|
|
Lâm Thục Khánh hiện đang là du học sinh hệ Thạc sĩ ngành Báo chí Phát thanh Truyền hình trường Đại học Tứ Xuyên. |
Tình yêu Trung Quốc xuất phát từ những bộ phim truyền hình
Từ tình yêu với những bộ phim truyền hình nổi tiếng như Thiên Hạ, Đông Cung, Trần Tình Lệnh và Em là niềm kiêu hãnh của anh, Khánh đã ấp ủ và tiếp nối niềm đam mê khám phá đất nước Trung Hoa với bề dày lịch sử cùng nền văn hóa đặc sắc. Niềm đam mê ấy lớn dần khi cô gái trẻ bắt đầu tập trung học tiếng Trung một cách có mục tiêu và tiếp cận nhiều hơn với các mạng xã hội như Weibo, Douyin hay Tiểu Hồng Thư. Khánh nhận ra Trung Quốc hoàn toàn khác biệt so với suy nghĩ trước đây của mọi người. “Hiện nay, Trung Quốc không chỉ là một quốc gia rộng lớn với kinh tế đang có sự phát triển nhanh chóng, cơ sở hạ tầng đô thị hiện đại mà còn có những ngôi trường đại học danh tiếng có thứ hạng cao không những tại Châu Á mà còn trên thế giới”, Khánh cho biết.
Là sinh viên ngành truyền thông, Khánh đặc biệt ấn tượng với cách thức sáng tạo của các công ty truyền thông Trung Quốc trong việc triển khai các kế hoạch truyền thông quảng cáo, tạo nên nhiều "trend" lan rộng khắp châu Á. Hơn thế, chính sách học bổng đa dạng với nhiều suất học bổng toàn phần và bán phần của chính phủ Trung Quốc đã mở ra cơ hội học tập cho du học sinh tại gần 300 trường đại học chất lượng đào tạo hàng đầu tại quốc gia này. Nhờ những yếu tố đó, Khánh quyết định chọn Trung Quốc là điểm đến để học tập, trải nghiệm và phát triển bản thân.
|
|
Lâm Thục Khánh đang check - in tại cổng đông, trường Đại học Tứ Xuyên cơ sở Giang An. |
Động lực và tình yêu mãnh liệt với đất nước 5000 năm tuổi đã thôi thúc nữ sinh tìm hiểu và “bén duyên” với học bổng Chính phủ Trung Quốc (CSC). Khánh chia sẻ, Học bổng Chính phủ Trung Quốc mà mình nhận được là loại học bổng danh giá nhất mà Bộ Giáo dục Trung Quốc hỗ trợ cho sinh viên quốc tế. Hơn nữa, Đại học Tứ Xuyên còn là trường Đại học hàng đầu Trung Quốc, nằm trong top 150 thế giới (theo bảng xếp hạng Times Higher Education) năm 2024. Do vậy, tỉ lệ cạnh tranh đối với học bổng này là rất cao.
Hành trình “vươn khơi” ra biển lớn
Chia sẻ về hành trình apply học bổng, Thục Khánh cho biết bản thân đã bắt đầu chuẩn bị hồ sơ cho học bổng 3 tháng trước hạn. Cô nàng dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng yêu cầu tuyển sinh của từng trường và ngành học, đồng thời chủ động liên hệ với các GS, PGS tại đại học Trung Quốc để xin thư chấp nhận.
|
|
Thục Khánh đã chuẩn bị rất kỹ cho hành trình “vươn khơi” của mình. |
Bên cạnh đó, Khánh áp dụng “chiến thuật” apply đồng thời 1 lúc nhiều trường đại học và nhiều loại học bổng khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển. Vì apply nhiều trường, nữ sinh rút kinh nghiệm từ mỗi vòng phỏng vấn để hoàn thiện bản thân. Cô nàng liên tục điều chỉnh và thiết kế hồ sơ sao cho phù hợp với đặc trưng của mỗi trường.
