Đúng như cái tựa, độc giả sẽ được ngắm một bức phác họa đầy đủ bốn mùa
Xuân - Hạ - Thu - Đông của Nhật Bản, qua cuốn sách Bốn mùa trên xứ Phù Tang. Nguyễn Chí Linh là một cái tên xa lạ với thị trường sách Việt, vì đây là tác phẩm đầu tay của anh. Nhưng thật ra, tên anh đã rất quen thuộc với hàng trăm bài viết về du ký, du lịch đăng trên các báo và tạp chí lớn.
Tuy nhiên, để giới thiệu về mình, anh chỉ ghi vỏn vẹn trên tay gấp cuốn sách "Tôi là một kẻ ngoại đạo trong thế giới viết lách. Chỉ viết những gì mình từng biết và hiểu trong ánh mắt của gã nhà quê."
Cũng có thể Nguyễn Chí Linh đã nói đúng về bản thân, rằng anh là "kẻ ngoại đạo" và nhìn mọi thứ trên đường đi bằng "ánh mắt của gã nhà quê". Nhưng chính vì lẽ đó, tất cả mới thật thà, hồn hậu làm sao!
Những thông tin thú vị và được giải thích cặn kẽ thế này sẽ xuất hiện dày đặc trong cuốn sách: "Không chỉ được gọi là đất nước Mặt trời mọc, Nhật Bản còn được gọi là xứ sở Phù Tang. Nước Nhật ngày nay trồng rất nhiều cây Phù Tang và loại dâu rừng ấy vẫn còn ý nghĩa thật sự với người Nhật khi họ dùng nó để rửa tội, quét tà khí, bệnh tật hay nghiệp chướng cho đứa trẻ mới chào đời như cách những vị thầy lang chữa bệnh trong thời cổ đại"
Anh đã kể chi tiết, ngọn ngành cho độc giả biết tất cả hành trình, cảm xúc, kiến thức, tâm sự… mà anh đã trải qua trong những lần tới thăm và thưởng thức văn hóa của đất nước Mặt trời mọc, những đặc trưng mà phải yêu dấu lắm mới nhận ra được từ bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông xinh đẹp ở nơi đây.
Kể từ những trang đầu tiên, lý do anh đến được Nhật Bản từ cách đây 10 năm, khi họ còn chưa mở cửa đón khách du lịch dễ dàng như bây giờ, thì độc giả đã dễ dàng đoán ra, anh là người mê đi và… tò mò đến cỡ nào.
Tất cả chi tiết đều được ghi chép tỉ mỉ như một cuốn nhật ký hành trình. Ngoài những cảm xúc và góc nhìn cá nhân thì cuốn sách được viết như kiểu trang wikipedia (trang web bách khoa toàn thư mở) riêng về văn hóa nước Nhật.
Lịch sử, truyền thuyết, sự tích, thuật ngữ riêng, cách thức… có thể nói mọi thứ liên quan tới nơi tác giả đặt chân đến, anh đều tìm hiểu và ghi chú cẩn trọng. Thậm chí còn tìm hỏi người bản xứ để có được câu trả lời chính xác nhất.
Vì vậy đây sẽ là cuốn sách rất hữu ích cho những ai đang muốn tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản. Nhưng tất nhiên, tinh thần du ký vẫn là điều nổi trội của Bốn mùa trên xứ Phù Tang.
Tác giả Nguyễn Chí Linh sẽ đưa người đọc đến chiêm ngưỡng, thưởng thức những tinh hoa của bốn mùa nước Nhật.
Say đắm biết bao khi mùa Xuân cùng nhau ngồi ngắm hoa đào trắng muốt, mịn màng rơi nhẹ vào ly rượu Sake, mùa Hạ đi xem đom đóm thắp đèn, mùa Thu nhặt lá phong đỏ về nhúng bột làm món Tempura còn mùa Đông ngồi xì xụp tô mì Ramen nóng hổi ở quán mì có tuổi đời lớn hơn cả tuổi mình trong tiết trời buốt giá.
"Thuận tự nhiên" là tinh thần đặc trưng của người Nhật, bởi thế họ sẽ luôn tìm ra những điểm tuyệt vời nhất của mùa, và sống trọn vẹn trong đó. Ví dụ chỉ riêng người Hokkaido, việc thưởng thức ẩm thực từ dòng biển lạnh Alaska cũng thấm đẫm tinh thần ấy.
"Mùa Xuân thưởng thức cua lông nướng than hoa ngọt săn chắc thịt, mùa Hè dùng mực nang múp míp, mùa Thu tận hưởng vị ngọt ngào của thịt cá hồi và trứng béo ngậy còn mùa Đông nhất định phải xơi tái những chú hàu căng đầy trong vỏ."
Nguyễn Chí Linh chia sẻ, những người bạn lữ hành biết anh đã nhiều lần đến Nhật và rong ruổi đủ bốn mùa nơi đây, nên muốn anh kể về những điều mắt thấy tai nghe trong những lần ấy.
Đó cũng là lý do anh viết Bốn mùa trên xứ Phù Tang. Và những người bạn lữ hành của anh, hẳn sẽ thỏa mãn lắm, bởi những điều họ mong muốn, thì anh đã thực thà kể hết ngọn ngành trong những trang sách này rồi.
Theo Tuổi trẻ