Phòng Hoàng đế và Hoàng hậu lầu Bảo Đại: Hiện vật đang ở đâu?
Cập nhật lúc 21:54, Thứ hai, 06/05/2019 (GMT+7)
Xương Rồng (Nghinh Phong) và Bông Sứ (Vọng Nguyệt) - hai trong năm biệt thự cổ tại di tích Lầu Bảo Đại trên núi Cảnh Long (TP Nha Trang, Khánh Hòa) - vừa mở cửa đón khách trong tuần qua.
Biệt thự Vọng Nguyệt thuộc di tích danh thắng Lầu Bảo Đại - Ảnh: T.T.
Do di tích mới mở cửa lại nên còn rất thưa thớt du khách. Ông Nguyễn Khắc Hà, giám đốc Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết trước mắt sở giao cho chủ đầu tư dự án (Công ty cổ phần đầu tư Khánh Hà - PV) cải tạo tạm thời hai biệt thự Nghinh Phong và Vọng Nguyệt để đón du khách.
Một khu vực trong di tích danh thắng Lầu Bảo Đại hưu hại xuống cấp - Ảnh: T.TDự án dở dang
Bên trong khu di tích, tại khu vực biệt thự Bông Giấy, cửa biệt thự mở nhưng chưa cho du khách vào vì trụ sở Công ty cổ phần đầu tư Khánh Hà đóng ở đây.
Từ biệt thự, có thể nhìn thấy toàn cảnh dinh Bảo Đại và vịnh Nha Trang, nhưng ngay trước mặt là các trụ móng bêtông đào bới nham nhở, lõi thép đen sì lồi lên giữa khu di tích.
Kế đó là biệt thự Vọng Nguyệt, với một dãy hàng rào bằng tôn bao quanh che hết tầm nhìn xuống vịnh Nha Trang. Tiến thẳng xuống các bậc thang đá là vườn hoa với điêu khắc hình rồng uy nghiêm, sẽ gặp biệt thự Nghinh Phong.
Hai khu biệt thự Vọng Nguyệt và Nghinh Phong đều còn nhiều loại hoa, cây cảnh có giá trị.
Toàn cảnh di tích danh thắng Lầu Bảo Đại (TP Nha Trang) bị đào bới nham nhở - Ảnh: T.THiện vật đang ở đâu?
Tại phòng hoàng đế Bảo Đại (biệt thự Nghinh Phong), phòng hoàng hậu Nam Phương và phòng thái tử Bảo Long (biệt thự Vọng Nguyệt) chỉ có lác đác vài bộ bàn ghế, giường.
Lầu trên của hai biệt thự này vẫn ở trạng thái niêm phong. Căn cứ vào hồ sơ di tích Lầu Bảo Đại do Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa thu thập được, có 42 hiện vật (trong đó có 17 hiện vật gốc) của di tích Lầu Bảo Đại đang lưu giữ ở biệt thự Xương Rồng (Nghinh Phong) và Bông Sứ (Vọng Nguyệt).
Cũng theo hồ sơ, "các hiện vật không còn đầy đủ và không được bài trí như trước, biệt thự còn trong quá trình cải tạo theo dự án nên các căn phòng để trống, do đó chưa có sơ đồ bài trí hiện vật tại di tích".
Một căn phòng sinh hoạt của Hoàng Đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương tại biệt thự Nghinh Phong - Ảnh: T.TTại một cuộc họp gần đây, ông Nguyễn Khắc Hà đã thông tin về kết quả của hội đồng thẩm định hiện vật tại khu di tích Bảo Đại. Theo đó, "chỉ có 10 hiện vật có giá trị về mặt thời gian, lịch sử, văn hóa và có thể do gia đình vua Bảo Đại sử dụng".
Một lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao cho hay một số hiện vật đang được bài trí tại biệt thự Xương Rồng và biệt thự Bông Sứ, còn lại được niêm phong và bảo quản ở các tầng trên của hai biệt thự này.
Một căn phòng sinh hoạt của Hoàng Đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương tại biệt thự Nghinh Phong - Ảnh: T.TÔng Lê Chí Hướng, giám đốc Bảo tàng Khánh Hòa, cũng cho biết các cơ quan chuyên môn đã thống nhất giao hiện vật Lầu Bảo Đại cho Công ty cổ phần đầu tư Khánh Hà giữ tạm thời và yêu cầu công ty phải có phòng ốc trưng bày, niêm phong cẩn thận các hiện vật.
