leftcenterrightdel
 Nila (10 tuổi) và Arion (8 tuổi), tự chơi trong một công viên ở Stavanger. Ảnh: Marie von Krogh/The Guardian
Khoảng 13h30, Nila (10 tuổi) và em trai Arion (8 tuổi), tự đi bộ về nhà sau khi tan học. Hai em tiếp tục tự nấu ăn rồi làm bài tập về nhà, tập đàn piano và làm một vài việc lặt vặt khác trong lúc chờ bố mẹ tan làm.

Hai bạn nhỏ đã sống như những "người lớn thu nhỏ", không có sự giám sát trong nhiều năm. Quy tắc duy nhất được bố mẹ đặt ra, là hai chị em không được sử dụng bất kỳ thiết bị điện tử nào trước khi hoàn thành mọi nhiệm vụ trong ngày.

Cũng giống như những bạn nhỏ khác ở Stavanger, thuộc bờ biển phía tây nam của Na Uy, cả Nila và Arion tự đi bộ đi học ngay từ ngày đầu tiên đến trường của tuổi lên 6. Các em cũng được người lớn tin tưởng giao riêng cho bộ chìa khóa nhà để chủ động ra vào.  

Đây là cách người Na Uy nuôi dạy con - hoàn toàn tự do, chú trọng vào tính tự lập, tự quyết định và trách nhiệm, gắn liền với không gian ngoài trời và các hoạt động lành mạnh. “Tôi nghĩ rằng mọi người đều đang nuôi dạy con cái như vậy”, Giancarlo Napoli, bố của Nila và Arion, cho biết.
leftcenterrightdel
 Gia đình Napoli tại nhà riêng ở Stavanger, Na Uy. Ảnh: Marie von Krogh/The Guardian

Anh nhớ lại câu chuyện về gia đình một bạn trong lớp của Nila từng chuyển nhà đến một thị trấn khác cách đây vài năm. Thay vì chuyển trường, đứa trẻ đó vẫn ngày ngày đi bộ 20 phút từ nhà đến ga tàu, đi tàu 20 phút, sau đó đi bộ thêm 20 phút nữa từ ga đến trường.

“Em ấy cứ đi như vậy hai lần một ngày, nhưng không ai trên đường ngạc nhiên cả. Vì trước đó, từng có một em bé khác ở Na Uy, dù chỉ mới 7 tuổi nhưng đã tự di chuyển bằng nhiều phương tiện từ đầu này tới đầu kia của đất nước, vì bố mẹ em ly hôn nên phải xa nhau”, anh Giancarlo chia sẻ.

Giancarlo là người Anh, nhưng đã chuyển đến sống ở Stavanger, quê hương của vợ, từ năm 2006. Anh hiện giảng dạy tại một trường đại học và là thành viên câu lạc bộ nuôi dạy con cái tự do.

Ông bố hai con cho hay, sự khác biệt văn hóa khiến anh mất một thời gian mới thích nghi được với cách nuôi dạy con cái kiểu "thả rông" của người Scandinavia.

Phải thừa nhận rằng, để làm được những điều như vậy thì môi trường và điều kiện sống rất quan trọng.

Na Uy luôn giữ thứ hạng cao trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới hàng năm. Nước này có GDP cao thứ 10 thế giới, cùng với quỹ đầu tư lớn nhất thế giới cho thế hệ trẻ, cũng như là một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới.
leftcenterrightdel
Tỷ lệ tội phạm thấp và khoảng cách gần giữa nhà và trường học giúp trẻ em có thể tự đi học từ nhỏ. Ảnh: Marie von Krogh/The Guardian 

Nhưng nếu quay ngược về quá khứ, thì ngay cả khi đất nước chưa phát triển, người Na Uy vẫn luôn kiên định với cách dạy con đầy tự do và phóng khoáng như vậy.

