Sinh viên Trung Quốc tham gia lớp tư vấn du học ở Bắc Kinh - AFP
Dịch vụ môi giới “vẽ đường cho hươu chạy” trong những trường hợp dạng này không hề ít, thường lên đến hàng chục ngàn USD, nhưng ngành kinh doanh này vẫn phất như diều gặp gió ở Trung Quốc.
Hồi năm ngoái, giới công tố Mỹ phanh phui một vụ tương tự, trong đó một gia đình chi đến 6,5 triệu USD cho phía cò du học để đưa con gái vào ĐH Stanford, trong khi một suất khác vào ĐH Yale tốn 1,2 triệu USD cho gia đình.
“Chúng tôi gọi là 'tặng quà' chứ không phải 'hối lộ'. Khoảng 10.000 USD bị liệt vào dạng thấp. Một món quà trung bình sẽ có giá dao động trên dưới 250.000 USD”, theo AFP dẫn lời một cựu nhà môi giới du học tiết lộ.
Một ví dụ dễ thấy, gia đình sinh viên Fu Rao, 16 tuổi, chi 250.000 nhân dân tệ (35.400 USD) cho chi phí tư vấn, theo đó chỉ dẫn du học sinh cách trả lời các giáo sư, cần phải học thêm lớp nào để học bạ trung học toàn được điểm A, và bằng cách nào bày tỏ kiến thức về thể thao, như môn bóng bầu dục Mỹ.
Quy trình chuẩn bị hồ sơ kéo dài 18 tháng, trong đó sinh viên tham gia các kỳ thi SAT (4 lần). Các bài luận và lý lịch được chuyên viên trau chuốt một cách hoàn mỹ, và theo lời khuyên của phía tư vấn, Fu Rao tham gia công tác thiện nguyện tại một trại trẻ mồ côi ở Campuchia.
Sở dĩ các bậc cha mẹ Trung Quốc tìm mọi cách để giành được suất trong trường học danh tiếng cho con vì đây là con đường “một đi không quay trở lại”.
Chuẩn bị du học đồng nghĩa với việc học sinh không tham gia kỳ thi vào đại học ở Trung Quốc. Nếu không được trường nước ngoài nhận, các em khó quay lại hệ thống giáo dục trong nước.
Theo thanhnien