"Về việc bảo quản, Sở Văn hóa và Thông tin giao cho Bảo tàng tỉnh phối hợp Trung tâm quản lý di tích hằng năm theo định kỳ, cử cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra, kiểm kê, xử lý mối mọt" - ông Hướng nói.
Biệt thự Bông Giấy trong di tích danh thắng Lầu Bảo Đại - Ảnh: T.TVừa đón khách, vừa hoàn thiện
Theo ông Nguyễn Khắc Hà, sở tiếp tục giao cho chủ đầu tư thiết kế tổng thể đối với 5 căn biệt thự này. "Chủ đầu tư phải trình lên sở cho ý kiến và trình lên UBND tỉnh phê duyệt mới triển khai thực hiện" - ông Hà nói.
Cùng với đó, Công ty cổ phần đầu tư Khánh Hà sẽ thuê đơn vị tư vấn khảo sát, lên phương án cải tạo tổng thể 5 biệt thự, đồng thời phải có thiết kế trưng bày hiện vật. Phương án này triển khai song song và hoàn thiện khi dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại đi vào hoạt động.
Đối với khu biệt thự Bảo Đại, ông Trần Hòa Nam, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Khánh Hòa, cho hay lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo phải bảo tồn tôn tạo theo hướng không được phá vỡ kiến trúc cũ bên trong, bên ngoài công trình và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên xung quanh, giữ gìn và trưng bày các tư liệu hiện vật liên quan.
Một khu vực trong di tích danh thắng Lầu Bảo Đại hưu hại xuống cấp - Ảnh: T.T Theo hồ sơ di tích Lầu Bảo Đại, các hiện vật tại biệt thự Xương Rồng có: 1 bàn làm việc bằng gỗ, 1 ghế inox mạ đồng, 2 chiếc quạt trần, 1 bức ảnh chụp vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long, 1 giường ngủ của hoàng hậu, 1 bộ bàn ghế salon, 1 bộ bàn ăn (1 bàn gỗ hình chữ nhật và 5 ghế). Tại biệt thự Bông Sứ có: 2 bộ bàn ghế (bàn gỗ, ghế bằng inox mạ đồng), 1 bộ bàn ghế và giá gương trang điểm, 1 tủ ba buồng bằng gỗ, 2 giường ngủ bằng gỗ, 1 bộ salon gỗ, 2 quạt trần. Trước đó, báo Tuổi Trẻ từng phản ánh vào tháng 1-2016, nhiều hiện vật gốc của di tích lịch sử văn hóa Lầu Bảo Đại tại TP Nha Trang bị "rơi rớt" qua các lần đổi chủ. Trong hồ sơ khoa học được lập năm 2001, khu di tích lịch sử văn hóa Lầu Bảo Đại có hơn 20 hiện vật gốc. |
Căn phòng của hoàng đế Bảo Đại tại biệt thự Nghinh Phong - Ảnh: T.T.
Lầu Bảo Đại (biệt thự Cầu Đá) được xây dựng năm 1923, gồm 5 ngôi biệt thự: Xương Rồng, Bông Sứ, Phượng Vỹ, Bông Giấy, Cây Bàng. Sau khi vua Bảo Đại lên ngôi hoàng đế, Pháp đã giao hai tòa biệt thự Xương Rồng và Bông Sứ cho vua và hoàng hậu Nam Phương mỗi khi tuần thú phương Nam. Khu di tích này được giao cho Tổng công ty Khánh Việt quản lý khai thác trong nhiều năm. Đến năm 2011, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Công ty Khánh Hà triển khai dự án khu biệt thự cao cấp Bảo Đại, cho phép cải tạo 5 biệt thự cổ, xây nhà hàng, bến thuyền, sân golf, phòng hội nghị… Khi thực hiện dự án, chủ đầu tư đã đào khu di tích trái pháp luật, xây thêm hai khách sạn không giấy phép trong khu di tích. Hiện nay, dự án này đang tạm dừng thi công để điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm mật độ xây dựng, giảm chiều cao công trình để tránh tác động các biệt thự. |
Theo
Tuổi Trẻ