Có bằng chứng cho thấy trẻ em Viking từ thế kỷ thứ IX đã được các gia đình nuôi dạy theo cách tương đối giống nhau: Được đối xử như người lớn hay được kỳ vọng sẽ chung tay vào bất kỳ công việc nào người lớn làm. Đó là một cách sống, ăn sâu vào tiềm thức của hầu hết người Na Uy.

Willy-Tore Mørch, giáo sư danh dự về sức khỏe tâm thần trẻ em tại Đại học Tromsø, cho biết: "Việc xây dựng lòng tin giữa cha mẹ và con cái được cho là yếu tố cơ bản nhất trong cách nuôi dạy trẻ em hiện đại của người Na Uy”. 
leftcenterrightdel
Willy-Tore Mørch, giáo sư danh dự về sức khỏe tâm thần trẻ em tại Đại học Tromsø. Ảnh: David Jensen 

Theo Mette Tveit - nhà sử học đang làm việc tại bảo tàng Stavanger, một lý do khác khiến người Na Uy lựa chọn nuôi dạy con cái theo kiểu này, là vì hầu hết phụ nữ ở đây đều đi làm.

Na Uy là một trong những quốc gia có lực lượng lao động bình đẳng giới nhất thế giới, với khoảng 73% nam giới trong độ tuổi lao động có việc làm và khoảng 67% phụ nữ.

Dịch vụ chăm sóc trẻ em cũng rất đa dạng và có chi phí phải chăng, nên lợi ích kinh tế từ việc đi làm mang lại là hoàn toàn xứng đáng.

Tveit nói thêm rằng, theo kinh nghiệm của cô, trẻ em Na Uy độc lập đến mức chúng tự tổ chức các buổi chơi với bạn bè.

“Tôi từng có thời gian sống ở Mỹ và thấy rằng bố mẹ ở đây vẫn tham gia vào khá nhiều việc của trẻ nhỏ. Ngược lại ở Na Uy, các em thậm chí còn tự tổ chức các sự kiện xã hội và quản lý thời gian rảnh rỗi của mình", nhà sử học chia sẻ.
leftcenterrightdel
 Trẻ em ở Na Uy luôn được tự do làm mọi việc theo mong muốn. Ảnh: Marie von Krogh/The Guardian

"Thất bại" cũng đóng một vai trò quan trọng trong cách nuôi dạy con cái của người Na Uy. Họ muốn trẻ nhỏ tận hưởng sự tự do để có cơ hội mắc lỗi và từ đó học hỏi từ chính những lỗi lầm. 

Justine Roberts - CEO của Mumsnet, chia sẻ rằng chìa khóa cho mô hình nuôi dạy kiểu Na Uy, đặc biệt là ở Stavanger, là số lượng trường mẫu giáo và trường học phủ rộng, nằm ở mỗi khu phố. Điều đó có nghĩa là, mặc dù trẻ em tự đi học một mình, nhưng thường chỉ là một quãng đường đi bộ tương đối ngắn. 

Justine tin rằng, việc truyền đạt những kỹ năng này giúp trẻ nuôi dưỡng tính độc lập, nhưng cũng tăng cường sự tự tin để tương lai thêm vững vàng, trưởng thành và có khả năng ra mọi quyết định. 

Dù được coi là lối sống ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người Na Uy, nhưng vẫn có không ít ý kiến phản đối cách nuôi dạy trẻ kiểu này. “Phong cách nuôi dạy con này đã bị chỉ trích trong khoảng hơn một thập kỷ qua”, giáo sư Mørch cho biết.

Những người chỉ trích cách nuôi dạy con cái theo kiểu "thả rông", kêu gọi đặt ra nhiều giới hạn và quy tắc hơn cho trẻ.

Tuy nhiên, giáo sư Mørch hoàn toàn không đồng tình, vì cho rằng trẻ em được tự do, sẽ học được tất cả những gì chúng muốn biết về thế giới mà không có những sự can thiệp không cần thiết.

"Trẻ nhỏ không cần cha mẹ sắp xếp các vấn đề của chúng", giáo sư kết luận.

Theo vietnamnet