Gaokao được xem là kỳ thi quan trọng bậc nhất ở Trung Quốc và "khắc nghiệt nhất thế giới". Đối với nhiều thanh thiếu niên ở đại lục, Gaokao là kỳ thi bước ngoặt cuộc đời, có thể quyết định sự nghiệp của họ trong tương lai. Điều đó dẫn tới việc học sinh học căng thẳng, nỗ lực đạt điểm cao để có thể vào trường top đầu, trường tinh hoa. Kỳ thi thường diễn ra vào 7-8/6 hàng năm ở Trung Quốc, nhưng năm nay bị lùi lại một tháng do Covid-19.
Shui Ren là giáo sư tại một trường đại học được xếp hạng cao ở Trung Quốc, ông cũng phục vụ trong ủy ban tuyển sinh. iOne lược dịch chia sẻ của giáo sư đăng trên Sixthtone về kỳ thi đại học khốc liệt này.
Học sinh làm bài thi ngoài trời tại một trường trung học phổ thông ở Yichuan, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
"Mùa hè vừa rồi, một lần nữa tôi thấy mình bị cuốn vào cuộc chiến giáo dục ở Trung Quốc: cuộc chiến hàng năm giữa các đại học để tuyển được những thí sinh cao điểm nhất trong kỳ thi Gaokao. Hàng năm, các đại học của Trung Quốc chiến đấu để có ngưỡng điểm đầu vào cao nhất. Những điểm số này trở thành biểu tượng cho chất lượng và danh tiếng của trường. Nhưng khi học sinh và phụ huynh hiểu được quy luật của trò chơi và các trường áp đặt những tiêu chuẩn quan trọng hơn cho điểm số, cuộc đua lại càng mất kiểm soát hơn.
Quá trình tuyển sinh đầu vào ĐH của Trung Quốc vừa khó mà lại vừa dễ. Không cần đơn xin vào học dài dằng dặc, không cần bài luận. Hàng năm, hàng triệu học sinh tham gia gaokao. Điểm số được xếp loại theo tỉnh, sau đó học sinh nộp danh sách các trường và khoa mình mong muốn.
Điểm đầu vào thay đổi theo từng năm. Để biết được trường mình có thể đỗ, học sinh và phụ huynh sẽ đối chiếu với dữ liệu năm ngoái của trường và khoa đó. Một học sinh chỉ được nhận vào một trường duy nhất - trường xếp hạng cao nhất trong danh sách nguyện vọng mà thí sinh đủ điểm đỗ.
Đây là cải cách mới. Ngày trước, học sinh phải nộp nguyện vọng trước khi thi đại học. Vì những trường có xếp hạng gần tương đương thường có điểm đầu vào ngang nhau và học sinh chỉ có thể đoán điểm thi của mình, những gì mà các uỷ ban tuyển sinh có thể làm trước kỳ thi, có thể nói là tự quảng bá cho trường. Giờ đây học sinh được thi trước và chọn sau, các trường có nhiều không gian để đấu đá hơn, và họ đang tận dụng triệt để điều này.
Là một người làm công tác tuyển sinh, tôi được mong đợi sẽ nâng cao và làm nổi bật các lợi thế của trường mình, tư vấn cho học sinh về những ngành có tiềm năng và trả lời các câu hỏi của thí sinh. Nhưng thử thách thật sự là chống lại sự tấn công từ các trường khác - những người đang cố giành lấy các thí sinh tiềm năng nhất.
Quá trình này khá khó với những học sinh được điểm cao nhưng không phải top đầu - những người này chưa chắc chắn về khoa mình sẽ chọn hay trường nào thì phù hợp nhất. Thiếu quan điểm vững chắc, nhiều thí sinh và phụ huynh chọn trường theo cách thực dụng nhất. Họ muốn vào trường top đầu và ngành nổi tiếng nhất có thể bởi đối với họ đây là cách chắc chắn nhất để có việc làm lương cao sau khi ra trường.
Kết cục là một vòng luẩn quẩn. Càng nhiều thí sinh và gia đình tập trung vào xếp hạng, các trường lại càng tuyệt vọng để lên được top trên, nghĩa là điểm đầu vào lại càng cao, chọn được càng nhiều thí sinh điểm cao càng tốt, ngay cả khi các học sinh này phù hợp với trường khác hơn. Một số trường còn tạo ra hẳn cơ chế thưởng cho các nhân viên tuyển sinh "cướp" được những thí sinh điểm cao, khiến quá trình tuyển sinh càng xấu xí.
