Vì thế, học sinh lớp tốt, trường điểm sẽ được quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Vấn đề trên được thể hiện rõ nét tại các vùng nông thôn, nơi nguồn lực giáo dục còn hạn chế.
Tiến hành nghiên cứu về môi trường giáo dục tại vùng nông thôn Trung Quốc, trợ lý giáo sư Wang Zhaoxin, làm việc tại Trường Đại học Luật và Khoa học Chính trị, thuộc Đại học Sư phạm Chiết Giang, cho biết: Khi mọi sự chú ý đổ vào kỳ thi tuyển sinh đại học gaokao, tương lai của học sinh Trung Quốc được quyết định bởi lớp học.
Theo ông Wang, hầu hết các trường THCS, THPT Trung Quốc phân loại học sinh dựa trên kết quả học tập và khả năng nhận thức. Thông thường, các trường có hai lớp là lớp danh dự và lớp thường.
Ngoài ra, hiện nay nhiều trường Trung Quốc chia lớp học thành 3 cấp độ: Lớp danh dự (dành cho học sinh xuất sắc nhất), lớp thử nghiệm (dành cho học sinh khá) và lớp thường (dành cho học sinh có điểm thấp nhất). Quá trình phân loại càng sớm thì khoảng cách điểm số giữa các lớp càng rõ ràng.
Việc phân chia lớp học như vậy là phổ biến tại các vùng nông thôn, nơi thiếu tài nguyên giáo dục nên chính quyền thường chỉ tập trung nguồn lực cho các lớp tốt nhất hoặc những trường “trọng điểm”.
Các trường được đầu tư nhiều hơn và danh tiếng mạnh mẽ hơn sẽ thu hút ngày càng đông học sinh giỏi, từ đó mang lại nguồn tài trợ và tài nguyên giáo dục cao hơn. Vòng tròn này đã và đang nới rộng khoảng cách giữa học sinh các trường trọng điểm và số còn lại.
Lớn lên tại một vùng quê nghèo, chị Xu, 21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Luật và Khoa học Chính trị, kể: Học sinh 2 lớp danh dự tại trường THCS mà tôi theo học đã thi đỗ vào trường THPT và đại học danh tiếng trong khi hầu hết học sinh còn lại của trường học nghề. 2 lớp danh dự có môi trường học tập thật sự tốt nhưng bù lại, nhà trường ít quan tâm đến các lớp khác. Đó là một đám đông thích đánh nhau, hút thuốc, uống rượu...
Để gia tăng danh tiếng, nhiều trường trọng điểm thậm chí đã đi đầu tuyển sinh tài năng trẻ, trước khi các em tham gia kỳ thi tuyển sinh trung học.
Ma, một học sinh ở vùng nông thôn, tiết lộ, em đã bỏ qua kỳ thi tuyển sinh trung học ở địa phương bằng cách tham gia kỳ thi riêng do một trường THPT tổ chức. 80 học sinh có thành tích cao nhất được mời nhập học sớm và cạnh tranh vào lớp danh dự của trường.
Còn Chen, nữ sinh đến từ tỉnh Quý Châu, cho biết, việc tuyển sinh bắt đầu từ bậc tiểu học. Một trường THCS địa phương cho phép Chen nhập học sớm vì em đạt thành tích cao ở cấp 1. Đến mùa tuyển sinh, rất nhiều trường THCS khác trong quận cũng “chiêu mộ” em.
Tuy nhiên, trường đầu tiên thậm chí cam kết miễn học phí trong 3 năm, trao trợ cấp 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,9 triệu đồng) hàng năm cùng nhiều học bổng khác. Lên cấp 3, em tiếp tục được một trường THPT “chiêu mộ” bằng cách tương tự nhưng mức trợ cấp, học bổng cao hơn rất nhiều.
Ngoài sự cạnh tranh giữa các trường, nhiều gia đình có nguồn lực tại địa phương cũng cố gắng tìm mọi cách để con vào được trường điểm, lớp danh dự. Một số phương án có thể kể đến như mua nhà gần trường để con có hộ khẩu đúng tuyến, hối lộ trong các kỳ thi xếp lớp, kỳ thi tuyển sinh riêng của các trường...
“Kết quả là một số trường phải vật lộn để thu hút và giữ chân học sinh giỏi còn các trường khác được thoải mái chọn học sinh phù hợp với mục tiêu của mình. Từ đó, dẫn đến nhiều trường nông thôn không có học sinh và khoảng cách giáo dục tại vùng nông thôn ngày một sâu rộng”, ông Wang Zhaoxin bày tỏ.
Theo GD&TĐ