Nhiều tờ tin tức quốc tế đã đăng tải lại bài viết của AFP, khiến cho phiên chợ quy mô dù nhỏ này bỗng được xuất hiện trên nhiều trang tin nước ngoài.
Theo AFP, những khách hàng tìm đến phiên chợ này chủ yếu là những người có sự tò mò, hiếu kỳ, họ đến đây để được thấy một phần ký ức cụ thể hóa bằng hiện vật, một góc rất riêng trong đời sống tình cảm của mỗi con người.
Tại phiên chợ, người ta có thể đọc những lá thư tình, những tấm thiệp tự tay thực hiện, dùng thử một chút nước hoa cũ, cầm lên những cốc nến thơm, những món đồ thời trang mà chủ nhân giờ đây đã không còn muốn thấy lại, bởi đó là những kỷ vật nhắc nhớ đến những chuyện tình đã đi vào dĩ vãng. Giờ đây, chủ nhân đem chúng đi rao bán để khỏi “đau tim” mỗi lần thấy lại.
Phiên chợ gồm toàn những người đi rao bán kỷ vật của cuộc tình cũ, chợ họp định kỳ mỗi tháng một lần, người ta mang đủ kiểu món đồ kỷ vật tới địa điểm tổ chức (tại Hà Nội) với hy vọng sẽ tìm được chủ nhân mới cho những món đồ. Hành động này không chỉ đơn thuần chỉ là rao bán mà còn có ý nghĩa bỏ lại quá khứ, bước về phía trước.
Một phụ nữ tham gia phiên chợ có tên Phúc Thủy (29 tuổi) chia sẻ: “Sau khi chia tay, tôi rất buồn, không ăn uống được… Nhưng sau một thời gian, tôi đã tự vực mình dậy. Quá khứ là quá khứ”. Đến với phiên chợ, Thủy bán quần áo, túi xách và thậm chí cả… tuýp kem đánh răng, đó là tất cả những món đồ lớn nhỏ có liên quan tới cuộc tình cũ.
Theo AFP tìm hiểu, phiên chợ bán kỷ vật người yêu cũ đã không ngừng mở rộng kể từ lần đầu được mở ra hồi tháng 2 năm nay. AFP cho rằng những người Việt trẻ rất thích thú với mạng xã hội và họ cũng không ngần ngại chia sẻ những điều tưởng như thầm kín trong đời sống tình cảm của mình.
Người có ý tưởng mở ra phiên chợ này - anh Đinh Thắng chia sẻ với phóng viên (trong khi một người bán hàng khác đang chơi những bản tình ca với cây ghita gần đó): “Người trẻ luôn có tư duy cởi mở, họ thực sự muốn chia sẻ chân thành, sâu sắc và rộng mở để vượt lên nỗi đau, để không phải chịu đựng một mình”.
Anh Đinh Thắng đã nảy ra ý tưởng về phiên chợ sau khi bản thân anh cũng từng trải qua một vài cuộc tình “cay đắng”, khiến anh cảm thấy khó xử với những món đồ kỷ vật không còn muốn thấy lại vì gợi nhắc tới những tình cảm đã lụi tắt.
Bản thân anh Thắng cũng vô tư bày ra những lá thư tình, những tấm thiệp, những cuốn sổ tay chứa chan tình cảm một thời, trong đó lưu lại nét chữ của người yêu cũ.
Những món đồ như vậy không phải để đem bán mà để chính người chủ của kỷ vật khi bày ra một cách cởi mở và sẵn sàng chia sẻ câu chuyện với những người hỏi han, sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và kỷ vật của người yêu cũ không nhất thiết lúc nào cũng phải gợi buồn đau.
Anh Đinh Thắng dự định sẽ mở phiên chợ này ở cả TPHCM vào năm tới. Tại phiên chợ đặc biệt này, có một tấm bảng dành để những ai muốn gửi lời nhắn tới người yêu cũ có thể thoải mái viết lên, dù lời nhắn đó sẽ không bao giờ tới được với “người nhận”.
Có những lời nhắn khá hài hước kiểu như: “Gửi tất cả các người yêu cũ của anh, anh xin lỗi bởi giờ anh cảm thấy như thể chúng ta chưa từng quen biết”, hay một lời nhắn ngắn gọn nhưng chứa nhiều cảm xúc như: “Giờ thì em đã ổn!!!”.
Anh Đinh Thắng hy vọng rằng phiên chợ này sẽ góp phần giúp cho chuyện thất tình trở thành điều gì đó bớt phần bi lụy, tiêu cực.
Ngoài ra, đối với nhiều người trẻ tìm tới phiên chợ này, đây còn là nơi để làm quen, kết nối. Một bạn trẻ xưng tên Tiêu Khúc cho biết: “Tôi đến đây để gặp gỡ và cũng để xem có món đồ nào phù hợp thì mua, tôi muốn biết tại sao những món đồ này từng là ký ức đẹp của một người nào đó”.
Khi ra về, bạn trẻ này lựa chọn mua một cuốn sách cũ, đó là cuốn tiểu thuyết “Kiêu hãnh và định kiến” của nữ nhà văn người Anh Jane Austen.
Theo Dân trí