, kỹ năng đều được Phương Anh và Linh Chi thể hiện sống động, thiết kế nhí nhảnh để người đọc không bỏ qua bất kỳ trang kiến thức nào.
Mất 8 tháng trời, nhờ gia đình, thầy cô ủng hộ, cuốn sổ tay giáo dục học sinh về nạn buôn bán người của hai nữ sinh cũng "ra lò". Phương Anh không ngờ ngày đầu tiên cuốn sổ tay được tung ra đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các bạn cùng lớp.
"Tôi in với 4 màu khác nhau. Do tôi thích nhiều màu lắm mà phân vân không biết chọn màu gì cho phù hợp. Các bạn tranh nhau đọc, muốn biết nội dung bên trong như thế nào và tò mò vì sao mình là nạn nhân. Trong các giờ chào cờ đầu tuần, hiệu trưởng trường cũng giới thiệu về nội dung cuốn sổ tay này" - Lý Phương Anh nhớ lại.
Cầm cuốn sổ tay, bạn Nguyễn Trung Pháp (Trường THPT chuyên Chu Văn An) ngạc nhiên với sự sáng tạo, ngộ nghĩnh.
"Đọc được rất nhiều kiến thức, giúp tôi khám phá ra nhiều nội dung mình cần phải biết. Bản thân tôi đã rút ra được một số kỹ năng phòng tránh, hiểu biết về tội phạm buôn bán người" - Pháp nói.
Không muốn dừng lại ở địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Phương Anh và Linh Chi gửi ý tưởng dự thi với mong muốn cuốn sổ tay được hoàn thiện hơn, mở rộng ra cho các bạn trẻ toàn quốc.
Không thờ ơ với các vấn đề xã hội
Cô Hoàng Thị Hoài Thu - giáo viên môn lịch sử Trường THPT Chu Văn An (Lạng Sơn) - tâm đắc với ý tưởng của hai nữ sinh nên quyết định đồng hành, giúp đỡ các bạn hoàn thành sổ tay.
"Các em trăn trở khi thấy nhiều bạn khác không nhận thức được vấn nạn này nên muốn tuyên truyền rộng rãi. Các em hiểu được muốn an toàn phải bắt nguồn từ ý thức của bản thân, trang bị kỹ năng cơ bản để trước hết bản thân không trở thành nạn nhân. Hai em đưa ra hình thức tuyên truyền trẻ trung, có sức lan tỏa lớn. Hai em không thờ ơ với các vấn đề xã hội, ngược lại có ý thức xã hội rất cao" - cô Thu nhận xét.
Theo Tuổi trẻ