Bé Ngọc Nam, con trai anh Lâm, hiện đã 7 tuổi, cứ đi học về là tíu tít trò chuyện với bố bằng tiếng Anh, với mẹ và ông bà bằng tiếng Việt.

Trước khi lập gia đình, anh Lâm trải qua 15 năm giảng dạy và nghiên cứu về ngôn ngữ, dạy tiếng Anh chuyên ngành ở Đại học Hà Nội, dạy tiếng Anh ở Italy và học thạc sĩ tại Australia. Từ trải nghiệm và quan sát cách giáo dục trẻ ở nước ngoài, sau khi kết hôn, anh Lâm lên kế hoạch dạy con tiếng Anh từ sớm.

Anh bắt đầu thai giáo khi Ngọc Nam (tên ở nhà là Dollar) mới 7 tuần tuổi trong bụng mẹ - lúc não bộ bắt đầu hình thành và tiếp nhận âm thanh. Anh nói chuyện bằng tiếng Anh với con mỗi tối, kể cho con nghe một ngày của mình. "Tôi làm việc đó giống như đang trò chuyện với một người hiện hữu, nhưng thực ra tự độc thoại", anh Lâm nói. Hàng tối, thay vì mở tivi xem, anh bật nhạc, chọn âm thanh nhẹ nhàng như tiếng sáo hay kèn saxophone, để cả nhà cùng thư giãn.

Tuy nhiên, anh vấp phải sự phản đối của bố mẹ và vợ do không tin vào thai giáo. Hễ thấy anh Lâm đi làm về là lẩm bẩm nói chuyện với đứa con chưa chào đời, bố mẹ anh thắc mắc, còn vợ khó chịu vì thích rock lại phải nghe nhạc nhẹ nhàng.

Với bố mẹ, anh xoa dịu bằng cách nói mình đang nhẩm lại công việc trong ngày, không phải trò chuyện với con. Anh phải thuyết phục vợ rằng không phải nghe giai điệu mà hãy xem như chỉ nghe âm thanh thôi sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. Âm thanh có tiết tấu mạnh sẽ ảnh hưởng đến não bộ, kích động theo chiều hướng không mong muốn.

"Ngay khi bắt đầu, tôi đã không nhận được sự ủng hộ của những người thân nhất. Nhưng vì tôi nghiên cứu về ngôn ngữ, là giảng viên đại học, lại có vị trí ở trường nên mọi người cũng không quá gay gắt", anh Lâm chia sẻ.

Ngày Dollar chào đời, anh Lâm đón con bằng câu chào tiếng Anh: "Hello, my dear" (Xin chào con yêu). Kể từ đó, anh cảm thấy nhẹ nhàng hơn vì dù Dollar chưa biết nói nhưng giữa hai bố con đã có sự tương tác hai chiều.

Ở những tháng đầu tiên, Dollar chưa có phản ứng nhiều. Từ tháng 9-10, mỗi khi anh nói chuyện hay chào con để đi đâu, Dollar đều đưa mắt nhìn theo. Sáng nào anh cũng bế con ra ban công, chỉ vào cái cây và lặp đi lặp lại "tree", hoặc đứng cạnh bể cá, anh nói "fish", mục đích là tạo tần suất cọ xát với não của con nhiều hơn với những từ ấy.

Lúc Dollar 13 tháng tuổi, từ tiếng Anh đầu tiên trong đời của con là "fish". "Sau bao ngày độc thoại bỗng dưng một ngày thấy con nói được một từ, tôi mừng lắm. Việc tôi đang kiên trì đã có hiệu quả. Từ đó, bố mẹ và vợ tôi không còn ý kiến gì nữa", anh Lâm nói.

                                                                                                                                  Dollar ngưỡng mộ bố và xem bố là người bạn thân. Ảnh: Bình Minh.

 

Trong gia đình, anh Lâm thống nhất mình sẽ nói tiếng Anh với con, còn vợ và ông bà sẽ dùng tiếng Việt. Giai đoạn con từ 0 đến 3 tuổi sẽ ưu tiên hoàn toàn tiếng Anh để não bộ tiếp xúc càng nhiều càng tốt. Mã ngôn ngữ nào được thu nạp nhiều hơn thì ngôn ngữ đó trội hơn và bé sẽ ưu tiên dùng.

