Ông Trump muốn giải thể Bộ Giáo dục Mỹ
Cập nhật lúc 00:07, Thứ bảy, 16/11/2024 (GMT+7)
Giải thể Bộ Giáo dục Mỹ (DOE) là một trong những tuyên bố mạnh mẽ của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử.
|
|
Quyết định đóng cửa Bộ Giáo dục Mỹ sẽ gây ảnh hưởng lớn tới học sinh. |
Nhưng kế hoạch giải thể này có thể vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng nếu tái đắc cử, ông sẽ giải thể Bộ Giáo dục Mỹ và chuyển giao trách nhiệm về cho các tiểu bang. Cam kết mạnh mẽ của ông thể hiện quan điểm muốn giảm thiểu sự can thiệp của chính phủ trong các vấn đề giáo dục.
Từ năm 1979, Bộ Giáo dục Mỹ có trách nhiệm phân bổ quỹ giáo dục cho các tiểu bang, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ học sinh thu nhập thấp và học sinh khuyết tật. Tuy nhiên, ông Trump đã chỉ trích cơ quan này khi can thiệp quá sâu vào chính sách giáo dục của các tiểu bang và gây ra sự phụ thuộc vào ngân sách liên bang.
Vì lý do này, tân Tổng thống Mỹ muốn giải thể DOE. Quyết định trên còn nhằm cắt giảm chi tiêu công và thúc đẩy các chương trình giáo dục tự do hơn. Đơn cử, phụ huynh có quyền lựa chọn trường học hoặc phương pháp học cho con mà không phải đi theo quy định của DOE.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc giải thể DOE sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, nhất là với học sinh yếu thế như học sinh thu nhập thấp, học sinh khuyết tật, khi các tiểu bang không đủ nguồn lực. Cựu Bộ trưởng Giáo dục Mỹ, ông Arne Duncan cảnh báo: “Việc giải thể Bộ Giáo dục sẽ ảnh hưởng xấu đến các trường học, đặc biệt là trong các cộng đồng nghèo, nơi các trường công vẫn dựa vào sự hỗ trợ của chính phủ liên bang”.
Ông nói thêm, phụ huynh muốn con cái được học tập hiệu quả, an toàn trong trường học, nhất là sau hàng loạt vụ xả súng. Tuy nhiên, ông Trump lại không đưa ra giải pháp cho những vấn đề như bạo lực học đường và sức khỏe tinh thần.
Bên cạnh đó, các nhà giáo dục lo ngại nếu không có DOE sẽ không có ngân sách giáo dục liên bang, làm gia tăng bất bình đẳng trong giáo dục. Quỹ của DOE hiện hỗ trợ nhiều chương trình quan trọng, tiêu biểu như chương trình Title I chi trả chi phí giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hay chương trình IDEA phân bổ tiền cho các trường có trẻ em khuyết tật.
Theo báo cáo của DOE năm 2023, hơn 7,35 triệu học sinh từ 3 đến 21 tuổi và hơn 400 nghìn trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi đã nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình giáo dục đặc biệt do liên bang tài trợ. Những chương trình này đóng vai trò thiết yếu trong việc cải thiện cơ hội học tập cho học sinh yếu thế, từ đó giúp các em hòa nhập và phát triển trong môi trường học đường.
Nếu quyền giáo dục trao về cho các tiểu bang, địa phương khó có thể duy trì và cải thiện chất lượng giáo dục cho tất cả học sinh vì nguồn lực không đủ. Hơn nữa, việc giải thể một cơ quan liên bang lớn như DOE cần có sự phê duyệt của Quốc hội và sự đồng thuận từ Thượng viện và Hạ viện. Vì vậy, việc ông Trump thực hiện tuyên bố này sẽ gặp nhiều trở ngại.
Ngoài mong muốn giải thể DOE, tân Tổng thống Trump cũng dự định cắt giảm ngân sách cho các trường giảng dạy nội dung được cho là “không phù hợp”. Điều này gây quan ngại về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục.
Việc giải thể Bộ Giáo dục là một phần trong chiến lược của ông Trump nhằm cắt giảm vai trò của chính phủ liên bang và trao quyền cho các tiểu bang, cộng đồng địa phương. Điều này phản ánh quan điểm theo đuổi thị trường tự do của tân Tổng thống với mục tiêu thúc đẩy sự lựa chọn trường học và giảm bớt sự kiểm soát. |
Theo giaoducthoidai