Hình ảnh giáo viên bị học sinh bạo hành (ảnh cắt từ clip)
Hình ảnh giáo viên bị học sinh bạo hành (ảnh cắt từ clip)

 

Khi vụ việc học sinh và giáo viên ở Tuyên Quang nổi lên, cư dân mạng sục sôi với bình luận “học sinh bây giờ mất dạy quá” đâu đó lại có những bình luận kiểu “chắc cô giáo cũng quá quắt, chúng nó không phục nên mới vậy" “có mấy thầy cô giáo cũng trời ơi đất hỡi lắm!".

Tôi đồng tình với suy nghĩ của bạn đọc Phụ nữ TPHCM trong bài viết Những đứa trẻ vô lễ với thầy cô đã bị "ô nhiễm" từ đâu?. Có rất nhiều lý do như sự xuống cấp của đạo đức học sinh, kỷ luật nhà trường, cách xử lý của những người có trách nhiệm… Nhưng tôi cho rằng, do từ trong gia đình, chính cha mẹ đã có những suy nghĩ coi thường giáo viên. Vào dịp 20/11 vừa rồi, khi đón con ở trường tiểu học, tôi tình cờ nghe được câu chuyện của nhóm phụ huynh nữ. Có mặt những đứa trẻ ở đó, nhưng các mẹ vô tư bày tỏ: Chẳng cần mất thời gian đi lựa quà hay mua hoa, viết thiệp gì cho mệt. Có số tài khoản cuả cô giáo rồi thì cứ “tinh ting” là xong, cô muốn mua gì thì mua.

Một đứa bé hỏi mẹ “tinh ting" là gì, cả nhóm cười lớn: “Là chuyển tiền đó con, cứ chuyển tiền cho cô để cô muốn mua gì thì mua. Đỡ mất công chọn hoa quà viết thiệp, mất thời gian"- một phụ huynh giải thích.

Hôm nọ, tôi đến nhà đồng nghiệp chơi ngay lúc 2 vợ chồng đang than phiền về kết quả học tập của cô con gái năm nay lên lớp 7. Theo anh chị thì cô bé hồi học tiểu học thì có sức học tốt, nhưng khi bước vào cấp 2 thì sa sút, đặc biệt là môn tiếng Anh.

Thay vì tìm hiểu lý do con học hành sa sút bằng cách trao đổi với giáo viên hoặc hỏi thêm tình hình của con tại trung tâm Anh ngữ, anh chị quả quyết ngay rằng lý do khiến con anh chị học sút là do thầy giáo dạy… dở. 

Với kiến thức chuyên môn và làm việc tại công ty nước ngoài lâu năm, anh chồng cho rằng dạy tiếng Anh bây giờ phải khác xưa. Phải cho rèn luyện phản xạ, giao tiếp nhiều chứ không nên quá nặng văn phạm…

Anh chị than phiền rất nhiều về cách dạy, nhưng khi tôi hỏi anh chị hiện bé đang học giáo trình nào thì cả 2 đều không rõ, phải gọi con mang sách ra. Con bé nhanh nhẹn mang sách đến cho ba mẹ, thì ra bé đứng đằng sau để nghe ba mẹ than phiền giáo viên.

Trẻ sẽ nhìn và bắt chước cách mà cha mẹ thể hiện sự tôn trọng dành cho giáo viên. Ảnh: Minh họa
Trẻ luôn chịu ảnh hưởng từ cha mẹ. Chúng có tôn trọng giáo viên hay không, một phần do cha mẹ. (Ảnh minh họa)

 

Trường hợp như tôi vừa kể không hề hiếm. Nhiều phụ huynh khi thấy con không như kỳ vọng sẽ quay sang trách móc năng lực giáo viên và bày tỏ thái độ thiếu tôn trọng, thậm chí coi thường. Trong khi đó, sự thiếu tin tưởng của phụ huynh với giáo viên sẽ ảnh hưởng xấu đến con em, khiến chúng không tôn trọng thầy cô của mình.

Có những chuyện tưởng như rất nhỏ như đi học đúng giờ, đồng phục chỉnh tề, thực hiện yêu cầu của giáo viên... cũng thể hiện việc cha mẹ có đang dạy con tôn trọng nội quy, tôn trọng giáo viên hay không.

Gần nhà tôi có gia đình trẻ, người bố đi làm xa, ở nhà chỉ 2 mẹ con. Giờ vào học là 7g15 nhưng ngày nào bà mẹ cũng chở con đi trễ, quần áo, đầu tóc lôi thôi. Chiều nào tôi cũng thấy con bé mếu máo khóc lóc vì để quên sách vở, dụng cụ học tập hoặc quên làm bài tập về nhà.

Mỗi lần như thế, tôi lại nghe bà mẹ quát: “Cô giáo lắm chuyện quá, ngày nào cũng nhắn tin than phiền. Để bữa nào mẹ lên trường nói chuyện với cô". Thế nhưng tới khi cô giáo gửi thư mời về nhà, bà mẹ lại nói: “Họp cũng chỉ đóng tiền chứ có gì đâu. Nhà bao việc, có ở không đâu, cô giáo toàn vẽ chuyện!".

Nghĩ lại tôi thấy, chuyện giáo dục con cái chưa bao giờ chỉ là một phía từ nhà trường, thầy cô. Trong khi đó, trách nhiệm lớn dạy con “tiên học lễ" lại thuộc về cha mẹ. Có câu nói khiến tôi rất tâm đắc: “Đừng ra sức giáo huấn con cái làm gì, vì đằng nào đứa trẻ cũng thành người giống bạn". Tôi cũng từng đọc đâu đó câu: “Con trẻ sẽ chẳng học được bất cứ điều gì từ người mà ba mẹ chúng không tôn trọng". Vậy nên, khi xảy ra vụ việc học sinh vô lễ, hỗn láo với giáo viên, cần nhìn lại từ gốc rễ gia đình.

Theo phụ nữ TPHCM