Anh Nguyễn Văn Phúc trong ngày nhận bằng tiến sĩ tại Hoa Kỳ - Ảnh: P.NGUYỄN

Anh cũng vừa trở thành người Việt đầu tiên nhận một giải thưởng danh giá dành cho các giáo sư tại Mỹ và Canada.

Trăn trở với gánh nặng chi phí của bệnh nhân

Nói về giải thưởng SONY Faculty Innovation Award trị giá 100.000 USD nhận cuối tháng 6-2021, gương mặt 8X xuất thân từ Bến Tre cho biết giải thưởng trên dành cho các công trình khoa học có tính đột phá và thực tiễn cao.

"Cụ thể dự án của chúng tôi phát triển một thiết bị gọn nhẹ, chi phí thấp giúp có thể theo dõi bệnh nhân động kinh (epileptic seizure) tại nhà. Mục đích là phát hiện và phân loại bệnh động kinh bằng cách theo dõi các tín hiệu điện não (EEG), điện cơ (EMG), tính biến thiên số lần đập của tim và các tín hiệu khác sử dụng các cảm biến được gắn vào thiết bị đeo được ở đầu để giúp cho việc chẩn đoán và điều trị có hiệu quả hơn. Ngoài ra thiết bị của chúng tôi cũng giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí theo dõi bệnh nhân", anh chia sẻ.

Thiết bị hiện được chạy thử nghiệm tại khoa thần kinh Bệnh viện ĐH Texas Southwestern, nơi đang có hơn 300 bệnh nhân động kinh được điều trị thường trú mỗi năm. Quá trình phát triển của thiết bị sẽ được các giáo sư, bác sĩ thần kinh học theo dõi và được các nhà khoa học ở ĐH Oxford (Anh) và ĐH Colorado (Hoa Kỳ) hỗ trợ kỹ thuật.

Chia sẻ về lý do vì sao lấy bằng tiến sĩ vào cuối năm 2018 nhưng đã sớm được ĐH Texas tại Arlington mời về làm phó giáo sư kiêm giám đốc một phòng thí nghiệm, Phúc cho biết nhà trường đánh giá cao các công trình nghiên cứu được công bố quốc tế trong thời gian làm nghiên cứu sinh và sau tiến sĩ tại ĐH Colorado. 

"Tôi quyết định về đây vì ĐH Texas tại Arlington rất mạnh về nghiên cứu kết hợp hai ngành khoa học máy tính và công nghệ y sinh học, những ngành thế mạnh của tôi. Đặc biệt, trường có quan hệ tốt với các bệnh viện lớn nên thuận tiện để đưa các sản phẩm nghiên cứu đi triển khai thực tế trên bệnh nhân. Trường cũng tạo điều kiện để tôi có phòng lab với tổng chi phí đầu tư đến 520.000 USD. Đó là những điều rất hiếm xảy ra với các nhà khoa học mới về trường ở Mỹ nói chung và bang Texas nói riêng", Phúc nói.

Anh cũng chia sẻ một tin vui là một dự án nghiên cứu hợp tác khác của lab vừa được Quỹ khoa học quốc gia Hoa Kỳ tài trợ 500.000 USD (phân nửa sẽ được phân bổ cho lab), nâng tổng số tiền tài trợ lab lên gần 900.000  USD.

Luôn hướng về quê nhà

Đoạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu và học tập, Phúc cho rằng người làm khoa học phải có tư duy tốt để có được những ý tưởng đột phá, nhưng song song đó sự cần cù, chăm chỉ, không ngại thử thách cũng là những yếu tố rất quan trọng.

Khi được hỏi về thất bại, anh nói: "Một điều tôi muốn khuyên các nghiên cứu sinh là trước khi quyết định bỏ một hướng nghiên cứu nào đó vì quá khó, hãy suy nghĩ kỹ về lý do mình bắt đầu và nhìn vấn đề một cách tổng quát, khách quan hơn. Đôi khi, bạn sẽ có một hướng đi khác tốt hơn. Tôi rất thích câu nói "không phải là tôi quá thông minh, mà chỉ là tôi kiên nhẫn ở lại với vấn đề lâu hơn" của vĩ nhân Albert Einstein".

Dù đang sống và lập nghiệp tại xứ người, Phúc không giấu được trăn trở khi số lượng bạn trẻ Việt có cơ hội nghiên cứu ở Mỹ còn khá ít. Hiện ở lab của anh có 2 nghiên cứu sinh người Việt, nhưng 6 sinh viên cao học và 3 sinh viên hệ ĐH đều là người nước ngoài. "Có lẽ vì học bổng cao học và ĐH có tính cạnh tranh cao hơn về mặt ngôn ngữ hơn là tư duy nghiên cứu, mà ngôn ngữ lại chưa phải là điểm mạnh của sinh viên Việt", anh chia sẻ. 

Hiện Phúc đang ưu tiên "để dành" bốn suất học bổng tiến sĩ toàn phần cho sinh viên Việt với mong muốn góp phần đào tạo các nhà khoa học trẻ cho Việt Nam. Anh cũng có kế hoạch dùng nguồn quỹ được cấp để trao học bổng cho những bạn trẻ Việt muốn du học hệ ĐH, thạc sĩ. 

"Bên cạnh phát triển các thuật toán, lab của chúng tôi dành nhiều thời gian để thiết kế và tạo ra những sản phẩm có thể chạy được trên thực tế và triển khai trên diện rộng. Mô hình nghiên cứu này rất tốn kém và rất khó để thực hiện ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Ngoài ra, hai hướng nghiên cứu chính của chúng tôi là y tế và nông nghiệp nên các thiết bị được phát triển tại Mỹ đều có thể mang về Việt Nam trong tương lai gần", Phúc khẳng định.

Gương mặt đoạt nhiều giải thưởng nghiên cứu

PGS Nguyễn Văn Phúc tốt nghiệp ngành điện tử - viễn thông (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2010, sau đó lấy bằng thạc sĩ điện - kỹ thuật máy tính tại ĐH Sungkyunkwan (Hàn Quốc) năm 2014.

Từ tháng 8-2014 đến tháng 12-2018, anh học và lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Colorado Boulder (Hoa Kỳ), rồi ở lại trường làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ trước khi "đầu quân" về ĐH Texas tại Arlington. Anh hiện có 8 bằng sáng chế tại Mỹ.

Ngoài giải thưởng SONY FIA 2021, anh còn đoạt giải thưởng University of Texas Rising Stars 2021(trị giá 260.000 USD được hệ thống ĐH Texas trao tặng cho những giáo sư mới gia nhập hệ thống có hướng nghiên cứu mang tính thực tiễn cao). Trước đó, các nghiên cứu của Phúc cùng với đồng nghiệp tại ĐH Colorado Boulder đã đem về nhiều giải thưởng như CACM Research Highlight 2020, ACM SIGMOBILE Research Highlights các năm 2017 và 2020…

Theo tuoitre