Người Neanderthal.(Nguồn: Reuters)

 

Các nhà nghiên cứu ngày 5/7 cho biết tuy thiết kế có thể khá đơn giản, nhưng mẫu khắc hình chữ V trên một bộ xương nai có niên đại cách đây hơn 50.000 năm cho thấy người Neanderthal đã có truyền thống nghệ thuật của riêng mình, trước khi người hiện đại (Homo sapiens) xuất hiện.

Bản khắc được khai quật gần đây tại một hang động ở Đức, nơi người Neanderthal từng sinh sống hàng chục nghìn ngăm trước, vốn nhìn bề ngoài không có gì đặc biệt. Nhưng khi sử dụng phương pháp xác định tuổi dựa trên tỷ lệ radiocarbon, các nhà khảo cổ học đã xác định đồ tạo tác này đã có niên đại ít nhất 51.000 năm, trước cả khi xuất hiện người hiện đại Homo sapiens ở Trung Âu (khoảng 10.000 năm trước).

Nghiên cứu khẳng định: "Việc cho rằng ảnh hưởng văn hóa của người hiện đại  là nhân tố duy nhất lý giải cho các khái niệm văn hóa trừu tượng của người Neanderthal không còn phù hợp nữa."

Đại đa số đồ tạo tác Thời kỳ Đồ đá được phát hiện tại châu Âu được gắn với người hiện đại và giới chuyên gia từ lâu cho rằng người Neanderthal chỉ mới bắt đầu tạo ra các đồ vật mang ý nghĩa biểu trưng sau khi kết hợp chúng với nhau.

Dirk Leder, nhà nghiên cứu tại Cơ quan di sản khảo cổ bang Niedersachsen, một trong các tác giả của nghiên cứu khảo cổ nói trên, khẳng định bộ xương này rõ ràng mang ý nghĩa biểu đạt. Ông nói: "Chúng tôi tin rằng nó truyền đạt một ý tưởng, một câu chuyện hoặc một điều gì đó có ý nghĩa cho một nhóm người."

Bản khắc hóa thạch nói trên đã được phát hiện ở một điểm khảo cổ nổi tiếng mang tên Einhornhoehle, hay còn gọi là "Hang Kỳ lân" nằm ở vùng núi miền Trung nước Đức. Tại đây, từ thời Trung Cổ, các nhà khảo cổ đã tìm kiếm những thứ mà họ tin là hóa thạch của kỳ lân.

Trong những năm 1980, các nhà khoa học đã phát hiện bằng chứng đầu tiên về nơi định cư của người Neanderthal ở Kỷ Băng hà tại Einhornhoehle và bộ xương mới được tìm thấy ở một hố đào bên dưới cổng vào đã đổ sập của hang này. Đây cũng là nơi nhiều đồ tạo tác được phát hiện vào năm 2017.

Bộ xương trên, làm từ chân của một con nai khổng lồ hiếm đã tuyệt chủng, to bằng một nửa chiếc bàn đánh bạc (dài 5,5cm rộng 4cm) và dày 3cm. Có 6 đường chéo giao nhau được khắc dưới dạng một thiết kế chữ V một cách có chủ đích. Nghiên cứu cho biết: "Mô hình này không có tính hữu dụng, nhưng thay vào đó hình vẽ bản thân nó là yếu tố quan trọng."

Nghiên cứu cho biết một loạt thí nghiệm nhằm tái tạo vật này từ xương bò cái đã chứng minh rằng chúng có thể đã được nấu sôi một hoặc hai lần trước khi đem ra tạo tác bằng vật cứng. Nghiên cứu cho biết: "Tiến trình sản xuất phức tạp để tạo ra những vết rạch này, sự sắp xếp có hệ thống và mức độ hiếm của những con nai khổng lồ ở miền Bắc dãy Alps thời đó, đã củng cố khái niệm về một hành động có chủ đích và mang ý nghĩa biểu tượng."

Các nhà nghiên cứu cho biết một vài phát hiện trong cùng thời gian này liên quan đến người Neanderthal gồm những mẩu đá lửa, tầng đá nền và những cái răng được khắc những đường song song hoặc dấu zig-zag một cách có chủ ý. Tuy nhiên, bộ xương nai nói trên là "một trong những khái niệm văn hóa phức tạp nhất về người Neanderthal được biết đến nay."

Ông Leder cho biết khác với nghệ thuật của người hiện đại Homo sapiens, các vật trạm khắc của người Neanderthal thực sự không bằng, có thể vì họ sống tập trung ít người hơn ở những nơi rộng hơn và "điều đó dường như củng cố ý tưởng rằng dù họ đã giao tiếp với nhau bằng các vật tạo tác này, nhưng ý nghĩa của biểu tượng không được truyền sang thế hệ sau hoặc đã biến mất."

Tuy nhiên, thực tế là phát hiện mới có niên đại từ trước thời người hiện đại Homo sapiens, có nghĩa là người Neanderthal có thể đã để lại một di sản lâu dài hơn. Như vậy, điều mà ta vẫn nghĩ lâu nay rằng người hiện đại Homo sapiens vĩ đại đã đem đến những ý tưởng thông minh cho các loài khác giờ không còn đúng nữa.

Theo Vietnamplus