Lan tỏa văn hóa đọc đến các điểm trường
Vốn sinh ra nơi vùng quê nghèo ở Nghệ An, ít có cơ hội và điều kiện để tiếp xúc với sách nên ngay từ nhỏ, ước mơ của Sao Mai là khi lớn lên sẽ làm một điều gì đó liên quan đến sách. Cô luôn trăn trở khi nhìn những ánh mắt trẻ thơ ở quê nghèo với niềm khát khao được đọc sách. Nỗ lực bằng cả trái tim và sức lực của Sao Mai, đến nay, mô hình thư viện đã có mặt tại 45 tỉnh/thành trên cả nước, trong đó tại Thủ đô Hà Nội đã có tới 7 cơ sở được khai trương.
Sao Mai cho biết, "Hành trình Khuyến Đọc" là một trong những dự án trực thuộc tổ chức Điểm Đọc Việt Nam (cũng là dự án do Mai sáng lập vào năm 2018). Đây là chuỗi hành trình mà các thành viên của nhóm đặt chân đến các điểm trường, trại giam, bệnh viện, doanh nghiệp, thôn bản... trên khắp mọi miền Tổ quốc, để cùng nhau lan tỏa văn hóa đọc thông qua các hoạt động ý nghĩa như tặng sách, xây dựng tủ sách lớp học. Song song đó, hành trình đã tổ chức các chuỗi chương trình đào tạo, tập huấn các hoạt động khuyến đọc cho nhiều người tại các đơn vị đó, để nhân bản và "gieo hạt" thêm những người yêu sách, cùng chung tay lan tỏa tinh thần đọc sách tới mọi miền.
"Hành trình Khuyến Đọc" được sự đồng hành xuyên suốt của Tổ hợp giáo dục Xoxo Education (đây cũng chính là công ty do Sao Mai sáng lập và điều hành). Dự án tính đến nay đã hoạt động được hơn 2 năm và tạo ra được nhiều điều ý nghĩa cho bản thân Mai và những cộng sự của mình", Sao Mai cho biết.
Cô chia sẻ, mục đích chính khi làm "Hành trình Khuyến Đọc" là quy tụ những người cùng ý tưởng chung tay xây dựng và mở rộng, phát triển văn hóa, kiến tạo những cộng đồng yêu sách ở khắp Việt Nam, trở một cộng đồng lớn mạnh, đoàn kết và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ với slogan: "Ở đâu có sách, ở đó có tri thức! Ở đâu có tri thức, ở đó có thịnh vượng!".
Tuy nhiên, việc kết nối với trường cũng có nhiều cách thức khác nhau. Nhóm phải nghiên cứu, khảo sát từ các chuyến đi rồi liên hệ giới thiệu dự án tới các trường. May mắn của nhóm là được rất nhiều trường ủng hộ nhiệt tình, tuy nhiên, dự án cộng đồng nào cũng có một số khó khăn trong việc triển khai như việc địa bàn đi lại khó khăn, khó thuyết phục được người bản địa…
"Khó khăn thì rất nhiều nhưng chúng tôi vẫn kiên trì với mục tiêu lan tỏa văn hóa đọc đến càng nhiều điểm trường càng tốt", nữ thủ lĩnh chia sẻ.
Sao Mai cũng cho biết thêm, dự án không nhận tài trợ về mặt tài chính mà nhận sự chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng thông qua việc quyên góp sách, hiện vật hỗ trợ cho công tác khuyến đọc. Bên cạnh đó, cô còn trích một phần doanh thu từ doanh nghiệp riêng của mình để đồng hành cùng chương trình.
Chưa sử dụng hết khả năng của công cụ đọc
Theo Sao Mai, ở mức độ cá nhân, tổ chức hay các điểm trường thì văn hóa đọc hiện giờ vẫn chưa được đề cao. Tỷ lệ đọc sách của người Việt Nam so với Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung vẫn còn thấp. Các đối tượng đọc sách chỉ tập trung vào học sinh, sinh viên, những nhà nghiên cứu hoặc làm việc trong lĩnh vực sách, nhóm người ở thành thị và các khu vực phát triển, còn những người ở miền núi, nông thôn, điều kiện khó khăn vẫn chưa thể tiếp cận nhiều với văn hóa đọc.
"Văn hóa đọc có các yếu tố chính: Thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc. Các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau, cùng bổ sung, bồi đắp cho nhau. Tuy nhiên, để rèn luyện các kỹ năng này hiện nay đang là một bài toán khó", Sao Mai trăn trở.
Theo quan điểm của Sao Mai, hiện nay chưa có nhiều điểm đọc miễn phí, chưa nhiều cá nhân, tổ chức đứng ra để dẫn dắt, kêu gọi mọi người về khuyến đọc. Không tạo dựng được môi trường đọc sách từ cá nhân, gia đình, xã hội thì chưa thể phủ rộng văn hóa đọc. Cùng với đó, cộng đồng còn chưa nhận thức đúng đắn về việc đọc sách.
Mong muốn giúp cho văn hóa đọc ngày càng phát triển tốt hơn, Sao Mai cho biết kế hoạch trong 5 năm tới, "Hành trình Khuyến Đọc" sẽ đẩy mạnh, mở rộng quy mô điểm đọc miễn phí 63 tỉnh/thành. Các điểm đọc miễn phí sẽ là cầu nối cho một sức mạnh lan tỏa về văn hóa đọc với các hoạt động sự kiện thực tế.
"Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các thiết bị điện tử hỗ trợ cho việc đọc sách trong bối cảnh phát triển về kinh tế và công nghệ thông tin như hiện nay. Vậy nên không thể nói rằng chúng ta không có cơ sở, công cụ hỗ trợ mà chúng ta chưa sử dụng nó một cách triệt để. Hơn nữa, nhận thức nên được hình thành từ nhỏ, để có thể hình thành một thế hệ phát triển văn hoá đọc thì phải có nhận thức từ tất cả các thế hệ cũng như tạo dựng các môi trường hỗ trợ cho văn hoá đọc".
Sao Mai
|
An Khê