Thông thường, thông báo về phỏng vấn học bổng sẽ được gửi đến thí sinh trước 3 ngày. Thời gian phỏng vấn dao động từ 5 đến 25 phút. Thí sinh sẽ có 2 phút để giới thiệu bản thân và 3 phút để trả lời nhanh 2 câu hỏi từ các thầy cô trong Viện. Khánh chia sẻ rằng mình đã trải qua cuộc phỏng vấn với 5 thầy cô trong 20 phút. Cô nàng được hỏi 8 câu hỏi liên quan đến kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, phương hướng nghiên cứu tương lai và kế hoạch sau khi tốt nghiệp.
Để giành được học bổng toàn phần đối với chuyên ngành đang theo học tại trường Đại học Tứ Xuyên, Thục Khánh phải trải qua 2 vòng xét hồ sơ của trường và đợi chờ vòng xét duyệt học bổng cuối cùng của đơn vị cấp học bổng trong 3 tháng.
|
|
Nhờ quyết tâm, sự nỗ lực và một chút may mắn, cô nàng đã chinh phục thành công học bổng Chính phủ Trung Quốc. |
Với quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng Kế hoạch học tập và kế hoạch nghiên cứu, chọn trường đại học phù hợp và một chút may mắn, Thục Khánh đã thuyết phục ban giám khảo và nhận được tấm vé vàng sang Trung Quốc du học thạc sĩ.
Để lọt vào "mắt xanh" của ban xét duyệt học bổng, Thục Khánh đã chủ động tìm hiểu về học bổng du học Trung Quốc từ 2 năm trước thời điểm đăng ký apply, nghiên cứu kỹ lưỡng về yêu cầu cùng các giai đoạn xét tuyển. Đồng thời, nữ sinh 2K còn dành thời gian trau dồi vốn ngoại ngữ, thi và đạt chứng chỉ HSK 5 từ sớm và nâng cao GPA để làm “dày” hồ sơ.
Bên cạnh những tài liệu cơ bản theo yêu cầu của trường bao gồm chứng chỉ ngoại ngữ, thành tích học tập, kế hoạch học tập, kế hoạch nghiên cứu và 2 thư giới thiệu của Phó Giáo sư, Khánh còn gửi thêm các sản phẩm thực tế liên quan đến chuyên ngành, chứng nhận tham gia các khóa học kỹ năng, giải thưởng và hoạt động ngoại khóa, CV,... Đối với các sản phẩm thực tế liên quan đến chuyên ngành, Khánh đều tự dịch sang tiếng Trung để đảm bảo tính chính xác và truyền tải được đầy đủ nội dung nhất.
"Mình nghĩ đây chính là yếu tố thể hiện tính cá nhân và khác biệt so với các ứng viên khác. Thành tích học tập và khả năng tiếng Trung của mình tại thời điểm đó không quá xuất sắc, nhưng sự chuẩn bị kỹ càng và đặt tâm huyết vào từng giai đoạn đã giúp mình đạt được thành quả", Khánh bày tỏ.
|
|
Thục Khánh dạo quanh hồ Minh Viễn, Đại học Tứ Xuyên. |
Học bổng hệ toàn phần hệ thạc sĩ mà Khánh nhận được từ Chính phủ Trung Quốc bao gồm được chi trả toàn bộ học phí trong 3 năm học, miễn phí ký túc xá, bảo hiểm và mỗi tháng được trợ cấp chi phí sinh hoạt 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10,5 triệu đồng) . Tổng giá trị học bổng lên tới gần 1 tỷ đồng.
Trong quãng thời gian đầu đặt chân đến Trung Quốc, Thục Khánh vẫn nhớ như in những cảm xúc bỡ ngỡ xen lẫn háo hức. Khác với nhiều sinh viên quốc tế, Khánh không hề cảm thấy xa lạ hay lạc lõng bởi bên cạnh cô luôn có sự đồng hành của các anh chị du học sinh Việt Nam: “Mình bắt đầu theo chân các anh chị khám phá với những khu vực trong trường học và các địa điểm du lịch của thành phố mới, làm quen nhiều sinh viên quốc tế và cùng học tập thảo luận bài tập về nhà cùng các bạn sinh viên người Trung”.
