Trần Thụy Đan Khanh, nữ sinh tốt nghiệp xuất sắc nhất ĐH Mỹ - NVCC
Trần Thụy Đan Khanh, 22 tuổi, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM vừa được các giáo sư Trường ĐH Franklin & Marshall College, một trong những trường ĐH hàng đầu nước Mỹ, ngợi khen luận văn tốt nghiệp của cô. Đây cũng chính là điểm nhấn mang tính quyết định để Đan Khanh đạt danh hiệu xuất sắc nhất (Summa Cum Laude - danh dự tột đỉnh).
"Tôi muốn hiểu nền kinh tế đất nước mà mình lớn lên"
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, Đan Khanh cho hay cô chọn đề tài tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam bởi là sinh viên ngành kinh tế học, chuyên mảng kinh tế vĩ mô, cô quan tâm về tình hình nền kinh tế của một quốc gia cũng như quan hệ quốc tế của quốc gia đó với những quốc gia khác. “Tôi chọn Việt Nam là quốc gia cho đề tài nghiên cứu vì muốn tìm hiểu thêm về nền kinh tế của đất nước mà tôi đã lớn lên”, Đan Khanh chia sẻ.
Đan Khanh tại ĐH Franklin & Marshall - ẢNH KHANH TRAN
“Mùa hè năm 2019, tôi chọn đề tài nghiên cứu, khoảng thời gian đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ở đỉnh điểm. Sự leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt qua biên giới hai nước, ảnh hưởng mạnh mẽ nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhiều bài báo trong nước và quốc tế đều nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng theo quan điểm của tôi, căng thẳng thương mại này có tác động tích cực và cả tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam”, nữ sinh Việt nêu quan điểm.
Theo Đan Khanh, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nguồn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc trong năm 2019. Vì đồ nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ bị đánh thuế cao, nên công ty Trung Quốc, công ty nước ngoài đang có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, và công ty đang có ý định đầu tư vào Trung Quốc, đã quyết định đầu tư những quốc gia không bị Mỹ đánh thuế, điển hình là Việt Nam. Việt Nam được nhiều nhà đầu tư chọn làm chuỗi cung ứng thay thế vì Việt Nam không những gần Trung Quốc mà cũng như có bờ biển dài, rất thích hợp cho các hoạt động xuất khẩu.
Nữ sinh Việt nhỏ bé đã được các giáo sư tại Mỹ đánh giá rất cao - ẢNH KHANH TRAN
“Cuộc chiến thương mại trên cũng giúp chuyển hướng đầu tư. Trong năm 2019, số liệu thống kê cho thấy hàng xuất khẩu từ Việt Nam đến Mỹ đã nhiều hơn so với những năm trước đó”, Đan Khanh phân tích.
Trong luận văn này, nữ sinh 22 tuổi cũng chỉ ra một số tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam mà cô nghiên cứu được như hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ có thể bị đánh thuế trong tương lai gần (giống như Mỹ đang đánh thuế Trung Quốc hiện tại); giám sát về thực hành tiền tệ ở Việt Nam sẽ tăng lên; các vấn đề như trung chuyển hàng hóa sẽ bị hải quan Mỹ theo dõi cẩn thận…
Những lời khen ngợi cho nữ sinh Việt
Không đơn giản để Đan Khanh chinh phục được hội đồng giám khảo Trường Franklin & Marshall College với luận văn trên. Cô cho hay các giáo sư trong ban Kinh tế học ở trường đã giúp cô rất nhiều trong quá trình nghiên cứu.
Trong 1 tháng ở Việt Nam (từ 15.12.2019 tới giữa tháng 1.2020), Đan Khanh tham khảo ý kiến từ các chuyên gia kinh tế học ở Việt Nam như tiến sĩ Phạm Sỹ Thành ở Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tại Hà Nội, tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ và thầy Nguyễn Thành Trung ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
Hội đồng giám khảo đã đánh giá cao về những phân tích và lập luận trong luận văn của Đan Khanh. Họ đồng ý rằng cô đã hoàn thành xuất sắc trong việc chứng minh giả thuyết cô đã đặt ra ban đầu, và những luận điểm đưa ra đều thuyết phục họ.
Hình ảnh đời thường dễ thương của nữ sinh Việt - ẢNH KHANH TRAN
Tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc nhất (Honors), Đan Khanh nói bí quyết học tập trong suốt 4 năm của mình là bắt đầu làm bài tập về nhà, điển hình như tiểu luận hay dự án nhóm, càng sớm càng tốt.
Ví dụ là bài luận văn tốt nghiệp, hạn chót nộp bài là đầu tháng 5.2020, nhưng cô đã bắt đầu làm nghiên cứu vào đầu tháng 9.2019. “Bùng phát dịch Covid-19 tại Mỹ đã làm tôi rất lo lắng vào 2 tuần cuối tháng 3. Lúc đó tôi đã quyết định cho bản thân tạm nghỉ ngơi, sau đó lại tập trung làm. Lễ bảo vệ luận án tốt nghiệp của tôi mới đây cũng được thực hiện hình thức trực tuyến”, nữ sinh nói.
Ước vọng trở về Việt Nam
Trần Thụy Đan Khanh là cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM. Cô chia sẻ, trải nghiệm sau nghiên cứu, viết luận đề tài chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giúp cô nhận ra rằng nghiên cứu kinh tế là đam mê và sẽ theo đuổi. Ước mơ của cô là được học tiến sĩ tại ĐH Harvard.
Đan Khanh luôn có kế hoạch sau khi học xong sẽ về Việt Nam làm việc - ẢNH KHANH TRAN
“Khi quyết định học ĐH tại Mỹ, tôi tự nhủ bản thân rằng sẽ mang những kiến thức mình đã học về áp dụng tại quê hương. Ước vọng được trở về Việt Nam làm việc phát triển mạnh mẽ ở mùa hè năm 2019, sau kỳ thực tập tại Công ty Sơn PPG Việt Nam. Tôi được trải nghiệm chương trình "Sắc màu cộng đồng" cùng các anh chị, cùng sơn mới toàn bộ ngôi Trường tiểu học Thới Lai, xã Thới Lai, H.Bình Đại, Bến Tre. Chuyến đi giúp tôi nhận ra rằng xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu mọi người cùng nhau chung sức xây dựng, và tôi muốn góp sức mình trong đó”, nữ sinh tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc bộc bạch.
Theo thanhnien