Trường Könönpello được bình chọn là ''Ngôi trường của năm 2021'' - Ảnh: Yle
Đầu tháng 5/2021, Könönpello, một trường tiểu học nhỏ nằm ở phía đông Phần Lan đã vượt qua hàng ngàn ngôi trường khác trên khắp cả nước để được vinh danh là ''Ngôi trường của năm'' cho năm học 2021 (School of the Year 2021).
“Ngôi trường của năm” trông như thế nào?
Theo Hãng truyền thông quốc gia Yle của nước này, ngôi trường được công nhận không phải vì có nhiều học sinh giỏi nhất hay quy mô lớn (trường chỉ có 240 học sinh) mà bởi đây là “ví dụ xuất sắc về một hình mẫu giáo dục nơi mà cả học sinh và giáo viên đều được tận hưởng niềm vui nhờ môi trường học tập và làm việc hài hòa, tinh thần tập thể, cũng như những hoạt động gắn kết, hòa nhập giữa học sinh và cộng đồng”.
Thạc sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Kim Hằng trong một chuyến công tác tại các trường học thuộc thành phố Tampere (Phần Lan) - Ảnh: NVCC
Theo Thạc sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Kim Hằng, người từng nghiên cứu học tập tại Đại học Tampere và hiện đang làm việc tại thành phố Espoo (Phần Lan), không chỉ trường Könnönpello mà hầu như toàn bộ hệ thống trường học toàn diện dành cho học sinh từ 7 đến 15 tuổi (comprehensive school) của quốc gia khu vực Bắc Âu này đều có chung mục tiêu: Xây dựng một môi trường học tập an toàn và hạnh phúc cho trẻ em.
“Trường học ở Phần Lan được xem như một "cộng đồng học tập", là nơi mà mỗi thành viên trong trường đều được khuyến khích tham gia thảo luận, học tập, được tôn trọng và tin tưởng”, thạc sĩ Kim Hằng giải thích.
“Công thức vàng” biến trường học thành "cộng đồng học tập"
Thạc sĩ Kim Hằng cho biết thêm rằng, chương trình giáo dục của Phần Lan cũng xác định 6 nguyên tắc cốt lõi dùng để phát triển và vận hành hệ thống hơn 4.200 trường học, biến chúng thành những "cộng đồng học tập" toàn diện.
Những nguyên tắc này bao gồm:
1. Hạnh phúc và an toàn
Trường học cần được xây dựng theo hướng giúp học sinh được hạnh phúc về các mặt thể chất, tinh thần và xã hội.
Ngoài ra, trường học phải là nơi các em thật sự cảm thấy an toàn. Sự an toàn không chỉ đến từ việc đảm bảo cơ sở vật chất, mà còn là cách học sinh được lắng nghe và thấu hiểu, được bảo vệ khỏi những vấn đề như bắt nạt, bạo lực, quấy rối,...
Học sinh Phần Lan xem trường học là nơi thật sự an toàn - Ảnh: globaleducationparkfinland
2. Tương tác và phương pháp làm việc linh hoạt
Tính “tương tác’’ cần được hướng đến nhiều đối tượng khác nhau, như: sự tương tác của học sinh với môi trường học, đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất và không gian cho các em có mô trường sáng tạo, chơi đùa, khám phá, học hỏi cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển của từng học sinh.
Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác giữa các thành viên trong trường và cộng đồng xã hội xung quanh trường để giúp học sinh phát triển khả năng hợp tác. Cuối cùng, các em cũng cần phát triển tính tương tác với công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc học của mình.
3. Đa dạng về văn hóa và nhận thức ngôn ngữ
Môi trường giáo dục ở Phần Lan nhấn mạnh tính đa dạng văn hóa. Theo đó, trường học là nơi giúp học sinh phát triển nhận thức, hiểu biết, đồng cảm và tôn trọng các nhóm văn hóa, sắc tộc khác nhau.
Đọc sách là hoạt động được học sinh đặc biệt yêu thích ở các trường học tại Phần Lan - Ảnh: Esa Rinse/Yle
Ngoài ra, tính đa dạng về ngôn ngữ cũng rất được chú trọng. Bên cạnh việc phát triển ngôn ngữ văn hóa (như là song song với việc học tiếng bản xứ, có chương trình duy trì tiếng mẹ đẻ để giúp các em nhận thức và duy trì bản sắc văn hóa), phát triển ngôn ngữ học thuật cũng cần được chú ý.
4. Tham gia và dân chủ
Mỗi một học sinh được khuyến khích xây dựng kế hoạch học tập cho mình cũng như được tham gia vào các hội, nhóm, câu lạc bộ tại trường.
Đặc biệt, các trường cũng được khuyến khích tạo mối liên kết với những cơ sở giáo dục và trường học ở các quốc gia khác trên khắp thế giới nhằm phát triển hệ thống kỹ năng cần thiết trong môi trường toàn cầu.
