Cảnh trong phim Em là bà nội của anh


Có thể thấy, ngay từ tựa đề, nhiều bộ phim đã chỉ rõ nữ giới sẽ là trung tâm của câu chuyện kể, như Gái già lắm chiêu (2016) kể về cô gái tuổi ngoài 30 xinh đẹp, thành đạt, thích sống độc thân nhưng lại mê trẻ con, nên thông đồng với một nữ bác sĩ quái dị tìm kiếm... "giống" của các chàng trai khỏe mạnh; Em là bà nội của anh (2015) xoay quanh nhân vật bà Đại kiểu cách, khó tính đã nhờ phép mầu trở thành cô gái tuổi đôi mươi để hoàn thành nhiều tâm nguyện còn dang dở; Chờ em đến ngày mai (2017) kể về Ly Cún - cô gái xinh đẹp, hồn nhiên sau lần giúp đỡ một bà lão lạ mặt đã liên tục trải qua những câu chuyện khó tin của cuộc đời...


Ở khía cạnh kịch bản, nhiều bộ phim mang tới câu chuyện hấp dẫn trong không gian mà nữ giới có tiếng nói chủ đạo. Tất nhiên, câu chuyện phim được kể dưới góc nhìn của họ và thông qua họ, chính họ là người dẫn dắt diễn biến và tạo ra tình tiết. Như phim Em chưa 18 (2017) là hành trình trưởng thành của một nữ sinh trung học, lồng ghép trong trò chơi tình ái do chính cô thiết kế. Cô Ba Sài Gòn vẽ nên thế giới mộng tưởng và ước vọng đẹp đẽ của riêng những người phụ nữ và thi thoảng mới thấp thoáng bóng dáng của một người đàn ông. Còn với Mẹ chồng, chuyện phim là cuộc chiến quyền lực và dục vọng giữa những người đàn bà đầy toan tính trong bối cảnh nam giới chỉ giữ vai trò thứ yếu, không có tiếng nói quyết định trong gia đình.

Với nhân vật trung tâm là nữ hay nội dung xoay quanh nữ giới còn có các phim như Yêu, Sắc đẹp ngàn cân, Cho em gần anh thêm chút nữa, Bốn năm hai chàng một tình yêu, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Bạn gái tôi là sếp, Ngày mai Mai cưới, Truy sát, Hương Ga, Cuộc đời của Yến, Quyên, Nắng, Cô gái đến từ hôm qua...

Tuy cùng khai thác đề tài về nữ giới, nhưng các phim Việt kể trên rất đa dạng, không trùng lặp ở bối cảnh hay hình tượng nhân vật.

Không quá nhiều nước mắt, không yếu đuối kiểu "nữ nhi thường tình", các nhân vật nữ trong nhiều phim về nữ giới của điện ảnh Việt gần đây được xây dựng với hình ảnh và tính cách gần gũi với cách nhìn nhận tích cực, bình đẳng về phụ nữ của thời hiện đại.

So với các thể loại khác thì dòng phim chick-flick (phim dành cho phụ nữ) nói về các nhân vật nữ này đều ít nhiều đạt được hiệu ứng khá tốt về chất lượng hay doanh thu, được đông đảo khán giả yêu thích.

Như Em là bà nội của anh đạt doanh thu kỷ lục (102 tỷ đồng) cho phim Việt ăn khách vào thời điểm cuối năm 2015, Em chưa 18 đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam tính đến thời điểm này (175 tỷ đồng). Riêng phim Cô Ba Sài Gòn còn góp phần làm nên trào lưu ưa chuộng áo dài truyền thống trong nữ giới hiện nay.

Theo thống kê, 2017 là năm thành công lớn của nữ giới ở Hollywood với những "hiện tượng" của phòng vé như Beauty and the beast, Star Wars: The Last Jedi, Wonder Woman..., nhưng trong số 100 phim bom tấn thì phim có nhân vật nữ là trung tâm chỉ chiếm 30% so với phim có nhân vật chính là nam.

Với thị trường công chiếu khoảng 40 phim các loại trong năm 2017 như điện ảnh Việt, có được 4 phim về nữ giới đạt doanh thu cao: Em chưa 18 (175 tỷ đồng, đứng nhất trong Top 10 phim có doanh thu cao nhất năm 2017 tại Việt Nam), Mẹ chồng (gần 40 tỷ đồng), Cô Ba Sài Gòn (gần 60 tỷ đồng), Cô gái đến từ hôm qua (68 tỷ đồng) là rất đáng kể. Bởi trừ một số phim bom tấn của nước ngoài, không có phim Việt về nam giới nào (kể cả Lôi báo của "đạo diễn triệu đô" Victor Vũ) lọt vào danh sách phim có doanh thu cao.

Tại sao phim về nữ giới lại được ưa chuộng ở Việt Nam? Có nhiều cách lý giải, như khán giả Việt tới rạp xem phim chủ yếu là giới trẻ, đặc biệt là các đôi tình nhân khá ưa thích đến rạp xem phim để giải trí. Vì thế, những bộ phim lãng mạn, hài hước với kết thúc có hậu, để lại dư âm ngọt ngào thường được lựa chọn hơn là phim hành động có tình tiết bạo lực, hay phim kinh dị gây sợ hãi. Trong khi đó, phim về nữ giới của điện ảnh Việt chủ yếu thuộc thể loại lãng mạn hoặc tâm lý xã hội, hài hước.

Đi cùng với sự "ăn khách" của những bộ phim về nữ giới, điện ảnh Việt cũng cho thấy tình trạng "âm thịnh dương suy" khi phần lớn nữ diễn viên luôn có sức thu hút hơn hẳn nam diễn viên. Thời gian qua và hiện nay, các nữ diễn viên trẻ đẹp và tài năng như Thanh Hằng, Minh Hằng, Ngô Thanh Vân, Ninh Dương Lan Ngọc, Vân Trang, Maya, Diễm My 9x, Midu, Miu Lê, Jun Vũ, Ngọc Thanh Tâm, Nhã Phương, Angela Phương Trinh... liên tục đảm nhận các vai chính và được đánh giá cao về diễn xuất, góp phần làm nên thành công của nhiều phim về nữ giới.

Đặc biệt, Kaity Nguyễn - cô diễn viên mới 18 tuổi của phim Em chưa 18 đã được trao giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam 2017, trở thành người trẻ tuổi nhất đạt danh hiệu này trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Xu hướng làm phim về nữ giới và lấy nhân vật nữ là trung tâm sẽ còn tiếp tục trong năm 2018, với khá nhiều phim sớm gây chú ý (thậm chí ngay khi còn đang sản xuất) như Tháng năm rực rỡ (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), Người tình (đạo diễn Lưu Huỳnh), Hai Phượng (đạo diễn Lê Văn Kiệt), Yêu em bất chấp (đạo diễn Văn Công Viễn), Mùa tử đằng yêu em (đạo diễn Bùi Nam Yên), Em trên 18 (đạo diễn Charlie Nguyễn)...

Theo Doanh nhân Sài Gòn