Một thí sinh tham dự kì thi gaokao. Ảnh: CNN.
Một chiến thuật chung là sử dụng những ngành nổi tiếng để thu hút sinh viên. Các trường gộp những khoa nổi tiếng nhất và ít nổi nhất vào cùng một danh mục. Ví dụ, họ kết hợp ngành "kĩ sư" với những khoa nổi tiếng như vi điện tử và máy tính cùng với kĩ thuật nhiệt, rồi phân chia sinh viên dựa theo điểm số năm nhất. Nhìn bề ngoài có vẻ như tất cả thí sinh đều có cơ hội được nhận vào khoa nổi tiếng, nhưng trên thực tế, điều này không thể ngăn chặn được việc những khoa kém nổi hơn kéo điểm đầu vào của trường xuống.
Trắng trợn hơn nữa là những pha tấn công trực diện và các chiến dịch rầm rộ. Ví dụ, các trường ở thành phố phát triển hơn có thể chỉ trích các cơ sở khác nằm ở các khu vực "chậm phát triển" với ít cơ hội hơn cho sinh viên. Đôi khi những hành động này lại biến thành ác ý: một uỷ ban tuyển sinh từng nói các thí sinh không nên nộp hồ sơ vào trường đối thủ ở thành phố Nam Kinh bằng cách nhắc đến cuộc thảm sát Nam Kinh do quân Nhật gây ra năm 1937. Một số trường hợp nhẹ hơn thì các trường nghệ thuật tấn công những trường về khoa học và công nghệ, vì thiếu sự đa dạng về chương trình học và văn hoá, trong khi các trường về khoa học nói các trường nghệ thuật không đảm bảo tài chính ổn định cho sinh viên khi ra trường.
Hầu hết những lời nói tấn công trên đều dựa vào các định kiến, nhưng khó mà giải toả được khi chỉ tiếp xúc thoáng qua với thí sinh. Chúng chỉ khiến thí sinh nản lòng. Điểm đầu vào trường này thấp hơn 1-2 điểm so với trường khác có thật sự quan trọng? Thay vì vắt óc suy nghĩ về sự khác biệt của 1-2 điểm, không phải tốt hơn khi dồn sức cho sinh viên và giúp họ đạt được tiềm năng của mình hay sao?
Bên cạnh việc bắt các trường phải tham gia vào cuộc đua bất tận, đấu đá vì điểm số có thể hạn chế khả năng nhận các sinh viên xuất sắc phù hợp với thế mạnh hơn. Kỳ thi Gaokao có mục tiêu là tiêu chuẩn đơn giản và công bằng trong tuyển sinh, nhưng hệ thống hiện tại đẩy học sinh đi cùng một con đường, bất kể nguyện vọng hay đam mê của họ là gì.
Việc này đôi khi khiến thí sinh khá nản lòng, nhất là khi nguyên nhân đến từ các đại học hàng đầu của Trung Quốc. Tuy vậy, hai bài báo gần đây vẫn cho tôi hy vọng về tương lai.
Bài báo đầu tiên là về một cô gái ở vùng quê quyết định chọn đam mê của mình là khảo cổ học để vào Đại học Peking, bất chấp cơ hội nghề nghiệp có hạn của ngành này. Bài báo thứ hai là về một thí sinh điểm cao chọn vào Đại học Fudan và chọn ngành triết học thay vì các lựa chọn khác có cơ hội nghề nghiệp cao hơn sau khi tốt nghiệp. Người dùng mạng tranh cãi liệu những thí sinh này có nên chọn những khoa nổi tiếng hơn như khoa học máy tính hay tài chính không, nhưng tôi khen ngợi quyết định của họ, vì họ nghe theo trái tim mình.
Tranh cãi vì điểm thi đầu vào giống như cầm đèn chạy trước ôtô. Theo định nghĩa ban đầu, điểm đầu vào cao không nói lên được gì về chất lượng của trường. Chúng chỉ phản ánh tầm ảnh hưởng và danh tiếng của trường. Đại học tốt có nghĩa vụ phải bao quát và hỗ trợ sinh viên theo đuổi sở thích và đam mê. Họ nên dẫn đường cho người trẻ tìm ra được con đường cho riêng mình, chứ không phải sử dụng sinh viên như công cụ để nâng cao danh tiếng cho trường.
Nhiều thí sinh lựa chọn thi lại kì thi Gaokao để có cơ hội vào trường top. Ảnh: iFeng.
Theo Ione