Nhờ tìm hiểu kỹ thông tin về thành phố và trường học trước khi đi du học, Khánh cảm thấy việc hòa nhập với cuộc sống mới không quá khó khăn. Tuy nhiên, cô nàng gốc Hưng Yên cũng gặp một số trục trặc trong vấn đề giao tiếp, khi chưa hiểu được ngôn ngữ địa phương của người dân Trung Quốc: “Mình học tiếng phổ thông nên không thể hiểu được mọi người đang nói gì và đã ngỡ ngàng trong vài giây, tuy nhiên trong môi trường đại học và giới trẻ Trung Quốc đều sử dụng tiếng phổ thông nên điều này không quá ảnh hưởng đến quá trình học tập tại trường”, Khánh hóm hỉnh chia sẻ.
Theo Khánh, điểm khác biệt nhất ở các trường đại học tại Trung Quốc so với đại học tại Việt Nam là môi trường học tập tự giác, tự chủ và áp lực hơn. Sinh viên Trung Quốc không bị ràng buộc bởi việc điểm danh, thay vào đó, họ tự chịu trách nhiệm cho việc học tập và hoàn thành các bài tập, môn học.
|
|
Học viện Văn học và Báo chí thuộc Đại học Tứ Xuyên, nơi Thục Khánh đang theo đuổi ngành Báo chí Phát thanh Truyền hình. |
Tại Đại học Tứ Xuyên nơi Khánh đang theo học, sinh viên sẽ được trải nghiệm tất cả các môn học trong 2 tuần đầu tiên của mỗi học kỳ. Sau đó, từ tuần thứ 3, sinh viên được tự do lựa chọn những môn học phù hợp với sở thích và định hướng nghiên cứu của bản thân. Đồng thời, sinh viên có thể đăng ký học thêm các môn học thuộc chuyên ngành khác, miễn là đáp ứng yêu cầu về số lượng môn học bắt buộc và điều kiện tốt nghiệp.
Hình ảnh sinh viên Trung Quốc miệt mài học tập, xếp hàng dài từ sáng sớm để vào thư viện hay thức trắng đêm ôn thi không còn xa lạ trên các trang mạng xã hội. Các trường Đại học tại Trung Quốc với số lượng sinh viên lên đến 30-50 nghìn người, do đó, thư viện luôn trong tình trạng "chật cứng". Nhiều thư viện mở cửa 24/24, tạo điều kiện cho sinh viên học tập bất kể ngày đêm. Không chỉ vậy, ngay từ năm thứ 2 đại học, nhiều sinh viên đã bắt đầu ôn luyện cho kỳ thi Nghiên cứu sinh. Vì vậy lúc mới đặt chân tới Trung Quốc, Khánh không khỏi bất ngờ về khối lượng học tập “khủng khiếp” của sinh viên nơi đây.
|
|
Khuôn viên “đẹp như mơ” tại Đại học Tứ Xuyên. |
Gửi gắm lời nhắn nhủ đến các bạn sinh viên cùng chung ước mơ du học Trung Quốc, Thục Khánh chia sẻ rằng sự chủ động và tinh thần dám thử thách chính là chìa khóa giúp cô nàng chinh phục thành công học bổng Chính phủ Trung Quốc: “Từ quá trình tìm hiểu các thông tin về các trường đại học, ngành học, thủ tục apply nhiều loại học bổng đều do mình chủ động tìm hiểu, lập kế hoạch theo từng giai đoạn và chủ động liên hệ với trường đại học, các thầy cô và các anh chị đi trước. Ban đầu mình băn khoăn vì đặt mục tiêu là các trường đại học 985 (Các trường thuộc dự án đại học đẳng cấp thế giới của Trung Quốc) nhưng mình vẫn quyết định apply, chấp nhận thử thách vì mình biết rằng luôn phải đặt ra mục tiêu cao hơn nữa để phát triển bản thân”, cô nàng bày tỏ.
Trong tương lai, sau khi hoàn thành Chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Truyền thông tại trường Đại học Tứ Xuyên cô gái Việt hy vọng sẽ tìm được một công việc tại đây phù hợp với năng lực bản thân để được trải nghiệm cuộc sống và hiện thực ước mơ tuổi trẻ.
Theo svvn.tienphong