5. Công bằng và bình đẳng
Ở Phần Lan, trường học phải là nơi tôn trọng và khuyến khích khả năng của mỗi học sinh. Trường học giúp các em xác định thế mạnh, tiềm năng của mình, hướng dẫn các em đưa ra lựa chọn và phương pháp tiếp cận các môn học khác nhau không dựa trên những định kiến về bất kỳ giới tính hay hoàn cảnh nào.
Gắn kết cộng đồng và có trách nhiệm với môi trường là những điều mà học sinh Phần Lan được giáo dục từ sớm - Ảnh: Getty Images
6. Trách nhiệm với môi trường và sự bền vững cho tương lai
Trường học cần thể hiện thái độ và trách nhiệm với môi trường từ cách sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường tới tổ chức và thúc đẩy những hoạt động vì môi trường. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cũng cần chú trọng việc giúp các em học sinh có kiến thức, ý thức và thực hiện lối sống bền vững và thân thiện với môi trường ngay tại nơi mình đang sinh sống.
Đất nước với cách tiếp cận "không giống ai" trong giáo dục
Từ năm 2017, Phần Lan đã làm một "cuộc cách mạng” trong giáo dục khi là quốc gia đầu tiên trên thế giới “xóa sổ” các môn học như toán, lý, hóa, lịch sử... ra khỏi chương trình giảng dạy truyền thống của mình.
Bà Marjo Kyllonen, chuyên gia giáo dục hàng đầu của Phần Lan cho biết: “Nhu cầu của học sinh ngày nay thay đổi một cách chóng mặt, và vì vậy, phương thức giáo dục dựa vào các môn học riêng lẻ chỉ phù hợp với học sinh ở những năm 1900 mà thôi”.
Vị “kiến trúc sư trưởng” của sáng kiến táo bạo này còn khẳng định rằng, các kỹ năng mà học sinh cần được phát triển để có thể thành công trong thế kỷ 21 “không thể trang bị bằng phương pháp giáo dục quá lỗi thời này”.
Phương pháp tiếp cận liên ngành đang được Phần Lan áp dụng vào các bài học thay vì phải học từng môn riêng lẻ như trước - Ảnh: iseworld
Như vậy, với cách tiếp cận mới thì học sinh không còn phải học từng môn toán, lý, hóa, hay văn học một cách riêng lẻ theo thời khóa biểu cố định như trước nữa. Thay vào đó, giáo viên sẽ chuẩn bị kế hoạch bài giảng theo hướng bao quát hơn với những chủ đề rộng hơn cùng phương pháp tiếp cận liên ngành.
Chẳng hạn như với chủ đề về Chiến tranh thế giới thứ 2, học sinh sẽ phải vận dụng kiến thức của nhiều môn học khác nhau như Toán, Địa lý và Lịch sử để thảo luận và phân tích. Hay như với module môn học có tên “Làm việc trong quán cà phê”, các em sẽ phải sử dụng kiến thức về kinh tế, kỹ năng giao tiếp và khả năng tiếng Anh của mình để giải quyết những vấn đề thực tế xảy ra trong môi trường làm việc.
Bằng cách này, giáo viên sẽ phải linh hoạt hơn trong việc chuẩn bị kế hoạch bài giảng còn học sinh thì có thể tự do lựa chọn phương thức học của mình cũng như hợp tác theo nhóm sao cho hiệu quả nhất.
“Sẽ không còn những tiết học mà thầy cô giảng giải còn học trò chủ yếu nghe và ghi chép, hay thậm chí phải lo lắng khi bị giáo viên khảo bài”, cô Anne Steinhoff, chuyên gia phụ trách mảng giáo dục của tổ chức Novak Djokovic Foundation cho biết.
Một tiết học về kinh doanh ngành hàng thời trang của học sinh tiểu học Phần Lan - Ảnh: Gilda Venezia
Từ góc độ của người quản lý vĩ mô đối với sự phát triển đô thị của thủ đô Helsinki, ông Pasi Silander lý giải: “Những gì chúng tôi cần hiện nay là một loại hình giáo dục mới có khả năng đào tạo ra những con người sẵn sàng tham gia thị trường lao động một cách hiệu quả nhất”.
“Trước đây, các ngân hàng cần một số lượng lớn nhân sự chỉ để ngồi cộng trừ tính toán các con số, hiện nay điều này đã trở nên quá xa lạ. Chính vì vậy, chúng tôi cũng buộc phải thực hiện những thay đổi đột phá cho nền giáo dục của mình, bởi giáo dục chính là mấu chốt cần thiết cho sự phát triển của xã hội công nghiệp và hiện đại”, ông Pasi nhấn mạnh.
Theo phunuonline