Một người khiếm thị tới "xem" một bộ phim nói tại nhà hát Tâm Mộc ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

 

Thứ Bảy hằng tuần, ông Trương Tâm Sinh thường dành ra 2 giờ để cùng đi xem phim với bạn bè, dò hướng hệ thống tàu điện ngầm của thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) với cây gậy trắng và một bản đồ chỉ đường bằng giọng nói trên điện thoại di động của mình.

Ông Trương bị khiếm thị khi mới 20 tuổi do thoái hóa võng mạc. Tuy không thể thấy được ánh sáng, nhưng kể từ đó, ông lại phát hiện ra tình yêu với điện ảnh ở câu lạc bộ "phim nói."

Tại đây, các tình nguyện viên tường thuật lại sống động nội dung phim cho những người khiếm thị hoặc bị suy giảm thị lực. 

Ông chia sẻ: "Sau khi nghe một bộ phim lần đầu tiên vào năm 2014, dường như một thế giới (mới) mở ra đối với tôi. Tôi cảm thấy mình có thể hiểu bộ phim mặc dù tôi không thể nhìn được. Những hình ảnh phim hiện rõ trong tâm tưởng của tôi... khi (người kể chuyện) mô tả những phân cảnh có tiếng cười, tiếng khóc."

Giờ đây, ở tuổi 51, ông thường dò đường tới một nhà hát ở Tiền Môn, tọa lạc tại trung tâm khu phố cổ ở thủ đô Bắc Kinh. Tại đây, có hàng chục khán giả khiếm thị đến thưởng thức các suất chiếu vào thứ Bảy do nhà hát Tâm Mộc tổ chức.

Một nhóm tình nguyện viên của nhà hát đã trở thành những người đầu tiên đưa các tác phẩm điện ảnh đến gần hơn với người khiếm thị ở Trung Quốc.

Phương pháp của họ rất đơn giản. Một người kể chuyện mô tả những diễn biến, biểu cảm khuôn mặt, trang phục của các diễn viên và các phân cảnh trên màn hình.

Dựa vào những chi tiết trực quan như khung cảnh thay đổi đột ngột từ mùa Thu lá rơi sang mùa Đông tuyết trắng, người kể sẽ có thể truyền tải cho người nghe thời gian trôi qua.

Tháng trước, nhóm tình nguyện viên đã "trình chiếu" phim "A Street Cat Named Bob" (Chú mèo đường phố tên Bob).

Bộ phim kể về một chú mèo mướp đã giúp một người đàn ông vô gia cư ở London (Anh) cai nghiện ma túy và trở thành một tác giả có sách bán chạy nhất.

Ông Vương Trương Vĩ là người thuật lại bộ phim lấp lánh ý nghĩa này cho các khán thính giả đặc biệt.

Nhân duyên đưa ông trở thành “bạn đồng hành” của khán giả khiếm thị trong rất nhiều suất chiếu đó là sau khi ông thuật lại phim "The Terminator"(Kẻ hủy diệt) cho một người bạn bằng tất cả đam mê và sự hào hứng của bản thân.

Năm 2005, ông Vương thuê một căn phòng nhỏ ở Bắc Kinh và đưa vào hoạt động câu lạc bộ “phim nói” với một tivi màn hình phẳng nhỏ, cùng đầu DVD cũ và khoảng 20 chiếc ghế.

“Phim noi” mang the gioi hanh phuc toi cho nguoi khiem thi hinh anh 2
Hàng chục người khiếm thị tới "xem" một bộ phim nói tại nhà hát Tâm Mộc ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP)
Rạp chiếu phim tạm rộng 20m2 của ông lúc nào cũng chật kín khán thính giả. Việc thuật lại phim cho khán giả khiếm thị đôi khi cũng gặp không ít thách thức, đặc biệt là nếu cốt truyện có các yếu tố lịch sử hoặc các hình tượng mà họ chưa từng được nhìn thấy.

Đơn cử như trước khi chiếu "Jurassic Park" (Công viên kỷ Jura), ông Vương phải cho khán giả tiếp cận và cảm nhận một số mô hình khủng long.

Bản thân ông cũng xem đi xem lại một bộ phim ít nhất sáu hoặc bảy lần để có thể viết chi tiết kịch bản phim theo cách của riêng, nhằm truyền tải tốt nhất nội dung phim cho các khán thính giả.

Nhà hát Tâm Mộc hiện đang hợp tác với các rạp chiếu phim lớn hơn để có thể tổ chức các suất chiếu dành cho khán giả đặc biệt của họ.

Đại dịch COVID-19 cũng đã thúc đẩy nhóm tình nguyện viên của nhà hát phát hành trực tuyến chuyên mục tường thuật phim đã được thu âm.

Trong suốt 15 năm qua, nhóm này đã trình chiếu và thuật lại cho các khán giả khiếm thị gần 1.000 bộ phim.

Theo Hiệp hội người khiếm thị Trung Quốc, hiện có hơn 17 triệu người khiếm thị ở nước này, trong đó 8 triệu người hoàn toàn không thể nhìn thấy ánh sáng.

Nhà sáng lập Hiệp hội Audio Description tại Hong Kong (Trung Quốc), bà Dawning Leung, đánh giá các buổi chiếu phim miễn phí của nhà hát Tâm Mộc, giúp tăng cường vốn hiểu biết văn hóa, cũng như mang đến cơ hội hiếm có để các khán giả khiếm thị được tiếp cận với phòng vé lớn nhất thế giới.

Theo Vietnamplus