"Trẻ bị loạn ngôn là do bố mẹ không nhất quán trong việc dùng mã ngôn ngữ nào để giao tiếp với con. Tuyệt đối không dùng tiếng Việt để dạy tiếng Anh, không hỏi con 'cái cốc, con mèo nói tiếng Anh là gì?'. Nếu dùng cách đó, bạn đang dạy con ngoại ngữ, không phải ngôn ngữ", anh Lâm phân tích.

Anh dạy cho Dollar ngoại ngữ thứ hai là ngôn ngữ dùng như tiếng mẹ đẻ, dùng hàng ngày trong mọi tình huống mà không gặp khó khăn. Anh không muốn dạy con ngoại ngữ như cách học phổ biến hiện tại, vì nếu như vậy Dollar lại chỉ cày ngữ pháp, vùi đầu vào thi cử mà không thể sử dụng được.

Năm 2018, anh Lâm đang làm Phó khoa Tiếng Anh chuyên ngành ở Đại học Hà Nội, công việc bận rộn, thường xuyên xa nhà và chỉ gặp con vào buổi tối. Nếu tiếp tục theo đuổi công việc, anh sẽ không thể duy trì và đồng hành tiếng Anh với con. Anh quyết định nghỉ việc ở trường, toàn tâm dành thời gian cho Dollar.

Khi Dollar đi học, anh Lâm chọn trường cho con rất kỹ lưỡng. Ngôi trường ấy phải tôn trọng trẻ, để con được sáng tạo và phát triển tự nhiên, thay vì gò bó vào khuôn khổ. Dollar vào một trường tư nhưng không học hệ song ngữ.

Lý giải cho việc này, anh Lâm cho hay từ lúc thai giáo đến khi Dollar 4-5 tuổi, anh chỉ dùng mã tiếng Anh với con. Gặp bố, con tự động bật mã tiếng Anh, trong khi thấy mẹ hay người thân khác, bé sẽ nói tiếng Việt nhưng do không tiếp xúc nhiều nên tiếng Việt của con bị hạn chế.

                                                                                                                                  Trong mắt Dollar, bố là thần tượng và người bạn thân thiết. Ảnh: Bình Minh.

 

Để cân bằng, con nên được học ở môi trường nói tiếng Việt. Thời gian đầu Dollar gặp chút khó khăn vì phải căng tai để hiểu cô nói nhưng sau đó quen dần. Dollar mê thí nghiệm, thấy hấp dẫn với những con chữ tiếng Anh, thích đọc sách, truyện từ bản gốc, thay vì đã được dịch sang tiếng Việt.

Ngoài ra, anh Lâm cũng chọn môi trường sống văn minh, nơi việc nói tiếng Anh với con ở thang máy, khu vui chơi không bị xem là chuyện lạ hay bị nhìn với ánh mắt tò mò. Nhờ đó, những cuộc trò chuyện giữa hai bố con anh luôn diễn ra tự nhiên, như một phần của cuộc sống.

Được luyện tiếng Anh từ sớm, Dollar không gặp rào cản trong mỗi chuyến đi nước ngoài cùng bố mẹ. Cậu bé thích tự làm thủ tục ở sân bay, chuyện trò với nhân viên hải quan và chủ động bắt chuyện với tài xế taxi khi ở Australia.

Anh Lâm chia sẻ, Dollar là cậu bé tình cảm. Mỗi ngày trước khi đi ngủ, con đều không quên nói câu "I love you to the moon and back" (Con yêu bố rất nhiều). Trong mắt con, bố là một người bạn thân vì có thể chia sẻ mọi chuyện, là thần tượng vì bố có thể làm được mọi việc.

Từ lúc con đi học về tới khi ngủ, hai bố con luôn bên nhau, cùng chơi đùa và trò chuyện. Nhiều năm qua, anh Lâm không có những cuộc hẹn nhậu buổi tối, vì thời gian đó dành cả cho con.

Nhắc tới hành trình bên con, anh Lâm nói: "Dollar không phải cậu bé xuất sắc và tôi chỉ làm được điều là cho con công cụ ngôn ngữ".

Anh Lâm 43 tuổi, hiện điều hành một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội và viết sách. Thời gian tới, anh có kế hoạch tiếp tục đồng hành cùng con học tiếng Đức và cho ra mắt cuốn sách thứ hai về du lịch quốc tế, sau cuốn Papa's here - Nhật ký học tiếng Anh cùng con của một ông bố Việt.

Theo vnexpress