|
Sinh viên quốc tế có thể làm việc trong hệ thống y tế Philippines. |
Quyết định trên đưa Philippines trở thành một trong những điểm đến thu hút về giáo dục y tế.
Hạ viện Philippines mới đây thông qua việc sửa đổi Đạo luật Y tế Philippines 1959. Theo đó, sinh viên nước ngoài có bằng tốt nghiệp bác sĩ y khoa (MD) từ những cơ sở giáo dục đại học được Ủy ban Giáo dục Đại học Philippines (CHED) công nhận và hoàn thành chương trình thực tập 12 tháng có thể hành nghề tại Philippines.
CHED sẽ cung cấp chứng nhận cần thiết để cử nhân quốc tế chuyển sang làm việc trong hệ thống y tế của nước này. Ước tính, khoảng 20 nghìn sinh viên nước ngoài đang theo học y khoa tại Philippines.
Theo Chính phủ Philippines, Đạo luật Y tế năm 1959 đóng vai trò là cơ sở pháp lý và nền tảng quan trọng của ngành y tế. Tuy nhiên, thế kỷ 21 đã và đang thay đổi mạnh mẽ.
Trong đó, hệ thống chăm sóc sức khoẻ cần đáp ứng nhu cầu phát triển của các công nghệ tiên tiến... Điều này đặt ra bài toán đổi mới các quy định giáo dục y tế và yêu cầu quốc tế hoá giáo dục y khoa.
Trước bối cảnh trên, việc sửa đổi Đạo luật Y tế năm 1959 phù hợp với thay đổi của thế kỷ 21 là cần thiết. Điều đó góp phần thúc đẩy giáo dục và thực hành y khoa, đáp ứng những yêu cầu mà toàn cầu hóa mang lại.
Theo các chuyên gia y tế, những năm qua, Philippines đã đẩy mạnh giáo dục y tế. Nước này thu hút sinh viên quốc tế bằng các chương trình đào tạo chất lượng cao, giá cả phải chăng. Chương trình giảng dạy y khoa được xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn Mỹ, tạo cơ hội việc làm quốc tế cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Do đó, việc Philippines sửa đổi Đạo luật Y tế Philippines 1959 sẽ thu hút sinh viên quốc tế theo học ngành y.
Ông Kadwin Pillai, Chủ tịch Học viện Y khoa Quốc tế Kings, Ấn Độ, cho biết, chính sách trên đặc biệt có lợi cho sinh viên Ấn Độ do họ ngày càng ưa chuộng du học Philippines. Nguyên nhân là nền giáo dục chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh, chi phí sinh hoạt phải chăng.
Các quy định mới cũng phù hợp với yêu cầu của Ủy ban Y tế Ấn Độ, cho phép sinh viên Ấn Độ hành nghề trong nước sau khi lấy bằng tại Philippines.
Chưa kể, số lượng trường y khoa được CHED công nhận là 64 trường, nằm trên khắp Philippines. Điều này tạo cơ hội cho sinh viên quốc tế ứng tuyển vào nhiều trường khác nhau, chọn trường phù hợp về điều kiện địa lý, tài chính...
Ông Kadwin Pillai, Chủ tịch Học viện Y khoa Quốc tế Kings, Ấn Độ, nhìn nhận: “Đây là thành tựu mang tính bước ngoặt đối với sinh viên y khoa Ấn Độ và sinh viên quốc tế học tập tại Philippines. Nó công nhận tiêu chuẩn cao về giáo dục y tế của Philippines và đưa ra lộ trình việc làm rõ ràng cho sinh viên quốc tế. Sự thay đổi này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho sinh viên quốc tế và củng cố danh tiếng của Philippines như một trung tâm giáo dục y tế hàng đầu ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. |
Theo GD&TĐ